Cóc có khả năng dự báo động đất
(Dân trí) - Đã từ lâu, loài người mong mỏi có một công cụ có thể giúp cảnh báo sớm về giây phút kinh hoàng khi động đất sắp bắt đầu. Nhưng nếu một nghiên cứu khoa học đăng tải ngày 30/3 được xác nhận, chúng ta có thể đã tìm thấy một công cụ như vậy.
Nhà sinh vật học Rachel Grant - từ Đại học Mở của Anh - đã công bố một nghiên cứu trên Tạp chí Động vật học (“Journal of Zoology”) của Viện Động đật học tại London trong đó khẳng định cóc có thể dự báo động đất.
Theo bà Grant, hi vọng tốt nhất cho tới nay về một công cụ dự báo động đất có thể ẩn chứa trong một loài động vật lưỡng cư kích cỡ nhỏ, màu nâu và mình đầy nốt sần.
Trước 5 ngày, loài cóc đực phổ biến có tên khoa học là Bufo bufo đã đưa ra cảnh báo về trận động đất vốn tàn phá thị trấn L'Aquila ở miền trung Italia hôm 6/4/2009, làm hơn 300 người thiệt mạng và khiến 40.000 người mất nhà cửa.
Bà Grant đã theo đuổi dự án nghiên cứu cóc tại hồ San Ruffino, cách L'Aquila khoảng 74km về phía bắc, 10 ngày trước khi trận động đất mạnh 6,3 độ richter xảy ra.
Nhóm gồm 2 thành viên của bà đã quan sát hiện trường trong 29 ngày, đếm số cóc và đo nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió, lượng mưa và các điều kiện khác.
Vào ngày 28/3, hơn 90 con cóc đực đã tập trung về hồ San Ruffino trong mùa đẻ trứng, nhưng chỉ 2 ngày sau đó, số lượng cóc đã giảm đáng kể. Đến ngày 1/4, tức là 5 ngày trước trận động đất, 96% số cóc đực đã di tản.
Vài chục con cóc khác quay trở lại ngày trăng tròn 9/4, vốn được biết tới là thời kỳ “yêu đương” của loài cóc, nhưng số lượng cóc ít hơn từ 50-80% so với những năm trước. Sau đợt cao điểm nhỏ này, số cóc lại giảm một lần nữa và chỉ tăng đáng kể vào ngày 15/4, hai ngày sau cơn dư chấn lớn cuối cùng mạnh khoảng 4,5 độ richter.
Bà Grant cho hay, những hành động lạ của cóc là dấu hiệu về sự thay đổi lớn, vì một khi cóc đực đã “làm tổ” tại nơi đẻ trứng, chúng thường không bao giờ rời đi cho tới khi mùa sinh sản kết thúc, bà Grant khẳng định.
Mong muốn tìm ra câu trả lời cho điều bí ẩn, Grant đã tham khảo các số liệu đo đạc của Nga về các hoạt động điện tại tầng điện ly, tầng điện từ cao nhất trong bầu khí quyển được thu bởi thiết bị nhận sóng tần số rất thấp (VLF). Bà Grant phát hiện ra rằng 2 giai đoạn di cư của cóc đều trùng với sự bùng nổ của VLF.
Một cuộc nghiên cứu trước đó đã cho thấy, sự xáo trộn trong tầng điện ly nhằm giải phóng Radon - một khí phóng xạ được tạo ra dưới lòng đất - hay giải phóng sóng trọng lực, thường xảy ra trước một trận động đất, mặc dù hiện tượng này chưa được biết tới nhiều.
“Nghiên cứu của chúng tôi là một trong những nghiên cứu đầu tiên ghi chép biểu hiện của động vật trước, trong và sau một trận động đất”, bà Grant nói. “Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy cóc có thể phát hiện các dấu hiệu trước cơn địa chấn như việc giải phóng khí và các hạt điện tích, và nên coi những dấu hiệu này là một dạng hệ thống cảnh báo sớm về động đất”.
An Bình
Tổng hợp