1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cơ phó người Pháp cầm lái trước khi máy bay Q8501 rơi xuống biển

(Dân trí) - Cơ phó người Pháp đã cầm lái chiếc máy bay AirAsia mang số hiệu QZ8501 trước khi máy bay rơi xuống biển, các điều tra viên Indonesia hôm nay 29/1 thông báo.

Cơ phó người Pháp Rémi-Emmanuel Plesel đã lái máy bay QZ8501 trước khi nó rơi xuống biển. (Ảnh:

Cơ phó người Pháp Rémi-Emmanuel Plesel đã lái máy bay QZ8501 trước khi nó rơi xuống biển. (Ảnh: Detik)

Hãng tin AFP đưa tin chánh thanh tra Mardjono Siswosuwarno của Ủy ban an toàn giao thông vận tải Indonesia hôm nay 29/1 đưa ra kết luận trên dựa trên những bản ghi âm buồng lái thu được từ hộp đen máy bay QZ8501.

Ông Siswosuwarno cho hay: “Cơ phó thường ngồi bên phải trong buồng lái nhưng lúc đó anh ấy là người điều khiển máy bay. Cơ trưởng ngồi bên phải và giám sát chuyến bay”. Ông cũng nhắc đến việc chiếc phi cơ QZ8501 tăng rồi giảm độ cao đột ngột trước khi gặp nạn, khi cơ phó Rémi-Emmanuel Plesel đang điều khiển máy bay.

Chuyến bay của hãng AirAsia mang số hiệu QZ8501 đã mất liên lạc vào sáng hôm 28/12 chỉ 40 phút sau khi cất cánh tại sân bay Surabaya (Indonesia) để tới Singapore. Vào thời điểm gặp nạn trên máy bay có 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn, trong đó có cơ trưởng Iriyanto và cơ phó người Pháp Rémi-Emmanuel Plesel.

Cơ quan điều tra cho hay các dữ liệu từ 2 hộp đen đã cho nhóm điều tra “một bức tranh khá rõ ràng” về những giờ phút cuối cùng trên máy bay. Tuy nhiên, cơ quan này chỉ thông báo những thông tin cơ bản nhất.

Đội cứu hộ Indonesia khi tìm thấy đuôi máy bay AirAsia QZ8501. (Ảnh: AFP)

Đội cứu hộ Indonesia khi tìm thấy đuôi máy bay AirAsia QZ8501. (Ảnh: AFP)

Trước đó, cơ quan điều tra cũng cho hay cho hay các tiếng cảnh báo, trong đó có tín hiệu báo “mất lực nâng ở cánh máy bay” đã vang lên không ngừng khi các phi công đang cố gắng cứu chiếc máy bay QZ8501 trước thời điểm nó rơi xuống biển.

Hiện tượng “mất lực nâng ở cánh máy bay” xảy ra khi tốc độ bay quá chậm, lực nâng ở cánh không đủ để giữ máy bay ở trên không. Trong trường hợp của QZ8501, các nhà chức trách Indonesia trước đó đã thông báo máy bay này tăng độ cao quá nhanh, có thể làm tốc độ giảm đột ngột, do đó có thể khiến máy bay bị “mất lực nâng ở cánh”.

Theo Detik, các nhà điều tra Indonesia đang tìm hiểu nguyên nhân khiến người cơ phó còn thiếu kinh nghiệm bị bối rối, khiến chiếc máy bay bất ngờ tăng độ cao quá nhanh rồi bị “mất lực nâng ở cánh máy bay” sau đó rơi xuống biển.

Cũng theo Detik, cơ phó Plesel từng là kỹ sư của hãng Total SA nhưng đã nghỉ việc để trở thành một phi công. Anh đã bay 2.200 giờ trong vòng 3 năm làm việc tại AirAsia. Trong khi đó, cơ trưởng Iriyanto, một cựu phi công máy bay quân sự từng là học viên xuất sắc của học viện hàng không, đã bay tới gần 22.000 giờ, bao gồm hơn 6.000 giờ bay với chiếc máy bay Airbus A320.

Hiện các đội cứu hộ Indonesia mới chỉ tìm thấy 70 thi thể hành khách và nhân viên phi hành đoàn QZ8501. Nhiều khả năng các thi thể còn lại đã bị nước biển cuốn trôi hoặc bị chôn vùi dưới đáy biển.

Thoa Phạm
Theo AFP