1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyện về một nữ cảnh vệ gần 100 lần bảo vệ các yếu nhân

Chị là một trong không nhiều nữ cảnh vệ có nhiệm vụ bảo vệ các chính khách, nguyên thủ quốc gia đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

 20 năm công tác ở Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, chị không nhớ chính xác đã cùng đồng đội tham gia bảo vệ an toàn cho bao nhiêu đoàn, nhưng con số trên dưới 100 nhân vật “VIP” có lẽ còn rất khiêm tốn.

 

Quá trình tác nghiệp, chị và đồng đội đã đối mặt với hàng trăm tình huống chưa từng ghi trong giáo trình nghiệp vụ, đòi hỏi người bảo vệ tiếp cận phải mưu trí, sáng tạo, nhanh nhạy nhưng cũng phải hiểu biết, cư xử tinh tế. Nhưng điều ấn tượng nhất đối với chị là những tình cảm của các chính khách, nguyên thủ quốc tế dành cho các lực lượng Công an và nhân dân Việt Nam…

 

100 đoàn là 1.001 tình huống…

 

Cũng giống như nhiều người, trong hình dung của tôi sĩ quan cảnh vệ phải là những người trông “hầm hố”, lực lưỡng, mặt mũi nguội lạnh, đeo kính đen, bộ đàm gắn ở tai… Nhưng với Trung tá Nguyễn Thanh Phương, nguyên cán bộ Phòng Bảo vệ tiếp cận, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ lại có dáng của một phụ nữ thuần Việt với những nét dịu dàng, nữ tính…

 

“Nghiệp” làm cảnh vệ của chị đã trải qua cả ngàn lẻ một tình huống nhưng những ấn tượng sâu sắc nhất đối với chị vẫn là tình cảm và sự cư xử tinh tế của các nhân vật “VIP” ngoại quốc với đất nước và con người Việt Nam. Đến bây giờ, sau rất nhiều năm nhưng chị vẫn không quên về tình cảm, sự đôn hậu, dịu dàng của một đệ nhất phu nhân dành cho nhân dân Việt Nam và cá nhân chị, đó là bà Bun Ma Phun Xa Vẳn, phu nhân Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào giai đoạn từ 1992 đến 1998.

 

“Đấy là lần thứ hai tôi tham gia bảo vệ tiếp cận - Trung tá Phương kể lại – Lúc đó tôi đã rất ngạc nhiên khi đỡ bà phu nhân Chủ tịch nước CHDCND Lào bước xuống bậc cuối cùng của cầu thang máy bay, bà Bun Ma đã mỉm cười nói với chị mấy từ “Cảm ơn con” bằng tiếng Việt với chất giọng Hà Nội rất chuẩn”. Sau này chị mới biết, bà phu nhân Chủ tịch Nu Hắc Phun Xa Vẳn là người gốc Việt, tên khai sinh là Nguyễn Thị Lan, quê ở Ứng Hoà (Hà Tây cũ).

 

Chị kể rằng: “Lần bảo vệ phu nhân Chủ tịch nước Lào đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong suốt cuộc đời làm cảnh vệ của tôi. Câu chuyện giữa bà và tôi như là cuộc trò chuyện giữa mẹ và con. Trong câu chuyện, bà xưng cô gọi tôi là con rất thân mật và thực sự không có khoảng cách”.

 

Nguyễn Thanh Phương.


Nguyễn Thanh Phương.

 

Bà thường gọi tôi vào phòng rồi tự tay gọt hoa quả cho tôi ăn. Một buổi tối, bà nói xa quê hương đã lâu nên bà hiếm khi được nghe một giọng hát trực tiếp từ người Việt nên bà đã bảo tôi hát. Và tôi hát bài “Quê hương” cho bà nghe. Đôi mắt bà ngân ngấn nước. Bà ôm tôi vào lòng và nói “Cảm ơn con gái”. Tôi không biết bà chuẩn bị hay mua từ lúc nào, nhưng trước khi về nước bà còn tặng tôi một chiếc khăn ấm mà bà vẫn mang theo bên mình, gửi cho thằng Mít (con trai lớn khi đó vừa tròn 5 tuổi của chị Phương – PV) một đôi giầy vừa như in”.

 

Cuối tháng 6 vừa qua, nhân một chuyến công tác tại Viêng Chăn, Trung tá Nguyễn Thanh Phương đã tìm và được gặp lại phu nhân của cố Chủ tịch nước Lào. Bà Bun Ma - Nguyễn Thị Lan năm nay tuổi đã ngoài 90, sức khoẻ, trí nhớ đã giảm đi nhiều. Vậy mà không hiểu sao khi gặp lại chị - người nữ cảnh vệ của nhiều năm trước đó bà vẫn nhận ra và ôm chầm lấy chị, hôn vào má chị như một người mẹ gặp lại đứa con sau nhiều năm xa cách…

 

Hai mươi năm theo nghiệp cảnh vệ, bảo vệ hàng trăm yếu nhân của nhiều quốc gia trên thế giới cùng với nó là biết bao tình huống bất ngờ nảy sinh không có trong dự tính. Nếu không nhanh trí, linh hoạt trong xử lý tình huống, rất có thể chị và đồng nghiệp đã gặp phải những sự cố không đáng có.

 

Năm 2000, vợ chồng Tổng thống Mỹ Bill Clinton và con gái đã sang thăm Việt Nam để thể hiện thiện chí “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Đây là một “chuyến thăm đặc biệt” bởi rất nhiều lẽ đây là lần đầu tiên sau 25 năm đất nước thống nhất, Tổng thống một quốc gia cựu thù từng gây nhiều tội ác với nhân dân dải đất hình chữ S đặt chân đến Việt Nam. Lực lượng cảnh vệ Mỹ khi đó cũng đưa một lực lượng hùng hậu cùng máy móc sang Việt Nam, đề xuất với phía Việt Nam cho cả máy bay chiến đấu, vũ khí, khí tài đặc biệt sang Việt Nam để tham gia bảo vệ, bởi trong hình dung của họ, nhiều người dân Việt Nam vẫn còn căm phẫn người Mỹ và sẽ tìm cơ hội để trả thù!? Nhưng lực lượng Cảnh vệ của ta đã tế nhị từ chối những đề xuất “khủng” từ phía Mỹ đồng thời chủ động bố trí các phương án và lực lượng bảo vệ an toàn tuyệt đối chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Mỹ tại Việt Nam.

 

Mặc dù phương án bảo vệ được xây dựng đến từng chi tiết nhỏ nhất, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra những tình huống ngoài giả định. Ví dụ như khi vợ chồng Tổng thống Bill Clinton đi tham quan phố cổ, đã có rất đông người dân Việt Nam vừa hiếu kỳ vừa xen lòng hiếu khách đã ra đứng chật cứng hai bên đường. Trước thịnh tình và lòng hiếu khách của người dân Việt Nam, vợ chồng Tổng thống Bill Clinton và con gái cũng tỏ ra rất thân thiện. Họ đi dọc tuyến phố bắt tay hầu hết những người vây quanh họ. Trước sự hỗn độn một cách rất tự phát ấy, đội cảnh vệ người Mỹ của Tổng thống Bill Clinton đã tỏ ra hết sức hoang mang. Nhưng Trung tá Nguyễn Thanh Phương và đồng đội lại mưu trí, khôn khéo xử lý tình huống đó một cách hoàn hảo, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho vợ chồng Tổng thống Mỹ và con gái.

 

Trong một chuyến đi tham quan mô hình vườn ao chuồng của những phụ nữ thuộc huyện Sóc Sơn, bà Hillary đã không ngại ngần “xông” cả vào khu chuồng lợn để mục sở thị phương pháp chăn nuôi của chị em. Trước hành động rất đỗi quần chúng ấy, trong khi Cảnh vệ Mỹ to cao, lực lưỡng còn đang lúng túng trước dãy chuồng thấp lè tè thì Trung tá Phương đã nhanh chóng vượt lên song hành và dìu bà Hillary bước vào nơi đậm đặc mùi xú uế ấy...

 

Mỗi đoàn đến Việt Nam đều là đại diện của những quốc gia khác nhau trên thế giới. Cũng vì thế mà phong tục tập quán của mỗi đoàn là không giống nhau. Thế nên để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, khi được giao nhiệm vụ, chị và đồng đội phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu về đất nước, quốc gia đó, nắm được đặc thù tập quán của từng đoàn.

 

Cái khó nhất không chỉ đối với riêng chị mà với hầu hết những nữ cảnh vệ của Việt Nam là khi tiếp đón đoàn lãnh đạo cấp cao một số nước Bắc Phi, Trung Đông. Là cảnh vệ nữ, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho các nữ chính khách, nguyên thủ hay phu nhân của họ, nhưng nhiều quốc gia phụ nữ lại có phong tục bịt mặt, chỉ hở mỗi đôi mắt. Thế nên ngay sau khi họ đặt chân xuống sân bay, chị đã phải quan sát để xác định nhân vật mà mình được phân công bảo vệ. Và từ khi ấy chị nhất định không được rời họ dù chỉ nửa bước vì nếu không sẽ rất dễ để “mất dấu” nhân vật của mình.

 

Chị trải lòng: “Cảnh vệ là một nghề đặc thù nhưng chúng tôi cũng xác định rằng với các chính khách, nguyên thủ quốc gia khi đặt chân đến đất nước Việt Nam, người Việt đầu tiên họ tiếp xúc chính là các sĩ quan cảnh vệ, khi về lực lượng cảnh vệ cũng là những người cuối cùng tiễn họ đến chân cầu thang máy bay. Chính vì vậy, mỗi chúng tôi phải luôn đặt ra cho mình tâm thế, cư xử như thế nào để không làm hổ danh hình ảnh đất nước và Tổ quốc”. Người dân Thái Lan rất tôn sùng những người trong hoàng gia nên khi họ trình thứ gì cho vua, hoàng hậu hay công chúa, họ đều quỳ xuống hoặc cúi dập người để tỏ lòng kính trọng. Nữ cảnh vệ khi ấy tuy không đến mức phải thể hiện tình cảm như những thần dân người Thái Lan nhưng khi đưa một đồ vật gì đó cho công chúa, chị cũng tế nhị hơi cúi người xuống vừa đủ để thể hiện sự kính trọng nhưng lại vẫn giữ được thể diện của một quốc gia.

 

Hậu phương vững vàng

 

Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Nga năm 1985, 21 tuổi, Nguyễn Thanh Phương được tuyển dụng vào lực lượng CAND và công tác tại Phòng Bảo vệ tiếp cận, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Cảnh vệ là một nghề đặc biệt và có những khó khăn rất đặc thù chính vì vậy, từ trước đến nay, phụ nữ làm cảnh vệ ở Việt Nam không nhiều, như lời chị kể thì ở Phòng 5 mấy chục năm công tác cũng chỉ vỏn vẹn có 5 chị em. Mất một khoá huấn luyện đặc biệt, sau đó vừa công tác vừa dùi mài kinh sử 5 năm ở Học viện An ninh nhân dân, Nguyễn Thanh Phương mới chính thức được cấp “Giấy bảo vệ đặc biệt” - một loại “chứng chỉ” đặc biệt do Bộ Công an cấp cho các sĩ quan làm nhiệm vụ cảnh vệ.

 

Hơn 20 năm công tác ở Phòng Bảo vệ tiếp cận, chị đã trực tiếp cùng đồng chí đồng đội tham gia bảo vệ an toàn trên dưới 100 chính khách, nguyên thủ các quốc gia đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Có lẽ không có nhiều nữ sĩ quan cảnh vệ đạt được những kỷ lục như chị, khi chị đã từng tham gia bảo vệ 2 đời Tổng thống Mỹ (Bill Clinton và Tổng thống G.Bush), 4 đời Tổng thống nước Cộng hoà Hồi giáo Indonesia, 2 đời Tổng thống Philippines, Tổng thư kí Liên hiệp quốc Kofi Annan, Công chúa Anh, Công chúa Thái Lan… sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

 

Đoàn đầu tiên mà chị trực tiếp tham gia bảo vệ là đoàn của Công chúa Hoàng gia Anh Anne sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Dù rằng đã trang bị cho mình những kiến thức vững vàng để sẵn sàng đi vào thực tiễn, song vì là lần đầu tiên nên chị không thể tránh khỏi cảm giác lo lắng xen chút hồi hộp. Được sự giúp đỡ tận tình của các “sếp” và những đồng nghiệp nam giới, chị đã vượt qua “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” một cách xuất sắc và nhận được ngợi khen từ các đồng chí lãnh đạo.

 

Hỏi Trung tá Trần Thanh Phương rằng, “là phụ nữ lại theo đổi một công việc có tính đặc thù như vậy chị có gặp phải khó khăn gì không” thì chị cười tươi rói trả lời rằng: “Tôi may mắn hơn rất nhiều người phụ nữ khác có chồng và cả bố mẹ chồng rất hiểu công việc của tôi và tạo điều kiện tốt nhất để tôi có thể hoàn thành công việc”.

 

Chị là người đứng sau các yếu nhân nhưng lại có một người đàn ông tử tế đứng sau chị luôn động viên, cổ vũ và xốc lại tinh thần cho chị mỗi khi chị mệt mỏi. Chồng chị nguyên là một sĩ quan quân đội và đến tận bây giờ cứ mỗi lần nghĩ đến hình ảnh chồng ngồi tỉ mẩn lau súng cho vợ sau mỗi chuyến bảo vệ khiến lòng chị lại dâng lên một niềm rưng rưng khó tả. Rồi có những thời điểm vì áp lực công việc khiến tinh thần chị căng thẳng và mệt mỏi nên trong luyện tập chị bắn súng không được chính xác. Những lúc như thế chị luôn có anh bên cạnh vừa động viên vừa rất nghiêm khắc hướng dẫn chị lấy lại phong độ bằng cách vẽ một vòng tròn nhỏ lên tường phòng ngủ, sau đó treo gạch lên tay “bắt” chị tập ngắm bắn.

 

Năm 1998, hội nghị thượng đỉnh cấp cao ASEAN 6 diễn ra ở Việt Nam, hồi đó chị mới sinh em bé thứ hai nên được cấp trên thu xếp cho vào thành phần trực, không phải đi bảo vệ. Nhưng ngay buổi đầu tiên chúng ta đã gặp “sự cố”, bởi lẽ trong số các thành phần đến dự có cả đoàn theo đạo Hồi. Thế nên họ không đồng ý cảnh vệ là nam giới. Ngày hôm đó, thấy thủ trưởng rất vất vả trong việc điều người thay thế, chị đã xung phong “lên đường”. Dù rằng rất ái ngại cho hoàn cảnh con nhỏ của chị, song tình thế bắt buộc nên cấp trên buộc phải làm khó chị.

 

Trước khi tác nghiệp chị chỉ xin 30 phút để tranh thủ về nhà cho con bú, vì chị biết chị có thể phải xa con trong vòng mấy ngày. Mấy ngày xa con là mấy ngày chị tức sữa đến phát sốt. Bi kịch ở chỗ dù ở rất gần con nhưng do nguyên tắc nghề nghiệp, chị không thể “bỏ trốn” về mà cho con bú. Những lúc như thế chị không chỉ xót con mà còn thấy thương chồng biết bao. Vì chị biết khi ấy anh đang ở nhà và đánh vật với đứa con gái khát sữa mẹ. Vậy mà sau mấy ngày tác nghiệp trở về, anh vẫn đón chị bằng những lời động viên, dù rằng trong hoàn cảnh ấy chị thấy anh mới chính là người xứng đáng để nhận những lời ấy…

 

Theo Mạnh Hà - Ngọc Anh

Cảnh sát toàn cầu