1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cộng đồng chung ASEAN chính thức ra đời

(Dân trí) - Sau 12 năm đưa ra ý tưởng và đàm phán về việc thành lập một cộng đồng kinh tế chung, 10 nước Hiệp hội Đông Nam Á đã chính thức ra mắt Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) vào hôm nay 31/12.

(Ảnh: Getty)
(Ảnh: Getty)

Sự ra đời của AEC được đánh giá là một bước ngoặt lịch sử đối với khu vực ASEAN. AEC ra đời đánh dấu sự hình thành một thị trường chung giữa 623 triệu dân của nền kinh tế 2.500 tỷ USD, đứng thứ 3 châu Á chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và lớn thứ 7 thế giới.

AEC góp phần kết nối các thị trường trong khu vực, theo đó hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn, đầu tư, và lao động có kỹ năng sẽ được dịch chuyển tự do trong thị trường nội khối.Với điều kiện này, AEC kỳ vọng GDP của khối sẽ được tăng gấp đôi vào năm 2030.

Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng nhằm ứng phó với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ thị trường Trung Quốc và Nhật Bản.

Đánh giá về sự ra đời của AEC, ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN hôm qua 30/12 nhấn mạnh: “Đây là một bước ngoặt lớn đối với chúng ta”. Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng cộng đồng kinh tế ASEAN vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước bởi quá trình lập ra một thị trường và một nền tảng sản xuất chung đồi hỏi các cam kết chính trị và hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ tất cả các nước trong khối.

AEC thực hiện mục tiêu của mình trên nền tảng những hiệp định quan trọng được các thành viên ký kết gồm Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS) và Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA).

Theo ATIGA, từ năm 2010 các nước ASEAN-6 (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei) phải xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 100% dòng thuế thuộc Danh mục thông thường; chỉ giữ lại một số dòng thuế thuộc Danh mục loại trừ chung gồm những sản phẩm được miễn trừ vĩnh viễn vì lý do an ninh quốc gia, đạo đức và sức khỏe).

Các nước gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar có lộ trình dài hơn xóa bỏ thuế cho hàng hóa từ các nước ASEAN muộn hơn, đến năm 2015 mới phải xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu trong danh mục thông thường, nhưng được linh hoạt giữ lại thuế suất đối với 7% số dòng thuế đến năm 2018 bao gồm các mặt hàng ô tô và linh kiện, sắt thép, linh kiện và phụ tùng xe máy, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xe đạp và phụ tùng, rượu bia, sản phẩm chất dẻo, giấy các loại.

Từ năm 2018 Việt Nam chỉ còn được duy trì thuế nhập khẩu với mức thuế suất tối đa là 5% đối với khoảng 3% số dòng thuế, bao gồm phần lớn là các mặt hàng nông nghiệp "nhạy cảm" như gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường. Hai nhóm mặt hàng có lộ trình cam kết dài và chưa có lộ trình là xăng dầu (đến năm 2024) và thuốc lá (sẽ phải đưa ra lộ trình cắt giảm trong tương lai gần).

Đến nay, Việt Nam đã giảm thuế cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức từ 0% đến 5% theo ATIGA, chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế.

Minh Phương

Tổng hợp