Công nghệ mật của Mỹ bị tuồn sang Trung Quốc
Mỹ đang phải đối mặt vấn nạn linh kiện và hệ thống công nghệ quốc phòng của mình bị đưa sang Trung Quốc qua nhiều con đường, cả hợp pháp và bất hợp pháp.
Một quan chức của Cục An ninh Nội địa Mỹ cầm bộ vi mạch bức xạ cứng lấy lại được từ một công dân Trung Quốc khi người này đang tìm cách đưa về nước. Ảnh: KEVIN LEMARQUE.
Hãng công nghệ quốc phòng Aeroflex ở bang Colorado nhận được email của một người đàn ông tự xưng là Philip Hope ở Oakland. Người này muốn mua hai loại chip bức xạ cứng 112 và 200, với tổng số tiền là hơn 549.000 USD. Hãng nghi ngờ về bức thư này.
Những cá nhân và công ty muốn mua những loại vi mạch này thường là khách hàng quen biết từ lâu. Đội bán hàng của Aeroflex chưa từng nghe tên “Philip Hope” hay công ty “Sierra Electronic Instruments” của ông này. Aeroflex đã chấp nhận đơn đặt hàng, rồi báo cho Cục An ninh Nội địa.
Theo báo Mỹ, Trung Quốc lâu nay vẫn tìm mọi cách để nắm được công nghệ quốc phòng của Mỹ. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc nay đã tăng lên gần 200 tỷ USD và đang nổi lên thách thức vị trí siêu cường của Mỹ.
Đội điều tra biết được “Philip Hope” là một người nhập cư Trung Quốc tên là Philip Chaohui He - kỹ sư đang làm trong một dự án ở bang California. Sierra Electronic Instruments chỉ là một công ty mới thành lập từ căn phòng nhỏ nơi He thuê ở khu Chinatown.
Từ đó, đội điều tra kết luận He mua vi mạch cho một đối tượng khác, rất giàu có, nhưng không thể đứng ra mua hợp pháp, có thể là Tập đoàn Khoa học và Công vệ vũ trụ Trung Quốc, một doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện hầu hết dự án vũ trụ dân sự và quân sự của Trung Quốc.
Các đặc vụ đã cho phép Aeroflex bán cho He loại công nghệ mà Trung Quốc ao ước, nhưng không thể bắt chước. Vi mạch bức xạ cứng có kích thước chỉ bằng đồng xu này có chức năng rất quan trọng trong việc vận hành vệ tinh, dùng cho tên lửa đạn đạo và để bảo vệ phần cứng khỏi bức xạ mặt trời và hạt nhân.
Họ đánh liều làm vậy nhằm tóm gọn cả đường dây buôn lậu của người Trung Quốc. Nhưng nếu He chuyển hàng thành công thì những con chip này một ngày nào đó sẽ bị dùng để chống lại Mỹ. Chúng cũng có thể giúp cho vệ tinh trở thành tai mắt cho quân đội Trung Quốc. Khi tìm kiếm trong văn phòng của He, các đặc vụ không thấy số chip ở đó.
Nguy cơ trước mắt
Theo Reuters, 20 năm qua, Mỹ chi nhiều nghìn tỷ đô-la để phát triển những công nghệ quân sự tốt nhất thế giới. Mỹ cũng đề ra luật và quy định để ngăn không để những công nghệ này rơi vào tay những nước như Iran, CHDCND Triều Tiên và nhất là Trung Quốc.
Giới chức Mỹ nói rằng, Bắc Kinh đang thâm nhập ngành quốc phòng của Mỹ không chỉ để có được các hệ thống vũ khí mà còn muốn nắm được những công nghệ tối tân và nguy hiểm nhất. Một báo cáo mật của ban cố vấn Lầu Năm Góc hồi đầu năm khẳng định, tin tặc Trung Quốc đã tiếp cận được thiết kế vài chục hệ thống vũ khí của Mỹ.
Nhưng việc buôn lậu công nghệ như vi mạch bức xạ cứng ra khỏi Mỹ có thể gây đe dọa ngay trước mắt đối với quân đội nước này. Chính phủ Mỹ cũng chưa biết người Trung Quốc thành công ở mức độ nào trong việc nắm giữ thiết bị và hệ thống vũ khí của Mỹ, vì phạm vi của vấn đề quá rộng và rất khó điều tra, đặc biệt trên thị trường đen. Nhiều khi công nghệ nhạy cảm của Mỹ được bán hợp pháp cho các nước bạn bè của Mỹ, nhưng ngay sau đó được chuyển sang Trung Quốc.
Reuters trích báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2010 nói rằng, những chuyến hàng hợp pháp từ Mỹ sang Trung Quốc thường thuộc loại công nghệ có thể vừa dùng cho mục đích dân sự, vừa có thể phục vụ quốc phòng.
Theo tính toán của Lầu Năm Góc, những đơn đặt hàng quốc phòng nghi ngờ dính dáng người Trung Quốc trong năm 2012 tăng 88% so với năm trước. Từ năm 2008, những vụ điều tra liên quan công nghệ vũ trụ có dính dáng phía Trung Quốc, như vụ ở Oakland nói trên, tăng gần 75%.
Các quan chức liên bang nói rằng, cuối năm 2012, họ bắt đầu điều tra 80 vụ liên quan công nghệ vệ tinh và vũ trụ. Tuy nhiên, các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ cho rằng, dù nỗ lực của Trung Quốc có lớn đến đâu thì nước này vẫn tụt hậu so với Mỹ ít nhất 10 năm.