1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cơn ác mộng mang tên tết âm lịch của “gái ế” Trung Quốc

(Dân trí) - Mỗi dịp tết âm lịch, các cô gái độc thân ở Trung Quốc lại phải đối mặt với những căng thẳng từ gia đình và những tranh luận không hồi kết về vấn đề hôn nhân.

Tet.jpg

Các cô "gái ế" Trung Quốc căng thẳng mỗi dịp tết đến (Ảnh minh họa: AFP)

 

Năm mới là dịp để các gia đình Trung Quốc đoàn tụ, cầu chúc những điều tốt lành và may mắn. Tuy nhiên, với những cô gái đã ở ngưỡng 30 nhưng vẫn chưa kết hôn, tết gần như trở thành cơn ác mộng vì họ phải đối mặt với áp lực từ gia đình về việc lấy chồng.

Một số người đã tìm cách xin sếp ở lại làm việc thêm giờ trong mùa tết, trong khi số khác lại thuê bạn trai về ra mắt bố mẹ. Tuy nhiên, nhìn chung, áp lực vẫn đè nặng lên các cô gái mà xã hội Trung Quốc đặt cho biệt danh là “gái ế”.

“Năm ngoái tôi sợ hãi tới mức không thể về nhà. Tôi không muốn về nhà năm nay, nhưng không có cách nào để trốn được nữa”, Emily Liu, 31 tuổi, nhân viên một công ty quốc doanh, chia sẻ về kỳ nghỉ tết diễn ra ở quê nhà Đại Liên tháng tới.

“Cha mẹ tôi nói, bạn con đã có con cái cả rồi, còn con thì chưa có bạn trai. Đó là chủ đề duy nhất trong suốt kỳ nghỉ mà tôi phải nghe. Họ thậm chí còn nhờ họ hàng khuyên bảo. Áp lực thật sự quá lớn”, Liu nói.

Theo Washington Post, phụ nữ tại một số nước châu Á bị coi là "ế" nếu như không kết hôn ở lứa tuổi ngoài 20.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong vài chục năm qua và sự ra đời của tầng lớp trung lưu đã khiến nhiều phụ nữ chọn việc theo đuổi sự nghiệp hơn là lập gia đình sớm.

Điều này đã góp phần khiến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm nhanh chóng trong các năm qua. Năm 2018, có 15,2 triệu trẻ em ra đời, giảm 2 triệu so với năm 2017.  Điều này làm dấy lên quan ngại rằng một quả “bom nhân khẩu học” sẽ phát nổ tại Trung Quốc và khiến dân số nước này già hóa nhanh chóng.

Hơn nữa, chính sách một con và tâm lý thích con trai trong suốt hàng chục năm đã khiến cho tỉ lệ nam nữ ở Trung Quốc chênh lệch khá lớn. Mặc dù vậy, trong mắt dư luận Trung Quốc, phụ nữ chưa kết hôn vẫn bị coi là “ế” chứ không phải đàn ông.

Ngoài ra, số lượng đám cưới ở Trung Quốc cũng đã sụt giảm trong 5 năm qua. Có tới 200 triệu người độc thân trưởng thành ở quốc gia này.

Kích thích hẹn hò

dam cuoi.jpg

Tại Trung Quốc, phụ nữ trên 25 tuổi chưa kết hôn bị coi là "gái ế" (Ảnh minh họa: GE)

 

Một số công ty ở Trung Quốc đang có một số chính sách nhằm khuyến khích các nhân viên nữ hẹn hò và kết hôn. Hai công ty du lịch ở Hàng Châu, Thượng Hải đã cho phép các nữ nhân viên độc thân trên 30 tuổi nghỉ thêm 8 ngày để họ có thời gian tìm kiếm bạn trai.

Nếu những nhân viên trên kết hôn trước năm 2019, họ sẽ nhận được gấp đôi tiền thưởng năm.

“Một số nhân viên của chúng tôi quá bận rộn với công việc vì vậy chúng tôi muốn cho họ thời gian để hẹn hò”, đại diện một công ty cho biết.

Cũng tại Hàng Châu, một trường trung học cho phép các giáo viên được nghỉ 2 ngày rưỡi mỗi tháng để “kiếm tìm tình yêu”. Khoảng 40% các giáo viên tại trường này vẫn độc thân vì vậy ban giám hiệu đã quyết định sẽ giúp đỡ họ. Ngoài ra, những giáo viên đã kết hôn nhưng chưa có con cũng được hưởng quyền lợi nghỉ hàng tháng để củng cố tình yêu với bạn đời.

Tuy nhiên, các phương pháp này cũng có những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng mục tiêu của chính sách là tốt, tuy nhiên nó chỉ mang tính chất hình thức vì các nhân viên có thể dùng khoảng thời gian trên để đi du lịch thay vì đi hẹn hò như mong muốn của công ty.

Ngoài ra, nếu như chỉ có phụ nữ được nghỉ trong khi đàn ông độc thân vẫn phải đi làm thì các cô gái “ế” dường như không có đối tượng để hẹn hò.

Sợ về nhà

Nhiều phụ nữ độc thân quá tuổi 25 ở Trung Quốc không mặn mà với việc về nhà vào các kỳ nghỉ dài ngày vì họ quá sợ hãi việc bị “ca thán” và phải liên tục đi xem mặt. Khoảng 85% những phụ nữ độc thân từ 26-30 tuổi nói rằng cha mẹ họ đều giục giã họ nhanh chóng cưới chồng, khảo sát năm 2018 của trang web hẹn hò Zhenai.com cho biết.

Shen, cô gái 25 tuổi độc thân từ Ninh Ba, Chiết Giang thậm chí còn nghĩ ra cách chỉnh sửa ảnh của cô ghép với nam diễn viên nổi tiếng Lưu Hạo Nhiên. Sau đó, cô đem ảnh về đưa cho cha mẹ và giới thiệu đây là bạn trai. Họ vô cùng hạnh phúc.

Sau đó, khi Shen lên WeChat, cô nhìn thấy bạn bè của cha mẹ cô viết về chuyện Shen có người yêu.

“Đêm qua, tôi mơ thấy con gái mình thành hôn. Tôi khóc rất nhiều và tỉnh giấc đôi lần. Tôi bắt đầu ngồi viết bài diễn văn cho đám cưới của con”, cha của Shen khoe với một người bạn.  

Khi Shen đọc được “tâm thư” của cha, cô cảm thấy hối hận và đã thừa nhận với cha mẹ về bức ảnh chỉnh sửa. Cha mẹ cô ngay sau đó đã thúc giục Shen tiếp tục hẹn hò giấu mặt.

Dong, một nữ tiến sĩ 35 tuổi, cũng rất nỗ lực trong việc lảng tránh cha mẹ về việc kết hôn. Cô không chỉ là “gái ế” trong quan niệm của dư luận Trung Quốc mà thậm chí còn bị xếp vào nhóm tiêu chuẩn quá cao do học vấn, thu nhập và tuổi tác đều cao. Những phụ nữ như Dong thường rất khó tìm một người hoàn toàn phù hợp về mọi mặt với cô.

Dong nói cô cảm thấy “bị bao vây” vì họ hàng liên tục thúc giục mỗi dịp tết đến. Cô đã xin sếp được làm việc thông tết để tránh áp lực từ gia đình. Tuy nhiên, lãnh đạo của cô đã thẳng thừng từ chối, nhấn mạnh rằng Dong có “nhiều việc cấp thiết hơn phải làm”.

Người sếp này ở tầm tuổi với cha mẹ Dong và ông cảm thấy thông cảm với lo lắng của họ hơn là với nhân viên của mình.  

“Chạy trốn không phải là giải pháp. Cô chỉ có thể giải quyết vấn đề bằng cách đối mặt với nó. Hãy tích cực giao lưu hơn vì kỳ nghỉ là dịp thuận lợi để gặp gỡ những đối tượng tiềm năng. Biết đâu cô có thể tìm thấy nửa còn lại”, sếp của Dong nói.

Ngoài ra, mỗi dịp tết đến xuân về, các đài truyền hình Trung Quốc trình chiếu hàng loạt các chương trình hẹn hò, mai mối và chính những chương trình này dường như gây thêm áp lực cho cha mẹ của những cô “gái ế”, theo Washington Post.

Đức Hoàng

Theo Washington Post