1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Xung đột Israel - Hezbollah

Cội rễ chiến tranh đã ăn sâu

(Dân trí) - Theo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, sáng ngày 14/8, Israel và Hezbollah đều phải ngừng bắn. Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định rằng kể cả có được chấp hành nghiêm chỉnh đi nữa thì lệnh đình chiến nói trên cũng không thể chấm dứt được cuộc xung đột mà ngược lại sẽ "để treo" nhiều vấn đề có sức bùng nổ khủng khiếp.

Được coi là ngày cuối cùng của cuộc chiến, ngày 13/8 cũng là ngày tang tóc nhất. Quân đội Israel, với mong muốn sẽ vào tận các bờ sông Litani đêm 12/8, đã bắn xối xả vào dân quân Hezbollah khiến họ phải phản công bằng hơn 250 rocket Cachiusa - một con số kỷ lục kể từ khi chiến sự mới bắt đầu.

 

Những vấn đề còn được "bảo lưu"

 

Theo các nhà phân tích, nghị quyết 1701 được Liên hợp quốc thông qua và được chính phủ Israel phê chuẩn là kết quả của một sự thỏa hiệp rất không cân bằng. Chính thủ tướng Ehud Olmert đã tuyên bố nghị quyết này có lợi cho Israel. Về phía Libăng, bộ trưởng ngoại giao Tarek Mitri không hề giấu giếm rằng nước ông đã phải cam chịu chấp nhận nghị quyết dưới sức ép của các cường quốc.

 

Nghị quyết được các thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thống nhất thông qua đã được hình thành bằng những điều khoản khá mập mờ khiến người ta có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau. Trong khi ra lệnh cho Hezbollah ngừng các cuộc tấn công chống Israel, nghị quyết nói trên chỉ đề nghị Israel chấm dứt các "chiến dịch tấn công". Như vậy, quân đôi Israel sẽ có khả năng tiếp tục các chiến dịch "tự vệ", chẳng hạn như phá hủy một cách có hệ thống các cơ sở hạ tầng của Hezbollah ở miền Nam Libăng.

 

Ở phía bên kia chiến tuyến, dân quân Shiite đã xây dựng chiến lược dựa trên cuộc đấu tranh đến cùng chống Israel mà họ vẫn không chịu công nhận sự tồn tại. Nếu nghị quyết 1701 của Liên hợp quốc được áp dụng một cách nghiêm chỉnh, nó sẽ dẫn đến việc dân quân Hồi giáo không còn cớ để duy trì kho vũ khí và buộc họ phải từ bỏ đấu tranh vũ trang.

 

Và vẫn còn đó 3 vấn đề khá phức tạp mà Israel đang phải đương đầu. Thứ nhất, cuộc chiến kéo dài khiến cơ sở ủng hộ Hezbollah càng được mở rộng tại Libăng, hiện cơ sở này đã vượt ra ngoài cộng đồng Hồi giáo Shiite thuần túy. Lúc Israel bắt đầu tấn công, ngày 12/7, tại Libăng đã tồn tại sự bất bình với hành động bắt cóc con tin của Hezbollah nhưng khi các cuộc oanh kích của Israel phá hủy cơ sở kinh tế của Libăng, mũi dùi chỉ trích bắt đầu hướng sang Tel Aviv. Một cuộc thăm dò tiến hành tại Beirut, trước khi xảy ra vụ thảm sát Qana, đã cho thấy 70% người được hỏi ủng hộ hành động bắt giữ quân nhân Israel của Hezbollah vàp 87% ủng hộ các hành động đáp trả của tổ chức này vào lãnh thổ Israel. Điều đáng nói là cuộc thăm dò này được tiến hành với cả các cộng đồng Thiên chúa giáo và Hồi giáo Sunni vốn chẳng mặn mà gì với Hezbollah.

 

Thứ hai, trong khi phần lớn thường dân của của miền Nam Libăng sơ tán lên miền Bắc, đa số thanh niên đã ở lại bên cạnh các tay súng Hezbollah. Cuộc chiến đã thực sự thay đổi tính chất. Israel đã luôn biến những người tỵ nạn tạm thời trở thành dân lưu vong vĩnh viễn. Những người Palestine phải rời bỏ nhà cửa trong các cuộc chiến tranh Trung Đông 1948 và 1967 đã phải sống trong các trại tỵ nạn qua nhiều thế hệ. Ngày hôm nay những người Shiite ở Nam Libăng đã bắt đầu tin rằng họ sẽ không bao giờ được quay lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Những thanh niên Hồi giáo ở lại miền Nam Libăng sẽ nhanh chóng gia nhập Hezbollah và như vậy trong tương lai chiến tranh vẫn sẽ còn tiếp diễn ở vùng đất trên.

 

Thứ ba, diễn biến thực tế đã cho thấy lực lượng quân sự Hezbollah đã vẫn còn nguyên quyết tâm và ý chí kháng chiến. Trong thời gian diễn ra chiến sự, mỗi ngày các tay súng Hồi giáo vẫn bắn trung bình 100 tên lửa vào miền Bắc Israel, khiến hàng trăm nghìn dân thường nước này phải nấp trong trong các hầm trú ẩn. Thậm chí trong những ngày gần đây Hezbollah còn sử dụng cả các loại tên lửa với tầm bắn xa hơn và sức sát thương lớn hơn.

 

Các diễn biến trong tương lai sẽ còn vượt quá những điều này. Một khi muốn duy trì một dải vùng đệm có chiều rộng 8km, Israel phải duy trì một lực lượng quân sự lớn trước khi có một lực lượng quốc tế đến tiếp quản. Việc thành lập một lực lượng quốc tế như vậy xem ra còn là xa vời trong lúc đó quân đội Israel sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh du kích dai dẳng. Ký ức cay đắng của lần can dự vào Libăng năm 1982 và cuộc rút quân đơn phương năm 2000 vẫn còn tươi mới. Hơn nữa cuộc chiến này đã được xem là một hành động của liên minh Mỹ-Israel chống lại đạo Hồi, một thứ liên minh của chủ nghĩa Zion với những kẻ Thập tự chinh chống các chiến binh Jihad. Ở phía ngược lại, cuộc chiến của Israel tại Libăng là một phần của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ phát động, và ở cái mặt trận này Israel không được phép thất bại.

 

Cội rễ chiến tranh đã ăn sâu

 

Trong cuộc chiến tranh này, dân quân Shiite không thua mà quân đội Israel cũng không thắng cho dù Israel có đạt được một phần mục tiêu của họ bằng một cái giá nặng nề đi nữa (hơn 100 lính Israel bị chết). Chính cựu Bộ trưởng ngoại giao Israel Silvan Shalom đã cho rằng một cuộc xung đột mới với Hezbollah sẽ là điều không thể tránh khỏi. Đất nước Israel đã phải chịu 4.000 quả tên lửa và đã phải chịu đựng những thiệt hại nghiêm trọng, với hàng vạn người phải sơ tán. Thủ tướng Ehud Olmert có nguy cơ sẽ phải đối mặt với những khó khăn của những ngày sau chiến tranh. Ehud Olmert và các tướng lĩnh Israel bị buộc tội là thiển cận, khinh địch trong khi đó các ngành tình báo của Israel thì bị coi là là sắp phá sản.

 

Hơn thế vẫn còn tồn tại hai nhân tố khiến cho nguy cơ xung đột có khả năng lan rộng. Sau các vụ tấn công bằng tên lửa của Hezbollah vào lãnh thổ, nhận thức về nguy cơ bị tấn công của Israel đã thay đổi. Người Israel đã bắt đầu hồi tưởng lại các vụ tấn công bằng tên lửa Scud hồi tháng 1/1991 từ Iraq nếu không đến mức độ cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Việc sử dụng vũ lực với quy mô mở rộng hơn để loại trừ nguy cơ này là không thể tránh khỏi. Ngoài ra cũng tồn tại khả năng Hezbollah dùng các tên lửa tầm xa để tấn công vào tận Tel Avip trong tương lai gần. Nếu việc này cộng hưởng với sự thất bại của chiến thuật lập vùng đệm, chính quyền Olmert sẽ phải quyết định mở rộng chiến tranh thậm chí là đến lãnh thổ Syria và xa hơn nữa là Iran.

 

Theo các nguồn tin tình báo, các chiến dịch của Israel được hoạch định từ trước cả khi Hezbollah bắt cóc 2 viên lính Israel và đã được Mỹ đồng ý, chỉ chờ có một cái cớ để tiến hành. Đối với Mỹ, cuộc tấn công này của Israel mới chỉ là khúc dạo đầu để tiến tới một cuộc tấn công phòng ngừa chống lại các cơ sở hạt nhân của Iran. Hậu quả nhãn tiền mà chúng ta phải chứng kiến là một Libăng bị tàn phá với hơn một nghìn thường dân thiệt mạng, trong đó có hàng trăm trẻ em.

 

Cần phải nhắc lại là Israel vốn xem Hezbollah là cánh tay của Iran sẵn sàng tung ra các cú đấm vào mạng sườn của họ. Quan điểm này, hơn thế, lại được chính quyền Bush chia sẻ trọn vẹn. Khi cuộc chiến tại Iraq đang ngày càng sa lầy, lực lượng Taliban đang trỗi dậy ở Afganistan, Israel phải được hỗ trợ đầy đủ cả về quân sự và chính trị để đảm bảo là cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo không bị thất bại trên tất cả mặt trận.

 

Vì lý do này, người ta có thể nói là không những cội rễ của cuộc chiến tranh ở Libăng đã ăn sâu mà cành lá của nó còn đang vươn ra che tối cả khu vực. Cuộc ngừng bắn Israel-Hezbollah chỉ là một cuộc hưu chiến bởi trên thực tế không tồn tại các nhân tố đảm bảo một nền hòa bình cho khu vực có nhiều lợi ích kinh tế chính trị đan xen như Trung Đông.

 

Nam Sơn

Dòng sự kiện: Israel - Lebanon crisis

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm