1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cố vấn nhà nước Myanmar Suu Kyi bị tuyên án 4 năm tù

Thành Đạt

(Dân trí) - Cựu cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi bị tuyên án 4 năm tù vì kích động chống đối quân đội và vi phạm quy định phòng dịch Covid-19.

Cố vấn nhà nước Myanmar Suu Kyi bị tuyên án 4 năm tù - 1

Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi (Ảnh: Reuters).

Người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun hôm nay 6/12 cho biết, Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi "bị tuyên án 2 năm tù theo điều 505 (b) và 2 năm tù theo luật thảm họa tự nhiên". Đây là bản án đầu tiên trong phiên tòa xét xử bà Suu Kyi.

Cựu Tổng thống Myanmar Win Myint cũng bị tuyên án 4 năm tù với tội danh tương tự. Ông Min Tun cho biết cả 2 người chưa bị đưa đến nhà tù.

"Họ sẽ phải đối mặt với các cáo buộc khác từ những nơi họ đang ở" tại thủ đô Naypyidaw, ông Min Tun nói, song không tiết lộ thêm chi tiết.

Bà Aung San Suu Kyi từng đoạt giải Nobel Hòa bình và đưa đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà lên nắm quyền vào năm 2015. Sau cuộc đảo chính quân sự hồi đầu tháng 2, hàng loạt các phiên xét xử kín đã diễn ra từ tháng 6 với các cáo buộc chống lại bà và các cộng sự.

Bà Aung Suu Kyi và ông Win Myint bị quân đội bắt giữ từ hôm 1/2. Ban đầu, họ bị quản thúc tại nhà riêng ở thủ đô Naypyidaw. Trước khi tòa tuyên án, bà Suu Kyi đối mặt với 6 cáo buộc, trong đó có cáo buộc làm lộ bí mật quốc gia, kích động, vi phạm lệnh xuất nhập khẩu.

Chính quyền quân sự Myanmar do Thống tướng Min Aung Hlaing lập ra và cầm quyền từ tháng 2 cáo buộc đảng của bà Suu Kyi đã gian lận trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái để giành chiến thắng. Đảng của bà Suu Kyi và Hội đồng bầu cử quốc gia đã bác bỏ cáo buộc này.

Những người ủng hộ bà Suu Kyi cho rằng các cáo buộc đều có động cơ chính trị, với mục tiêu chấm dứt sự nghiệp chính trị của bà.

Myanmar đã rơi vào tình trạng bất ổn kể từ sau cuộc chính biến. Theo một tổ chức giám sát địa phương, hơn 1.300 người đã thiệt mạng và hơn 10.000 người bị bắt trong làn sóng biểu tình ở Myanmar.

Các cuộc biểu tình rải rác tại Myanmar thường do những nhóm nhỏ, vốn phản đối việc lật đổ chính quyền dân cử do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu và sự lãnh đạo của quân đội, tiến hành. Truyền thông địa phương đưa tin lực lượng an ninh Myanmar ngày 5/12 đã lao xe vào một nhóm biểu tình tại Yangon. 5 người đã thiệt mạng và ít nhất 15 người bị bắt sau vụ việc này.

Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet hồi tháng 9 cảnh báo cộng đồng quốc tế phải đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn một cuộc xung đột lớn hơn ở Myanmar. Chuyên gia Liên Hợp Quốc Tom Andrews hồi tháng 6 cũng cảnh báo nguy cơ "tử vong hàng loạt vì đói, bệnh tật" ở phía đông Myanmar sau khi gần 100.000 người phải tháo chạy khỏi nơi sinh sống.

Sau chính biến hồi tháng 2, quân đội Myanmar vừa phải đối mặt với làn sóng biểu tình leo thang, vừa phải đối mặt với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới.

Giao tranh tại một số khu vực buộc dân thường Myanmar phải bỏ trốn vào rừng, hoặc vượt biên để bảo toàn mạng sống. Họ sống trong cảnh thiếu nước, thực phẩm, nơi trú ẩn, nhiên liệu và dịch vụ y tế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm