Cố vấn quân đội Ukraine tiết lộ mục tiêu của Kiev trong xung đột với Nga
(Dân trí) - Ukraine sẽ tìm cách để khôi phục biên giới lãnh thổ năm 1991, thời điểm Ukraine tách khỏi Liên Xô, một cố vấn của chỉ huy quân đội nước này cho hay.
Trả lời phỏng vấn CNN hôm 18/10, ông Dan Rice, một công dân Mỹ, cố vấn của quân đội Ukraine, nói: "Theo tôi, Nga đang tìm cách để đưa Ukraine trở lại bàn đàm phán. Nhưng Ukraine sẽ không chấp nhận. Ukraine muốn giành lại toàn bộ lãnh thổ, khôi phục biên giới năm 1991".
Biên giới năm 1991 của Ukraine gồm cả 4 tỉnh mới sáp nhập vào Nga (Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia) và bán đảo Crimea. Năm 2014, Nga đã sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi ở đây. Kịch bản này mới đây cũng lặp lại ở 2 tỉnh miền Nam và 2 tỉnh miền Đông của Ukraine.
Trước đó, giới chức Ukraine, trong đó có Tổng thống Volodymyr Zelensky, từng tuyên bố Kiev chỉ đàm phán khi Nga rút hết quân và Ukraine khôi phục lại toàn bộ lãnh thổ, kể cả Crimea.
Mặc dù vậy, Điện Kremlin nêu rõ, Nga không có ý định đảo ngược kết quả trưng cầu dân ý tại các vùng ly khai của Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây nói rằng, ông sẵn sàng đàm phán với Kiev, nhưng "lựa chọn của người dân Donetsk, Lugansk, Zaporizhia, Kherson không thể thương lượng".
Gần đây nhất, tuần trước, Nga kêu gọi Ukraine đàm phán. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow có thể đạt được mục tiêu bằng con đường ngoại giao và vẫn để ngỏ khả năng đối thoại. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, một cuộc đối thoại cần phải có 2 bên và đàm phán khó diễn ra khi các đồng minh, đối tác của Ukraine giữ quan điểm thù địch với Nga.
Tổng thống Putin hôm qua cáo buộc chính quyền Tổng thống Zelensky đã từ bỏ mọi đề nghị đàm phán ngừng bắn.
Trong khi các cuộc hòa đàm tiếp tục bế tắc, trên chiến trường, xung đột giữa Nga và Ukraine có xu hướng leo thang gần đây. Moscow tăng cường các cuộc tập kích diện rộng bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào những hạ tầng trọng yếu như lưới điện của Ukraine, khiến 30% cơ sở năng lượng ở nước này hư hại.
Để đối phó với tình hình này, giới chức Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm vũ khí hiện đại và ưu tiên hiện nay là các hệ thống phòng không.
"Thứ họ (Ukraine) cần nhất bây giờ là các tổ hợp phòng không, bao gồm cả tên lửa và máy bay. Mỹ nên giúp quân đội Ukraine bổ sung nguồn lực", ông Rice nói.
Trong khi tìm cách đối phó các cuộc tập kích diện rộng của Nga, Ukraine bắt đầu phản công mạnh ở Kherson, miền Nam nước này. Dự đoán cuộc chiến khốc liệt sắp tới, chính quyền Kherson thân Nga lên kế hoạch sơ tán 50.000 đến 60.000 dân tại đây.
Tổng chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine Sergei Surovikin đầu tuần này thừa nhận, tình hình Kherson "rất căng thẳng" và không loại trừ khả năng ông phải đưa ra "những quyết định khó khăn".
Cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Anh nhận định, Nga dường như đang xem xét nghiêm túc rút một phần lớn lực lượng khỏi phía tây sông Dnipro. Moscow hiện chưa bình luận về thông tin này.