Chuyện về vợ ứng cử viên tổng thống Iran tranh cử cho chồng
(Dân trí) - Ứng cử viên tổng thống Iran Mir Hossein Mousavi đợi ở bên trong cánh gà khi vợ ông “hâm nóng” đám đông. Bà Zahra Rahnavard nhanh chóng khiến họ hò reo ủng hộ khi kêu gọi đấu tranh cho quyền của phụ nữ cùng những cải cách khác.
Vợ sát cánh cùng chồng trong chiến dịch tranh cử là điều hết sức bình thường ở phương Tây nhưng Rahnavard đang viết lại vai trò của một người vợ “chính trị” tại quốc gia Hồi giáo Iran. Theo giới phân tích, bà có thể là sự kích lệ đối với cuộc tranh cử tổng thống của chồng vào ngày 12/6 tới.
Với sự thông minh, dí dỏm cùng giọng nói truyền cảm, Rahnavard nhanh chóng trở thành một “tâm điểm chính trị” cho riêng mình và là một “tài sản” quý giá trong chiến dịch tranh cử của chồng, với tư cách là một nhà ủng hộ cải cách, thách thức với ứng cử viên nặng ký theo quan điểm bảo thủ, Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad.
Bà mang đến sự pha trộn hiếm có: tiếng gọi tự do nhắm thẳng vào các nhà cải cách kết hợp với khả năng cách mạng khiến những người theo đường lối cứng rắn cũng phải tôn trọng.
Đàn ông và phụ nữ giống như “hai cánh (của một con chim)”, bà cho biết tại trường Đại học Tabriz vào hôm thứ ba vừa qua. “Một con chim không thể bay được với một cánh hoặc với một cánh bị gãy”.
Tuy nhiên bà Rahnavard không phải là người phụ nữ nổi bật đầu tiên ở Iran. Luật sư nhân quyền Shirin Ebadi đã từng giành giải Nobel Hòa bình vào năm 2003 và Masoumeh Ebtekar là phó Tổng thống trong chính phủ của ông Khatami.
Nhiều người ủng hộ đã vẫy cờ xanh, màu tranh cử của ông Mousavi, khi bà Rahnavard hỏi các quan chức Hồi giáo vì sao không cho phép phụ nữ tranh cử tổng thống. “Vì sao không có một nữ ứng cử viên tổng thống nào được chấp nhận? Vì sao không có các nữ bộ trưởng nội các? Vì sao những người vợ nội trợ không có bảo hiểm?”, bà hỏi. “Điều này phải thay đổi. Phải thoát khỏi sự phân biệt đối xử và yêu cầu được bình quyền với đàn ông là ưu tiên số 1 cho phụ nữ Iran”.
Hiện nay số phụ nữ vượt số đàn ông ở trong các trường đại học tại Iran. Và so với Ả rập Xê-út hay một số nước Hồi giáo bảo thủ khác, nước này có nhiều tự do hơn, như phụ nữ có quyền được bỏ phiếu, lái xe, làm việc cùng với đàn ông và ứng cử vào hầu hết các cơ quan quốc lập. Nhưng một số nhóm nhân quyền vẫn phàn nàn về tình trạng phân biệt đối xử mang tính hệ thống.
Họ viện dẫn luật cho phép đàn ông có quyền ngăn cản phụ nữ làm việc ở bên ngoài hoặc đi một mình ra nước ngoài hay lời khai của phụ nữ ở các tòa án Hồi giáo Iran chỉ có sức nặng bằng một nửa so với lời khai của đàn ông.
Phụ nữ cũng không có quyền thừa kế và hôn nhân bình đẳng. Ở Iran, phụ nữ cần phải có sự cho phép của một người bảo trợ là nam giới để kết hôn; chỉ có đàn ông mới có quyền đệ đơn ly hôn và đàn ông được thừa kế gấp đôi phụ nữ từ tài sản của cha mẹ.
“Rahnavard là biểu tượng cho quyền phụ nữ. Bà khích lệ phụ nữ đứng lên và đòi quyền cho họ ”, Roya Masoudzadeh, một người trẻ ủng hộ cho ông Mousavi, cho biết.
Phan Anh
Theo AP