Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi khẳng định đường lối đối ngoại của Myanmar
(Dân trí) - Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi ngày 21/8 khẳng định nước này sẽ tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại không liên kết và cố gắng xây dựng quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Trả lời trong cuộc họp báo ngày 21/8 tại nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở thủ đô Bắc Kinh nhân chuyến thăm tới Trung Quốc, cố vấn Aung San Suu Kyi cho biết Myanmar sẽ duy trì chính sách đối ngoại không liên kết và cố gắng xây dựng quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo bà, hòa bình và đoàn kết giữa các sắc tộc là điều mà Myanmar cần nhất vào lúc này.
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi nói: "Tôi nghĩ điều mà chúng tôi mong đợi là mối quan hệ được cải thiện với các nước trên toàn thế giới, giữa Trung Quốc với Myanmar, giữa Trung Quốc với các nước khác, cũng như giữa Myanmar với các nước khác. Đây là kỳ vọng thực sự của chúng tôi và Myanmar sẽ cố gắng góp một phần trong nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên toàn cầu".
Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại hàng đầu của Myanmar và là một trong những nhà đầu tư chính tại quốc gia Đông Nam Á này. Hiện Trung Quốc đang thúc đẩy sáng kiến "Vành đai và Con đường", vốn được đánh giá sẽ mang lại nhiều cơ hội để Myanmar nâng cấp các ngành công nghiệp của nước này cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng, qua đó tạo tiền đề để kinh tế phát triển trong thời gian tới.
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi cho biết thêm: "Về quan hệ với Trung Quốc, những cam kết mà chúng tôi đưa ra không phải chỉ với họ mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới, rằng Myanmar sẽ đối xử tôn trọng với họ".
Bài phát biểu trên được thực hiện trong chuyến thăm chính thức kéo dài 5 ngày tại Trung Quốc của bà Suu Kyi theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ngoài ASEAN mà bà Suu Kyi thăm chính thức kể từ khi bà nhậm chức tháng 4 vừa qua. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Myanmar sẽ tổ chức một hội nghị hòa bình liên bang, được gọi là Hội nghị Panglong thế kỷ 21 nhằm tập hợp các nhóm vũ trang sắc tộc ký thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc và tham gia tiến trình hòa bình.
Các nhà phân tích nhận định chuyến thăm Trung Quốc của bà San Suu Kyi cho thấy chính phủ Myanmar coi trọng sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với tiến trình hòa hợp dân tộc tại quốc gia Đông Nam Á này. Hội nghị lần này có sự tham gia của các nhóm vũ trang sắc tộc, trong đó có những nhóm đến từ khu vực biên giới giữa Myanmar và Trung Quốc.
Ngọc Anh
Tổng hợp