Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ từ chức
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn ngày 14-2 đã từ chức, 3 tuần sau khi ông được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào cương vị này trong chính quyền mới.
Với việc từ chức, ông Flynn trở thành một trong những Cố vấn An ninh Quốc gia có thời gian tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại, Fox News cho hay.
Theo CNN và các trang mạng tin tức tại Mỹ, ông Flynn đã quyết định từ chức trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy ông không trung thực với Phó tổng thống Mike Pence và giới chức Nhà Trắng về mối quan hệ với Đại sứ Nga tại Mỹ, Sergey Kislyak.
Trước khi Tổng thống Trump tuyên thệ nhậm chức, ông Flynn đã nói với giới chức Nga về khả năng Washington dỡ bỏ trừng phạt Mátxcơva, một hành động có thể vi phạm Luật Logan cấm các cá nhân dân sự Mỹ can dự vào chính sách đối ngoại.
Theo báo chí Mỹ, ông Flynn đã hối thúc Nga không phản ứng thái quá trước các lệnh trừng phạt mà chính quyền ông Obama áp đặt và nói rõ rằng, hai bên sẽ xem xét lại vấn đề sau khi ông Trump nhậm chức. Ngoài ra, ông còn nói dối Phó tổng thống Pence về cuộc nói chuyện này.
Động thái từ chức của ông Flynn được đánh giá là không mấy bất ngờ dù trước đó, cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Trump, bà Kellyanne Conway từng cho rằng, ông Flynn nhận được sự “tin tưởng hoàn toàn” của Tổng thống Trump.
Một nguồn tin cho biết, gần như trong suốt cả ngày 13-2, Tổng thống Trump hoàn toàn im lặng về vụ việc của ông Flynn. Mặc dù vậy, theo thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer, ông Trump cũng đã trao đổi với Phó tổng thống Pence về sự việc.
Theo New York Times, Cục Điều tra liên bang (FBI) đã rà soát các cuộc điện thoại của ông Flynn. Trong khi đó, phía quân đội điều tra về việc ông Flynn có nhận tiền từ chính phủ Nga trong chuyến công du tới Mátxcơva năm 2015 hay không.
Sau khi thông tin về cuộc trò chuyện với Đại sứ Nga bị công bố, ông Flynn ban đầu bác bỏ cuộc nói chuyện có đề cập tới việc tháo dỡ cấm vận. Nhưng sau đó, người phát ngôn của ông lại nói Flynn "không thể chắc chắn chủ đề đó chưa từng xuất hiện".
Trong thư từ chức, ông Flynn cho biết, ông đã có nhiều cuộc điện đàm với các quan chức nước ngoài trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Ông viết: "Thật tiếc là vì nhịp độ khẩn trương của các sự kiện, tôi đã vô tình báo cáo với Phó Tổng thống đắc cử và những người khác những thông tin không đầy đủ liên quan tới các cuộc điện thoại của tôi với Đại sứ Nga. Tôi đã thành thực xin lỗi Tổng thống và Phó Tổng thống, và họ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi". "Tôi xin được nghỉ việc, trong sự vinh dự vì được phục vụ đất nước và nhân dân một cách đặc biệt", CNN dẫn thư từ chức của ông Flynn.
Theo trang The Hill, tương lai cho chiếc ghế của ông Flynn tại Nhà Trắng đã là chủ đề được bàn tán sôi nổi suốt nhiều ngày qua. Mặc dù từng ủng hộ ông Flynn trong chương trình của đài CBS hồi tháng 1, nhưng trong trao đổi với báo New York Times tối 13-2, Phó Tổng thống Pence cho biết, ông rất tức giận vì đã bảo vệ nhầm cho vị tướng này và rất lúng túng trước những thông tin mà ông Flynn đã giấu ông.
Giới chức Nhà Trắng đã xác nhận thông tin từ chức nói trên, đồng thời cho biết, tướng về hưu Keith Kellogg sẽ tạm thời giữ cương vị Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ.
Cố vấn an ninh quốc gia không phải là một vị trí trong nội các, nhưng có ảnh hưởng lớn tới các quyết định của Tổng thống Mỹ. Ông Flynn, 57 tuổi, là một tướng quân đội nghỉ hưu và từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng trong giai đoạn 2012-2014 dưới thời Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Flynn là cố vấn cho ông Trump về an ninh quốc gia. Trong quân đội, ông được biết đến như một chuyên gia tình báo sắc sảo và thẳng thắn. Tướng Flynn nghỉ hưu năm 2014 và là một nhân vật chỉ trích mạnh mẽ chính sách của chính quyền Tổng thống Obama trong các vấn đề toàn cầu và chiến dịch tiêu diệt lực lượng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Việc cố vấn an ninh quốc gia từ chức sau 3 tuần đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Trump càng làm rõ thêm những đồn đoán về nội bộ rối loạn bên trong Nhà Trắng, cụ thể là Hội đồng An ninh Quốc gia. Rất nhiều thành viên trong hội đồng này là người có quan hệ mật thiết với ông Flynn từ giới quân sự, vì vậy họ có xu hướng tìm đến các giải pháp quân sự hơn là ngoại giao.
Giới thạo tin cho biết, ông Flynn không phải người duy nhất nằm trong diện bị thay thế. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cũng là người bị Tổng thống Trump dò xét. Tổng thống được cho là có vài lần thể hiện không hài lòng ra mặt với những phát biểu của ông Spicer.
Ngay cả Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus cũng có thể nằm trong diện bị thay thế. Một số trợ lý từ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump nói đã lên danh sách ứng viên có thể đảm nhận chức vụ này.
Theo Ngọc Hà
Quân đội nhân dân