1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cộng đồng kinh tế ASEAN:

Con đường không dễ dàng để có thị trường chung

(Dân trí) - Ngày 31/12/2015, Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời. Để đạt mục tiêu thành lập một thị trường chung theo mô hình Liên minh châu Âu (EU), các chuyên gia cho rằng AEC còn phải vượt qua nhiều thách thức.

Con đường không dễ dàng để có thị trường chung - 1

Cộng đồng Kinh tế ASEAN. (Ảnh: 123rf.com)

Khu vực Đông Nam Á với 634 triệu dân là khối thương mại đứng hàng thứ ba tại châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Xét về tiềm năng, Cộng đồng kinh tế ASEAN có thể trở thành đối tác xuất khẩu cũng như nhập khẩu đứng hàng thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, EU và Mỹ.

Hiện nay trao đổi thương mại giữa các nước trong ASEAN chiếm gần 25% tổng xuất nhập khẩu của khu vực này và sẽ tăng khoảng 10% mỗi năm. ASEAN đang hy vọng vào năm 2020, tỷ lệ xuất nhập khẩu trong nội khối AEC sẽ lên tới 30%.

Giấc mơ của ASEAN về một thị trường chung duy nhất, theo mô hình EU đã được thai nghén từ lâu. Tuy đã được chính thức ra đời, nhưng với AEC để có thể phát triển theo mô hình EU, giới chuyên gia cho rằng AEC cần có được một số yếu tố cơ bản cũng như phải vượt qua không ít thách thức lớn.

Con đường không dễ dàng để có thị trường chung - 2

Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN trong cuộc gặp ngày 22/11/2015 tại Kuala Lumpur. (Ảnh: AFP)

Trước tiên, Ban Thư ký ASEAN đặt tại Jakarta, thủ đô Indonesia, theo đánh giá chung là còn nhỏ bé, ngân sách hoạt động và nhân lực hạn chế, đặc biệt là không có thẩm quyền như Ủy ban Châu Âu đóng trụ sở tại Brussels với vai trò gần như là chính phủ của châu Âu. Còn trong AEC, thẩm quyền vẫn thuộc về các bộ chủ quản của từng nước và chưa tạo được nhiều thuận lợi cho việc phối hợp khi cần phải xử lý một vấn đề chung.

Yếu tố thứ hai là chưa có được sự hài hòa, đồng nhất về luật pháp bên trong ASEAN. Kể từ 1/1/2016, AEC bước vào hoạt động với một loạt luật lệ khác nhau trong các lĩnh vực: tiêu dùng, bảo hộ trí tuệ, luật về công ty, đất đai, bất động sản, đầu tư...

Cho đến nay ASEAN vẫn chưa có mạng lưới ngân hàng chung cũng như một đơn vị tiền tệ có thể được coi là đồng tiền chung. Thậm chí một số đồng tiền quốc gia không thể chuyển đổi, giữa các nước ASEAN chưa có thỏa thuận chống đánh thuế hai lần, thỏa thuận về nhập cư.

Một số trở ngại khác như mọi quyết định phải có được sự đồng thuận chung, áp dụng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau... được coi là khiến ASEAN chưa có được một cơ chế thực thụ để giải quyết các vấn đề như khủng hoảng nảy sinh.

Bên cạnh đó, hiện còn có những yếu tố khác mà theo giới chuyên môn đánh giá là còn ít nhiều cản trở sự phát triển một cộng đồng kinh tế chung như: còn thiếu quyết tâm chính trị, (như Thái Lan đang khủng hoảng về cơ chế lãnh đạo, Malaysia đối mặt với nạn tham nhũng…), tư tưởng "dân tộc chủ nghĩa" trong lĩnh vực kinh tế vẫn còn.

Do vậy, việc áp dụng lộ trình giảm hàng rào thuế quan và đặc biệt là hàng rào phi thuế quan, cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải giữa các nước, thực hiện một chính sách kỷ cương để buộc các thành viên tuân thủ những cam kết, được coi là những trở ngại không nhỏ mà các nước AEC cần vượt qua.

Trước mắt, theo nhận định của ông John Pang, chuyên gia trường Nghiên cứu quan hệ quốc tế Rajaratnam, ở Singapore, có lẽ AEC sẽ "không mang lại ngay những những thay đổi triệt để".

Vấn đề chính là AEC cần thu hút được đầu tư nước ngoài và thực thi những hoạt động hợp tác cụ thể thành công.

Quý Cao (theo RFI)