1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Công nghệ làm sạch sông Tô Lịch từng được áp dụng tại Nhật Bản như thế nào?

(Dân trí) - Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản (JEBO) cho biết, Công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản thí điểm làm sạch tại sông Tô Lịch (Hà Nội) vừa qua đã từng được triển khai tại Nhật Bản cách đây hàng chục năm và rất thành công.

Trước băn khoăn của dư luận xã hội về việc công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản triển khai thí điểm làm sạch đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây (Hà Nội), đã từng thực hiện tại Nhật Bản hay chưa, chiều 9/12, JEBO có thông cáo gửi tới cơ quan báo chí với nội dung công bố một số trong nhiều dự án mà JEBO đã áp dụng công nghệ này tại Nhật Bản.

Theo JEBO, đầu tiên, công nghệ này đã được áp dụng thành công trong việc cải thiện chất lượng nước tại sông Onga (tỉnh Fukuoka, Kyushu Nhật Bản) từ năm 1994, cách đây tròn 25 năm, hiện vẫn đang hoạt động tốt. Ngoài ra, công nghệ này còn áp dụng xử lý ô nhiễm nước tại kênh Sakishima (Osaka, Nhật Bản vào năm 2000); các hồ chứa nước đập thủy điện; các ao hồ trong công viên tại Nhật Bản, và hàng trăm các nhà máy xử lý nước thải công nghiệp, xử lý nước thải chăn nuôi; nuôi trồng thủy hải sản.

"Đặc biệt, phát minh về công nghệ Nano này cách đây hơn đã 30 năm, là “công nghệ lõi” được các tập đoàn lớn hàng đầu của Nhật Bản và khoảng 2.000 cơ sở sản xuất tại Nhật Bản và một số nơi trên thế giới hiện đang áp dụng công nghệ này", JEBO thông tin.

JEBO dẫn chứng, dự án cải thiện chất lượng nước sông Onga (tỉnh Fukuoka, Nhật Bản năm 1994), đã trải qua 25 năm nhưng vẫn vận hành tốt, hiện có thể theo dõi, kiểm chứng qua trang mạng quản lý công khai sông Onga của Nhật Bản. Dự án này do Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và du lịch Nhật Bản (MLIT) làm chủ đầu tư. Phụ trách triển khai sử dụng công nghê Nano (thời gian đầu của phát minh của công nghệ nano nên là phiên bản cũ hơn so với phiên bản đã áp dụng tại sông Tô Lịch).

Công nghệ làm sạch sông Tô Lịch từng được áp dụng tại Nhật Bản như thế nào? - 1

Dự án cải thiện chất lượng nước sông Onga bằng Công nghệ Nano Nhật Bản (Năm 1994) của Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và du lịch Nhật Bản (MLIT).

Công nghệ làm sạch sông Tô Lịch từng được áp dụng tại Nhật Bản như thế nào? - 2

Dự án cải thiện nước sông Onga bằng Công nghệ Nano Nhật Bản năm 1994.

Tiếp đến là dự án cải thiện tình trạng “siêu phú dưỡng” của kênh Sakishima (Osaka, Nhật Bản) từ năm 2000. Trước khi xử lý, tảo xanh gây ô nhiễm nước, mùi hôi thối khó chịu. Tuy nhiên, sau 3 ngày xử lý bằng công nghệ Nano, tảo dần biến mất, nước trong, mùi hôi thối biến mất. 

Công nghệ làm sạch sông Tô Lịch từng được áp dụng tại Nhật Bản như thế nào? - 3

Dự án cải thiện tình trạng “siêu phú dưỡng” của kênh Sakishima (Osaka, Nhật Bản) năm 2000.

Một dự án mà JEBO nhấn mạnh, đó là: Công nghệ Nano-Bioreactor được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020 chọn để xử lý ô nhiễm nước Vịnh Tokyo (chỉ số Coliform, E.coli vượt quy chuẩn cho phép) để chuẩn bị cho các hoạt động môn thể thao trên Vịnh Tokyo.

Hiện nay, tại khu vực bờ biển Odaiba, Vịnh Tokyo có chỉ tiêu về số lượng vi khuẩn có hại Coliform, E.coli vượt mức quy chuẩn cho phép của Nhật Bản. Việc chất lượng nước bị suy giảm do phát hiện E.coli nhiều hơn quy chuẩn cho phép nhiều lần đã dẫn đến cuộc thi ba môn thể thao phối hợp dưới nước đã bị hoãn lại. Ngoài ra, tại giải đấu Open water được tổ chức tại cùng địa điểm trước đó, các vận động viên đã chỉ ra việc nước có mùi hôi.

Giữa lúc những lo ngại ô nhiễm nước ngày càng tăng, các hoạt động thể thao dưới nước của Tokyo Olympic 2020 sẽ diễn ra tại khu vực Vịnh Tokyo bắt đầu từ tháng 8/2020. Ủy ban Tokyo Olympic đã lên tiếng chào mời hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản chuyên về xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhưng các tập đoàn đều trả lời rằng công nghệ xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung chỉ có thể xử lý trong bể kín chứ không thể áp dụng tại khu vực mà nước chảy lưu thông và mở như tại Vịnh Tokyo. Và JEBO đã được Ủy ban Tokyo Olympic mời xử lý dự án này.

Công nghệ làm sạch sông Tô Lịch từng được áp dụng tại Nhật Bản như thế nào? - 4

"Sau đợt chứng minh thực tế lắp đặt máy nano tại Vịnh Tokyo vào ngày 5/10/2019, kết quả sau xử lý cho thấy sau 24 giờ số lượng vi khuẩn có hại Coliform, E.coli đã giảm về 0 đảm bảo chất lượng nước an toàn. Dự kiến chậm nhất tháng 6/2020, dự án sẽ được hoàn thành để kịp tháng 8/2020 sử dụng cho các môn thể thao dưới nước của Thế vận hội Olympic Tokyo 2020", JEBO cho biết thêm.

Công nghệ làm sạch sông Tô Lịch từng được áp dụng tại Nhật Bản như thế nào? - 5

Công nghệ Nano-Bioreactor được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 chọn để xử lý ô nhiễm nước Vịnh Tokyo.

Nguyễn Dương