Cơn đột quị bí mật của Thủ tướng Anh Churchill
Sự kiện một thủ tướng đột quị nghiêm trọng mà cả quốc gia không hay biết là một điều dường như không thể xảy ra trong thời đại ngày nay.
Nhưng đó chính là những gì đã diễn ra trong những năm 50 thế kỷ trước ở Anh, khi cơn đột quị đã khiến Thủ tướng Anh Winston Churchill bị liệt và phải giành giật sự sống với tử thần.
Thận trọng chính trị quan trọng hơn
Ở tuổi 78, Thủ tướng Anh Winston Churchill trông "già cả trong từng milimet". Hôm đó, ngày 23-6-1953, ông đang là chủ một bữa ăn tối đón người đồng cấp, Thủ tướng Italia. Khi bữa tối kết thúc, các thực khách đứng dậy ra khỏi phòng. Tuy nhiên, chủ nhà lại đứng bất động và đột nhiên đổ gục xuống ghế.
Do hầu hết khách đã ra khỏi phòng ăn, người duy nhất thấy tình trạng của ông Churchill là con rể ông, Christopher Soames - một nghị sĩ vùng Bedford. Anh ngay lập tức gọi thư ký riêng của ông Churchill là John "Jock" Colville vào. Miệng ông Churchill đã bị méo xệch, giọng lơ lớ - một dấu hiệu đột quị. Ông Colville đã phục vụ ông Churchill nhiều năm và có thể coi là bạn thân của nhau.
Trước sự việc, ông Colville vẫn bình tĩnh và đưa khách khứa rời đi để không ai chú ý tới sự cố. Lúc đó, Mary - con gái của ông Churchill cũng có mặt. Dù chân ông Churchill không đứng vững nữa nhưng hai vợ chồng con gái cũng giúp ông vào được phòng ngủ trên gác.
Một người gọi điện cho bác sĩ riêng của ông Churchill là Lord Moran, người đã phục vụ Thủ tướng suốt thời gian chiến tranh. Không may, ông Moran đi vắng tối đó. Mọi người thống nhất rằng thận trọng chính trị quan trọng hơn điều trị bệnh lúc này và quyết định chờ bác sĩ Moran về vào sáng hôm sau thay vì gọi bác sĩ khác.
Sáng hôm sau, ông Moran xác nhận Thủ tướng Churchill bị đột quị và yêu cầu ông nằm trên giường. Nhưng Thủ tướng đã tỏ rõ tinh thần Churchill khi ra khỏi giường ngay sau khi bác sĩ vừa đi, rồi ông chủ trì phiên họp nội các ngay sáng hôm đó.
Một thành viên nội các là ông Harold Macmillan hôm đó chỉ để ý rằng mặt Thủ tướng có vẻ hơi trắng, còn Bộ trưởng Tài chính Rab Butler thấy ông Churchill hơi ít nói. Không ai nghĩ rằng có điều gì đó nghiêm trọng. Nhưng chỉ ngày hôm sau, khi về khu vực bầu cử của mình là Chartwell ở Kent, tình trạng của ông Churchill nhanh chóng xấu đi. Ông bắt đầu mất kiểm soát cả cánh tay trái và chân trái. Bác sĩ Moran tiên lượng rằng cuộc sống của nhà lãnh đạo thời chiến vĩ đại nhất nước Anh có thể sắp kết thúc.
Bịt tai, che mắt dư luận
Phải thừa nhận là những người xung quanh ông Churchill và bản thân ông đã che giấu thành công mỹ mãn vụ đột quị - sự cố có thể hoàn toàn làm thay đổi lịch sử chính trị nước Anh. Tình hình chính trường Anh sẽ rất khó lường nếu có chuyện xấu xảy ra với ông Churchill, đặc biệt là khi cả Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Anthony Eden cũng bị ốm nặng.
Vào đúng ngày ông Churchill bị đột quị, ông Eden đang ở Mỹ để phẫu thuật ống mật. Nếu vụ đột quị của ông Churchill bị công chúng biết, có thể ông sẽ buộc phải từ chức. Do ông Eden cũng không thể thay thế ông Churchill vì ông ấy quá ốm yếu, nên ứng cử viên cho chức thủ tướng lúc đó sẽ là Bộ trưởng Tài chính Rab Butler. Một sự xáo trộn lớn trong bộ máy lãnh đạo có thể sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng với nước Anh.
Nhân vật ở tâm chấn các sự kiện chính là ông Jock Colville - người được giao trọng trách che giấu vụ đột quị và tìm cách giữ cho bộ máy chính phủ chạy trơn tru trong bối cảnh cả Thủ tướng và Phó thủ tướng không thể đảm nhiệm. Ban đầu, ông Churchill yêu cầu đảm bảo báo chí không hay biết một tí thông tin nào, cho dù chỉ là thông tin ông không khỏe. Tuy nhiên, ông Colville dù trung thành với Thủ tướng cũng cảm thấy rằng làm như vậy là không ổn.
Sau này ông kể lại: "Tôi không thể theo lệnh ông Churchill rằng không được nói với ai. Sự thật chắc chắn sẽ bị rò rỉ tới tai báo chí trừ khi tôi hành động phòng vệ ngay lập tức".
Ông Colville đã thực hiện một bước đi bất thường là viết thư cho 3 ông trùm báo chí - vốn sở hữu nhiều tờ báo lớn như Telegraph, Express hay Financial Times - và triệu họ tới Chartwell. Họ nhanh chóng tới ngay và được ông Colville giải thích mọi chuyện. Sau đó, dù biết rằng đó là một yêu cầu thái quá, ông Colville vẫn hỏi liệu họ có thể "bịt miệng" toàn bộ báo chí hay không?
Điều ngạc nhiên là nhờ lòng trung thành với ông Churchill, bộ ba đã đồng ý. Thông tin duy nhất được phát cho báo chí ngày hôm đó là một thông cáo nói rằng ông Churchill "cần nghỉ ngơi hoàn toàn" và ông phải "giảm gánh nặng công việc ít nhất một tháng". Thông cáo không đưa lý do về mặt sức khỏe và công chúng Anh hiểu rằng đó chỉ đơn giản là nghỉ ngơi do quá tải công việc.
Về công việc, nước Anh được ông Colville và con rể ông Churchill (cũng là thư ký riêng) đảm nhiệm hiệu quả. Trong thời gian đó, hàng trăm quyết định quan trọng đã được ông Colville và con rể ông Churchill đưa ra!
Hồi phục kỳ diệu
Trong khi đó, vị Thủ tướng không biết mệt mỏi bắt đầu khiến bác sĩ Moran kinh ngạc với các dấu hiệu hồi phục. Ông Churchill có thể cử động đôi chút dù vẫn rất yếu. Trong cuốn hồi ký, ông Colville viết: "Thủ tướng có sức hồi phục phi thường nhất. Không lâu sau, ông bắt đầu hỏi xem giấy tờ và đọc các bức điện từ Bộ Ngoại giao, rồi cứ thế".
Trong quá trình hồi phục, ông Churchill vẫn giữ thói quen sinh hoạt hằng ngày, kể cả thói quen uống rượu khiến bác sĩ Moran rất cáu. Dù có vẻ thoải mái nhưng ông Churchill tỏ ra tức giận khi Rab Butler chủ trì các phiên họp nội các. Ông Churchill ghét cay đắng khi phải xa công việc.
Ngày 24-7, chỉ 6 tuần sau cơn đột quị, ông Churchill đã có thể làm một số việc nhẹ. Biết rằng mình vẫn chưa khỏe hẳn, ông đã thừa nhận với Nữ hoàng vào ngày 2-8 rằng đang tính chuyện về hưu và sẽ quyết định trong một tháng nữa.
Ngày 18-8, Thủ tướng Churchill đã chủ trì phiên họp nội các nhưng vẫn không nói rõ về tình trạng bản thân. Tuy vậy, ông quyết tâm cho Nữ hoàng thấy ông đang hồi phục và hứa sẽ cùng bà tới xem cuộc đua ngựa ở Doncaster ngày 12-9 - tình cờ cũng là kỷ niệm 45 năm ngày cưới của ông và vợ là bà Clementine.
Bà Clementine phản đối kịch liệt kế hoạch của chồng: "Anh sẽ bị công chúng dù yêu quý anh nhưng luôn tò mò nhìn vào. Anh sẽ phải gắng sức để có thể bước đi vững vàng". Nhưng cuối cùng, hai vợ chồng Thủ tướng vẫn tới xem cuộc đua ngựa và không ai nhận ra điều gì bất thường. Đó là một ngày vui vẻ với tất cả mọi người.
Sau đó, ông Churchill đã tới miền Nam nước Pháp để nghỉ dưỡng và tình trạng sức khỏe tốt lên nhanh chóng. Khi trở lại, ông đã có một bài diễn thuyết tại hội nghị đảng Bảo thủ tại Margate. Con gái ông Mary Soames, nhớ lại: "Bài diễn văn và người đọc bài diễn văn đã thành công xuất sắc. Chuyện "nghỉ hưu" dần bị lãng quên".
Và thật khó tin, ông Churchill đã hồi phục hoàn toàn khỏi cơn đột quị - căn bệnh đã giết chết và làm tàn tật không biết bao nhiêu người. Ông cũng đã bịt mắt được cả nước Anh.
Vụ đột quị của ông Churchill năm 1953 sẽ được kể lại trong một bộ phim truyền hình phát trên kênh ITV vào cuối tháng 1-2016. Chương trình có tên “Bí mật của ông Churchill”.
Theo Nhật Minh (tổng hợp)
An ninh thế giới