Cô dâu Tây trên mảnh đất biên cương
Từ trời Âu xa xôi, chị Evstratchic Olga Victorovna (tên thân mật Ôlia) theo chồng về sinh sống tại Cao Bằng. Cuộc sống hạnh phúc của hai vợ chồng như một gạch nối, góp phần tô thắm tình hữu nghị Việt Nam - Belarus.
Có lẽ hơi ngại với khách, chị Ôlia giải thích, dù gắn bó với anh đã gần mười lăm năm, đã sang Việt Nam sinh sống năm thứ hai nhưng tiếng Việt với chị mới chỉ ở những câu giao tiếp đơn giản. “Nhưng tôi hiểu rõ con người và phong tục, tập quán của người Việt đấy”. Chị Ô lia cười nói.
Năm 1989, 18 tuổi, anh Dũng đi xuất khẩu lao động sang thành phố công nghiệp Bobruisk (Cộng hòa Belarus), làm công việc xây dựng. Năm 1993, hết hợp đồng lao động, anh xin ở lại và chuyển sang bán quần áo tại chợ. Để có hàng, anh phải lặn lội bắt xe buýt đi 700 km lên tận thành phố Matxcơva (Liên bang Nga). Mua theo chuyến, bán hàng lẻ, công việc vất vả. Từ những chuyến hàng tình anh chị cờ gặp nhau, dần dà hai người hỗ trợ nhau trong công việc, rồi nên duyên vợ chồng.
Chị Ô lia với công việc nội trợ gia đình.
Đám cưới đơn giản và ấm cúng. Sau đó, hằng ngày anh chị vẫn buôn bán. Một người ảnh hưởng nền văn hóa Á Đông, một người theo nền văn hóa truyền thống Đông Slavơ, nhưng ở họ luôn có sự chia sẻ, cảm thông và tình yêu đã giúp anh chị vượt qua nhiều khó khăn để tạo thành một gia đình hạnh phúc.
Năm 2003, cháu Renat, có tên Việt là Hà Việt Quốc ra đời. Dù có một cuộc sống sung túc và ổn định bên nước bạn nhưng anh Dũng vẫn mong trở lại Việt Nam sinh sống. Năm 2010, anh quyết định trở về Cao Bằng. Ôlia kể, ngày đó ông bà ngoại của Quốc khóc như mưa khi nghe tin con gái độc nhất sẽ theo chồng về Việt Nam. Giữa bên tình, bên nghĩa, chị đã quyết định theo chồng về Việt Nam.
Tạm biệt đất nước Belarus tươi đẹp và những người thân, chị theo chồng về Cao Bằng lập nghiệp. Dù đã biết Cao Bằng qua lời kể của chồng, nhưng chị bảo, chưa bao giờ hình dung một nơi đầy nắng gió của miền nhiệt đới với núi rừng trùng điệp như thế. Phố xá nhỏ bé. Đặc biệt, chị ấn tượng về sự gắn kết cộng đồng, sẻ chia cho nhau từ củ khoai, mớ rau với tình cảm cởi mở, chân tình.
Anh Dũng tâm sự, khi về quê, để thích nghi cuộc sống cũng không phải đơn giản. Sau nhiều lựa chọn, anh chị quyết định thuê nhà mở quán hát Karaokê lấy tên chị. Lúc đầu chưa quen, khách còn vắng, nhưng khi khách hàng ghé qua một lần thấy thái độ, cách ứng xử văn hóa của bà chủ quán người nước ngoài nên ấn tượng. Quán hát tạo thu nhập ổn định cho cuộc sống gia đình. Thỉnh thoảng, Ban liên lạc những người từng công tác, học tập tại Liên Xô cũ ghé thăm nhà, trò chuyện và cùng ôn lại những kỷ niệm, nét văn hóa của đất nước Việt Nam, Belarus làm cho anh chị thêm yêu và gắn bó cuộc sống nơi đây.
Tại thị xã Cao Bằng nhỏ bé, hằng ngày, người ta bắt gặp một “cô Tây” tóc hung lúc thì được một người đàn ông chở xe máy đi chợ. Lúc lại có thêm cậu nhỏ cùng mua sắm. Trong sự bình lặng của phố núi, những người bắt gặp cảnh này cho rằng chị là một “Tây xịn” ghé chơi chợ. Thế nhưng đằng sau hình ảnh đó, chị cũng là người phụ nữ nội trợ đảm đang như bất cứ người phụ nữ Việt nào. Anh Dũng cho biết, chị cũng khá khéo léo chế biến những món ăn ngon, như: nem, phở, chả lá lốt...
Năm nay là năm thứ hai cả gia đình anh chị đón Tết ở Cao Bằng. Theo nhẩm tính của anh chị, nếu ở Belarus, để mua một cân lá dong trong siêu thị phải mất 400 USD, nhưng ở đây bán bạt ngàn cả chợ. Còn không khí đón Tết không khác nhau nhiều, cả gia đình quây quần quanh mâm cơm tất niên với những món ăn truyền thống, gồm: thịt lợn, bắp cải, khoai tây... Sau khi nghỉ khoảng 3 ngày thăm người thân, chơi công viên, tất cả mọi người lại bước vào công việc... Đối với Ôlia, chị rất ấn tượng với những món bánh chưng, bánh khảo, cơm nếp của người Cao Bằng; nhất là trong không khí rét ngọt, lớt phớt mưa xuân, người đi hái lộc trên chùa, du xuân, đó là những nét đẹp độc đáo trong văn hóa đón Tết của người Việt.
Theo Ngọc Lương
Báo Cao Bằng