1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyện về người em trai của Obama ở Trung Quốc

(Dân trí) - Dù thông cáo báo chí, những tấm poster quảng bá về buổi hòa nhạc từ thiện hôm qua ở Thâm Quyến không nói Mark Ndesandjo là ai, nhưng 200 người tham dự biết người đàn ông trong bộ đồ lụa Trung Quốc là em trai cùng cha khác mẹ của Tổng thống đắc cử Obama.

Chuyện về người em trai của Obama ở Trung Quốc - 1
Ndesandjo say sưa trên phím đàn.
 
Họ hiếm khi có cơ hội gặp gỡ với Ndesandjo, người luôn tránh né giới báo chí kể từ khi mối quan hệ gia đình của anh được tiết lộ vào mùa hè năm ngoái.

Trong suốt 7 năm qua, Ndesandjo đã sống ở Thâm Quyến, một thành phố phát triển nằm giáp với Hồng Kông. Thông cáo về buổi trình diễn piano cho biết anh là một nhà tư vấn marketing chiến lược. Anh cũng đã giúp gây dựng chuỗi nhà hàng ở Trung Quốc có tên gọi Cabin BBQ.

Ndesandjo để râu nhẹ, đầu “gọt” nhẵn, và đeo khuyên vàng bên tai trái. Anh trông hao hao giống người anh cùng cha khác mẹ Obama, và có cùng thân hình rắn chắc, khỏe mạnh. Được biết, Ndesandjo nói tiếng quan thoại khá tốt, là người ăn chay và đang học cả thư pháp.

Tại buổi hòa nhạc gây quỹ từ thiện hôm qua, Ndesandjo cho biết anh vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết có tiêu đề “Đường tới Thâm Quyến”, nhưng chưa có nhà xuất bản.

Có vẻ như Ndesandjo muốn sống một cuộc sống bình thường như bao người khác, tách khỏi ảnh hưởng của người anh trai Obama. Không ai nhắc đến gia đình anh khi anh được giới thiệu tại buổi hòa nhạc từ thiện và tại bữa tiệc cocktail do Phòng thương mại Mỹ tại Nam Trung Quốc tài trợ.

Phát biểu ngắn gọn trên khấu, Ndesandjo tiết lộ sẽ đến thăm Mỹ trong một vài ngày tới, có vẻ như là để tham dự lễ nhậm chức của Obama.

Chuyện về người em trai của Obama ở Trung Quốc - 2
Liu Zue Hua, phải, người vợ Trung Quốc của Mark Ndesandjo

Trong khi người vợ Trung Quốc của anh dõi theo, Ndesandjo bắt đầu chơi bản nhạc có tên gọi “Sông Liuyang” của Trung Quốc. Tiếp đó là “Khúc nhạc đêm đầu tiên của Chopin” theo cách gọi của anh. Bản nhạc thứ ba và cuối cùng là một bản jazz của Fats Waller với tựa đề “Viper's Drag”. Anh chơi với tất cả niềm đam mê, ngón tay say sưa miết trên phím đàn, mắt nhắm, miệng khẽ mở như hòa trong sự đau đớn.

Người bạn Trung Quốc của anh đồng thời là đối tác kinh doanh nhà hàng, Sui Zhenjun, cho biết đã biết Ndesandjo từ khi anh đến Trung Quốc vào năm 2002.

Chuyện về người em trai của Obama ở Trung Quốc - 3
 
Ndesandjo dùng họ của mẹ, Ruth, người vợ thứ ba của cha anh. Ndesandjo sinh ở Kenya và chuyển tới Mỹ sống khi còn nhỏ.

Hình ảnh trên một đài truyền hình Trung Quốc được đăng lại trên Youtube cho thấy anh còn tập viết thư pháp tại nhà, dạy trẻ con chơi đàn, khen ngợi chúng cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Trung.

Hôm qua, anh cũng tới thăm một trại trẻ mồ côi ở Thâm Quyến. “Một em bé với đôi mắt to đen cứ nắm chặt ngón tay của tôi và không rời ra.”, anh nói.

Sau buổi quyên góp từ thiện, Ndesandjo nói chuyện và bắt tay bạn bè trước khi rời khán phòng trong sự đeo bám của các phóng viên hi vọng có được “tâm sự” nào đó của anh. Anh vào thang máy và tiếp tục bỏ qua các câu hỏi khi cửa thang máy dần khép lại.

Phan Anh
Theo AP
Dòng sự kiện: Obama nhậm chức