1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyến thăm thắp hy vọng hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Trung

Nguyễn Hồng Quân

(Dân trí) - Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Trung Quốc được kỳ vọng mở ra chặng đường mới, giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Chuyến thăm thắp hy vọng hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Trung - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 19/6 (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa kết thúc chuyến thăm 2 ngày tới Trung Quốc. Đây là chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ kể từ chuyến thăm của nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ Mike Pompeo vào năm 2018.

Chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Blinken ban đầu được lên kế hoạch vào tháng 2, nhưng đột ngột bị hủy bỏ khi có thông tin một khinh khí cầu bị nghi là do thám của Trung Quốc bay qua Mỹ. Tiếp đó căng thẳng Trung - Mỹ đã gia tăng trong những tháng gần đây về nhiều vấn đề, từ việc Mỹ kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc đến số phận của hòn đảo Đài Loan, từ lo ngại tăng lên vào tháng 4 khi quân đội Trung Quốc tiến hành nhiều ngày tập trận quy mô lớn xung quanh hòn đảo sau cuộc gặp giữa người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ở California, từ nguy cơ va chạm trên biển, trên không giữa quân đội 2 nước mà Mỹ gọi là "không an toàn và không chuyên nghiệp" làm nổi bật nhu cầu liên lạc đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự với nhau, cho đến việc 2 Bộ trưởng Quốc phòng không gặp mặt nhau như thông lệ tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La vào tháng 6.... Tất cả khiến mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên căng thẳng.

Chuyến thăm lần này diễn ra từ ngày 18/6. Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đàm phán, nói chuyện với  Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh trong 7 tiếng rưỡi kể cả trong bữa tối, thảo luận một loạt vấn đề. Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh "tầm quan trọng của ngoại giao và duy trì các kênh liên lạc cởi mở trong toàn bộ các vấn đề để giảm nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai lầm".

Hai bên cho rằng cuộc trao đổi này là "thẳng thắn" và "mang tính xây dựng". Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp sinh viên, học giả và doanh nhân đến thăm lẫn nhau, đồng thời đồng ý nỗ lực hướng tới việc tăng các chuyến bay chở khách. Ngoại trưởng Blinken đã mời Ngoại trưởng Tần Cương thăm Mỹ và chủ nhà Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng "thực hiện chuyến thăm vào thời điểm thuận tiện cho cả 2 bên".

Trong tuyên bố đưa ra vào cuối ngày 18/6, Bộ Ngoại giao Mỹ không đề cập rõ ràng đến Đài Loan, nhưng nói rằng Ngoại trưởng Blinken đã "nói rõ rằng Mỹ sẽ luôn bảo vệ lợi ích và giá trị của người dân Mỹ và hợp tác với các đồng minh cũng như đối tác của mình để thúc đẩy tầm nhìn về một thế giới tự do, cởi mở và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

Trong cuộc hội kiến kéo dài 3 giờ với Ngoại trưởng Blinken vào sáng 19/6, ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, nói rằng Washington và Bắc Kinh "cần phải lựa chọn giữa đối thoại hoặc đối đầu, hợp tác hoặc xung đột". Ông nhấn mạnh, 2 nước "phải đảo ngược vòng xoáy đi xuống của quan hệ Trung - Mỹ, thúc đẩy trở lại con đường lành mạnh và ổn định, cùng nhau tìm ra con đường đúng đắn cho Trung Quốc và Mỹ sẽ hòa hợp trong kỷ nguyên mới".

Theo ông Vương Nghị, nguyên nhân gốc rễ của mối quan hệ xấu đi là do Mỹ "nhận thức sai lầm về Trung Quốc" và "Mỹ cần phải phản ánh sâu sắc và hợp tác với Trung Quốc để cùng quản lý những khác biệt và tránh những bất ngờ chiến lược".

Ông Vương Nghị đã yêu cầu Mỹ "ngừng thổi phồng "thuyết mối đe dọa Trung Quốc", dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương, ngừng ngăn chặn sự phát triển công nghệ và kiềm chế can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc". Ông cũng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề Đài Loan, nhấn mạnh rằng "bảo vệ sự thống nhất quốc gia sẽ luôn là cốt lõi trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc".

Mặc dù không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng Mỹ vẫn cung cấp vũ khí cho hòn đảo này. Vấn đề Đài Loan đã thu hút sự chú ý trong những năm gần đây trong bối cảnh các dự đoán về một cuộc tiến công của quân đội Trung Quốc nhằm thu hồi hòn đảo này.

Cuộc gặp quan trọng chỉ được công bố trước một giờ

Chuyến thăm thắp hy vọng hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Trung - 2

Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã có cuộc gặp kéo dài khoảng nửa giờ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters).

Việc không lên lịch cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Ngoại trưởng Mỹ vào chương trình chuyến thăm 2 ngày phần nào cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa 2 nước. Nhiều nhà quan sát coi việc Ngoại trưởng Mỹ Blinken có gặp Chủ tịch Tập Cận Bình hay không trong lúc quan hệ Trung - Mỹ ngày càng gay gắt là thước đo cho sự thành công của chuyến thăm.

Cuối cùng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp nhau tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh và cuộc gặp chỉ được công bố trước khoảng một giờ. Cuộc gặp đã kéo dài khoảng nửa giờ, đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới hàn gắn quan hệ Mỹ - Trung. Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng thông qua chuyến thăm này, ông Blinken có thể "đóng góp tích cực vào việc ổn định quan hệ Mỹ - Trung", đồng thời ông Tập nói thêm rằng "các tương tác giữa các nhà nước phải luôn dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và chân thành".

Ông Tập cũng cho biết Trung Quốc đã "làm rõ lập trường của mình" trong các cuộc đàm phán trước đó giữa Ngoại trưởng Blinken và các quan chức cấp cao của Trung Quốc, đồng thời nói thêm 2 bên đã đồng ý tuân theo những hiểu biết chung mà Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc đã đạt được ở Bali, Indonesia vào tháng 11 năm ngoái.

Cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như các cuộc hội đàm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken với 2 quan chức cấp cao của Trung Quốc trong chuyến thăm 2 ngày có thể mở đường cho các chuyến thăm Bắc Kinh sắp tới của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo. Sau khi giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, quan hệ Trung - Mỹ có thể được phục hồi. Tuy nhiên, chuyến thăm cũng cho thấy 2 siêu cường vẫn còn cách xa nhau trong hầu hết các vấn đề quan trọng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá tích cực chuyến thăm này và hy vọng khả năng sẽ diễn ra cuộc gặp thứ hai với Chủ tịch Trung Quốc tại diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco vào tháng 11 tới.

Ảnh hưởng ngày càng tăng trên trường quốc tế và sự quyết đoán ngày càng cao của Trung Quốc đã thúc đẩy Mỹ điều chỉnh cách quản lý các mối quan hệ với cường quốc này. Chuyến thăm của các quan chức góp phần định hướng các mối quan hệ song phương.

Trung Quốc cho rằng để hàn gắn quan hệ, sẽ cần nhiều hơn một cuộc gặp của các nhà lãnh đạo, đồng thời nhận thức rất rõ rằng Mỹ đang chuẩn bị bước vào chu kỳ bầu cử tổng thống, trong quá trình đó, có thể gia tăng các tiếng nói chỉ trích Trung Quốc.

Trước chuyến thăm này, Mỹ đã không mong đợi có thể giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là hiện nay quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang trở thành chủ đề tranh luận chính trị sôi nổi và một số nhà lập pháp chỉ trích chính quyền Biden vì vội vàng nói chuyện với Bắc Kinh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm