1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyến thăm đền Yasukuni của ông Abe đẩy Nhật vào thế khó

Chuyến thăm ngôi đền Yasukuni gây nhiều tranh cãi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 26/12 đã đẩy quốc gia này vào một tình thế hết sức nguy hiểm, và phải đối mặt với nguy cơ bị các láng giềng châu Á cũng như cộng đồng quốc tế cô lập hơn nữa.

Không chỉ vậy, hành động của ông Abe còn phải hứng chịu không ít chỉ trích từ phía lãnh đạo các đảng phái chính trị khác ở trong nước.

Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Seiji Mataichi đã mạnh mẽ phản đối chuyến thăm ngày 26/12 của Thủ tướng Abe. Ông cho rằng đây là một "sự xúc phạm" và phản ánh thái độ hiếu chiến của ông Abe. Trong khi đó, Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản Kazuo Shii nói rằng chuyến thăm Yasukuni của Thủ tướng Abe là điều "không thể tha thứ" bởi nó "khơi lại cuộc xâm lược của Nhật Bản trong quá khứ".

Theo Banri Kaieda, lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập, Thủ tướng Abe nên hạn chế các cuộc thăm viếng ngôi đền gây nhiều tranh cãi này để tránh làm tổn hại mối quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Thủ tướng Shinzo Abe sau lễ viếng đền Yasukuni ở Tokyo ngày 26/12. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Thủ tướng Shinzo Abe sau lễ viếng đền Yasukuni ở Tokyo ngày 26/12. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Đảng Komeito Mới - thuộc liên minh cầm quyền - cũng lên tiếng chỉ trích chuyến thăm của Thủ tướng Abe. Lãnh đạo đảng này là ông Natsuo Yamaguchi cho rằng đây là vụ việc "hết sức đáng tiếc", và khẳng định Đảng Komeito Mới đã nhiều lần kêu gọi ông Abe tránh thực hiện các chuyến thăm viếng tương tự. Theo ông Yamaguchi, Thủ tướng Abe hoàn toàn nhận thức được những tranh cãi có thể nảy sinh sau chuyến thăm đền Yasukuni.

Kết quả một cuộc khảo sát vừa được hãng tin Kyodo tiến hành cuối tháng 12/2013 cho thấy chỉ có 54,2% số người được hỏi ủng hộ nội các của ông Abe. Trong khi tỷ lệ này từng là 62%, theo kết quả thu được từ một cuộc khảo sát tương tự được tiến hành ngay sau khi ông Abe bắt đầu nhiệm kỳ ngày 26/12/2012. Giới quan sát nhận định rằng chính sách thiên hữu mà chính quyền Abe thực hiện suốt một năm qua phần nào đã xói mòn mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng.

Ngày 26/12, Hàn Quốc, quốc gia phải gánh chịu không ít hậu quả khốc liệt của cuộc xâm lược Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, cho rằng chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Abe là hành động "đáng lên án" và cảnh báo sự kiện này đang phá hoại quan hệ song phương Nhật-Hàn. Thay mặt chính phủ Hàn Quốc, Bộ trưởng Văn hóa Yoo Jin Ryong tuyên bố: "Chính phủ Hàn Quốc phản đối mạnh mẽ và hết sức bất bình trước việc Thủ tướng Abe tới thăm đền Yasukuni, một biểu tượng của cuộc xâm lược Nhật Bản và là nơi thờ cúng những tội phạm chiến tranh".

Mỹ, đồng minh chủ chốt của Nhật Bản, cũng bày tỏ sự "thất vọng" với chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Abe và cho rằng hành động này sẽ "làm gia tăng căng thẳng giữa Nhật Bản với các nước láng giềng". Ông Joseph Nye, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, từng nói rằng nếu Thủ tướng Abe tới thăm đền Yasukuni, thì quyết định này sẽ "gây ra các tổn hại to lớn" tới mối quan hệ giữa Nhật Bản và các nước láng giềng, cũng như với Mỹ.

Trung Quốc ngày 26/12 đã phản đối mạnh mẽ chuyến thăm ngôi đền này của Thủ tướng Abe, nhấn mạnh đây là hành động coi thường và xúc phạm các quốc gia châu Á. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng chuyến thăm rõ ràng đã đi ngược lại các nguyên tắc và tinh thần của bốn văn bản chính trị mà hai nước đã ký, cũng như vi phạm cam kết của các chính phủ và lãnh đạo Nhật Bản tiền nhiệm về các vấn đề lịch sử, và đặt ra một thách thức to lớn về mặt chính trị đối với mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước Trung-Nhật.

Mặc dù ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 12/2012, Thủ tướng Abe khẳng định mối quan hệ với Trung Quốc là một trong những ưu tiên đối ngoại của Nhật Bản, song trong suốt một năm cầm quyền vừa qua, ông đã duy trì một thái độ hết sức cứng rắn. Thủ tướng Abe không chỉ kiên quyết từ chối xin lỗi về các tội ác mà quân đội nước này từng phạm phải trong thời chiến, mà còn tìm cách khôi phục quá khứ quân phiệt của Nhật Bản.

Giới phân tích cho rằng chuyến thăm đền Yasukuni sẽ tác động tiêu cực tới mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong bối cảnh các biện pháp xây dựng lòng tin đang bị hủy hoại nghiêm trọng và hai bên đều thiếu nền tảng chung để khôi phục các trao đổi cấp cao. Theo báo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (Hong Kong) số ra ngày 27/12, chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới ngôi đền Yasukuni ngày 26/12 đã cho thấy rằng Tokyo có thể đang chuẩn bị để thực hiện một cách tiếp cận ngày càng đối đầu hơn nữa với Bắc Kinh.

Chuyến viếng thăm đền Yasukuni của ông Shinzo Abe là chuyến thăm đầu tiên của một vị Thủ tướng Nhật Bản tới ngôi đền thờ 2,5 triệu quân nhân Nhật Bản tử trận trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, trong đó có cả các tội phạm chiến tranh. Nhiều người coi sự kiện này là một dấu hiệu cho thấy rằng giờ đây Trung Quốc nên hạ thấp những mong đợi về một sự cải thiện trong mối quan hệ căng thẳng giữa họ với Nhật Bản.

Ông Đát Chí Cương, một chuyên gia về các vấn đề Nhật Bản thuộc Viện Khoa học Xã hội Hắc Long Giang nhận định: “Chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe có thể hủy hoại những nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và dự kiến Tokyo sẽ có thái độ khiêu khích hơn". Lâm Hiểu Quang, một chuyên gia về các vấn đề quan hệ quốc tế thuộc Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, cho rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản chắc chắn sẽ tiếp tục xấu đi trong 3 năm cầm quyền còn lại trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Shinzo Abe. Chuyên gia này nhận định: “Nhật Bản giờ đây có thể tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc. Bắc Kinh cần phải sẵn sàng đối phó với chính phủ của Shinzo Abe”.

Hai chuyên gia Lâm Hiểu Quang và Đát Chí Cương cho rằng những sự lựa chọn của Trung Quốc trong việc đối phó với Nhật Bản bị hạn chế bởi vì những động thái quyết liệt hơn, như đình chỉ quan hệ ngoại giao, sẽ làm tổn hại nghiêm trọng nền kinh tế của cả hai nước. Chuyên gia Lâm Hiểu Quang nhận định: “Bắc Kinh đang tính toán động thái tiếp theo của Thủ tướng Shinzo Abe để cân nhắc xem họ có thể phản ứng như thế nào”.

Sau chuyến thăm gây nhiều tranh cãi của ông Abe, giới doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang hết sức lo lắng trước nguy cơ các quan hệ kinh tế với Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ phải hứng chịu các ảnh hưởng tiêu cực, mà một trong số các hệ lụy khó lường có thể sẽ là làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản tại nước ngoài. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, kim ngạch thương mại Trung-Nhật đã giảm 8,8% xuống chỉ còn 174 tỷ USD trong vòng 7 tháng đầu năm 2013. Hãng tin Kyodo dẫn lời một quan chức làm việc trong ngành sản xuất ô tô then chốt của Nhật Bản nói: "Chúng tôi không thể lường trước các ảnh hưởng tiêu cực mà chuyến thăm có thể gây ra. Tôi hy vọng mọi chuyện không quá tồi tệ".

Trong bối cảnh quyết định tăng thuế từ 5% lên 8% của chính phủ Nhật Bản không được dư luận ủng hộ sẽ có hiệu lực kể từ tháng 4/2014, giới phân tích cho rằng Thủ tướng Abe đang "đùa với lửa" bằng việc làm phân tán sự chú ý của dư luận đối với nền kinh tế trì trệ, và nhà lãnh đạo này sẽ phải trả giá đắt nếu tình hình không được cải thiện.

Theo Tiến Trung
Baotintuc.vn