1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Cơn lốc Matteo Renzi” ở nước Ý

(Dân trí) - Trở thành thủ tướng trẻ nhất và là thủ tướng thứ ba được chỉ định không qua bỏ phiếu, ông Matteo Renzi đang tạo ra "cơn lốc” mới đột phá thành lũy chính trị cũ mèm tại Rome. Liệu "cơn lốc"này có thể đưa Ý nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng?

Hiện tượng Renzi” đang mang lại nhiều sắc thái mới cho chính trường Ý.
"Hiện tượng Renzi” đang mang lại nhiều sắc thái mới cho chính trường Ý.

Ông Renzi bước vào con đường chính trị ngay sau khi tốt nghiệp Khoa Luật trường Đại học Florence năm 1996. Khi đó, trong vai trò là thành viên đảng Nhân dân Ý,  chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết và ý tưởng sáng tạo mới lạ đã sớm được đánh giá là “làn gió mới” trong đội ngũ chính trị gia truyền thống của “đất nước hình chiếc ủng”.

Sau 13 năm lăn lộn chính trường và nhờ vào những biệt tài như hóm hỉnh, có thể “nói vo” hàng giờ về những chủ đề hóc búa và thường đưa ra các giải pháp có tầm bao quát, chính trị gia tài năng Renzi cũng đã tích lũy được “lưng vốn” kinh nghiệm để tiếp tục khẳng định danh tiếng trên bầu trời chính trị nước Ý với biệt danh “ngôi sao đang lên”.

Nhưng bước ngoặt thực sự trong cuộc đời chính trị của Renzi bắt đầu từ tháng 12/2013 khi chính trị gia 39 tuổi bất ngờ được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) cầm quyền và sau đó không lâu, ngày 17/2, được chính thức chỉ định làm Thủ tướng, thay ông Enrico Letta đã từ chức do phải hứng chịu không ít chỉ trích về việc thiếu năng lực vực dậy nền kinh tế yếu kém do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế năm 2008. Với việc liên tục chinh phục các đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị, ông Renzi không chỉ là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Ý, mà còn là vị thủ tướng thứ 3 lên nắm quyền trong vòng 3 năm mà không qua bầu cử trực tiếp.

Ngay sau khi nhậm chức ngày 22/2, tân Thủ tướng Ý đã cho ra mắt một chính phủ mới với nhiều sắc thái đổi mới như tuổi trung bình của các thành viên chính phủ là 46, chính phủ có hơn một nửa số thành viên là phụ nữ. Tân chính phủ cam kết sẽ thực thi chương trình làm việc hiệu quả với việc tiến hành cải cách về luật bầu cử, thị trường lao động, hành chính công và thuế. Bốn cuộc cải cách này sẽ được chính phủ của ông Renzi thực hiện trong vòng 100 ngày, từ cuối tháng 2 đến hết tháng 5.

Mục tiêu đặt ra là vậy song để hiện thực hóa các bước không hề đơn giản, nhất là khi có ít nhất 2 mục tiêu trong số này từng bị thất bại dưới thời của hai chính phủ tiền nhiệm Mario Monti và Enrico Letta.

Về thị trường lao động, để giảm bớt tình trạng thất nghiệp đang ở mức kỷ lục 12,7%, ông Renzi đề xuất duy trì các hợp đồng dài hạn với các lao động trẻ để tạo sự ổn định tương đối trên thị trường việc làm, đồng thời đánh giá lại hiệu quả hoạt động của khu vực hành chính công. Ngoài ra, ông cũng muốn hỗ trợ tài chính cho những người mất việc làm trong thời gian họ chờ đợi được tuyển dụng vào một công việc mới.

Về cải cách thuế, ông Renzi cam kết sẽ giảm thuế thu nhập cá nhân từ 38% xuống còn 35% đối với những người có thu nhập từ  55.000 - 120.000 euro/năm và giảm từ 45% xuống còn 43% đối với những người có thu nhập trên 120.000 euro/năm. Đối với các doanh nghiệp, chính phủ của ông Renzi cũng chủ trương giảm 10% thuế doanh thu để giúp các doanh nghiệp có thêm vốn mở rộng kinh doanh và thuê thêm người lao động.

Tuy nhiên để thực hiện được các “tham vọng” trên, vấn đề đặt ra là ông Renzi phải nhanh chóng “sốc” lại được liên minh cầm quyền sau sự ra đi của người tiền nhiệm Enrico Letta. Là người đứng đầu nội các không qua bầu cử, ông Renzi đang phải đối mặt với không ít nghi kỵ và chống đối từ một bộ phận không nhỏ thành viên kỳ cựu trong đảng DP cầm quyền. Vì thế, ông phải rất khôn khéo mới có thể duy trì được một Quốc hội ổn định cho tới năm 2018 nhằm tránh phải tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vốn chỉ khiến Quốc hội hoạt động trì trệ như đã từng xảy ra trong năm 2013.

Ngoài ra, sự thay đổi chính trị thường xuyên ở Ý cũng gây ảnh hưởng lớn tới nỗ lực phục hồi nền kinh tế được đánh giá lớn thứ 3 Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu nổ ra năm 2008, Ý đã có tới 4 lần thay thủ tướng, khiến các nhà đầu tư chẳng thể yên tâm hoạt động, đừng nói đến việc mở rộng kinh doanh.

Ở bên ngoài, chính trị gia ngành Luật sẽ không dễ dàng thực hiện ngay được các cam kết với châu Âu về cắt giảm bội chi ngân sách, nợ công và cải tổ cơ chế nhà nước. Sau hơn nửa thế kỷ tự do vay mượn và phung phí ngân sách để mua chuộc sự đồng thuận của cử tri, Ý đang phải đối mặt với sự thật phũ phàng là không thể tiếp tục vung tay trong tình trạng đang “nợ như chúa chổm”. Do đó, chính phủ mới sẽ phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt xén phúc lợi xã hội, tinh giản bộ máy hành chính…. Trong khi đó, đây đều là những vấn đề rất dễ tạo ra căng thẳng trong xã hội, nhất là trong bối cảnh đa số người dân không còn tin tưởng vào giới chính khách sau những vấn nạn tham nhũng và lạm quyền của các tầng lớp lãnh đạo đi trước.

Xét trong điều kiện thực tế của Ý và sự phục hồi chung của kinh tế toàn cầu, các chuyên gia đánh giá “đất nước hình chiếc ủng” vừa thoát khỏi giai đoạn suy thoái dài nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II và dự kiến trong năm nay có thể đạt nhịp độ tăng trưởng nhẹ ở mức 0,8%. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa nền kinh tế của quốc gia bên bờ Địa Trung Hải đã thoát khỏi “vùng nguy hiểm” khi nợ công vẫn ở mức xấp xỉ 133% GDP (cao thứ hai trong EU, sau Hy Lạp), tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 37 năm qua (3,3 triệu người trong độ tuổi lao động không có việc làm, chiếm 12,7% dân số) và trung bình cứ mỗi giờ có 54 doanh nghiệp phá sản.

Trước thực tế đó, nếu ông Renzi không triển khai hiệu quả các chương trình cải cách như đã cam kết thì chính trường Ý sẽ lại phải một lần nữa mất thời gian tìm kiếm sự ổn định mới. Con số 4 đời thủ tướng thay nhau chỉ trong vòng 4 năm cũng sẽ chưa thể dừng lại. Đây là điều kiện sống còn để ông Renzi và nội các mới của Ý luôn phải “nhớ nằm lòng” nếu như không muốn sẽ đi vào “vết xe đổ” của những người tiền nhiệm.

Đức Vũ