1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyện phiên dịch cho các Tổng thống Nga

Cũng chỉ vì chuyện dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, Bộ Ngoại giao Anh từng có lần phải gửi thư cho phía Nga hỏi xem từ “con dê” mà Tổng thống Putin nói, có nghĩa gì.

Trong các bản tin về chuyến đi của Tổng thống Nga Putin tới St.Peterburg vào cuối tháng 6/2005, các kênh truyền hình Nga không bỏ sót một “trục trặc” xảy ra trong thời gian diễn ra cuộc đối thoại giữa Tổng thống Nga Putin với đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ.

 

Khi dịch câu nói của Tổng thống Putin về việc tăng trưởng GDP hàng năm của Nga hiện đạt 7%, nữ phiên dịch người Nga lại tình cờ dịch nhầm và “hạ” chỉ số đáng tự hào này xuống còn 5%. Ông Putin, do khá thạo tiếng Anh, nên tế nhị sửa lại sai sót này với cách nói đùa đại ý rằng cần “soi kỹ” chuyện dịch thuật.

 

Trong cuộc phỏng vấn của báo Sự thật Thanh niên, Phó giám đốc Vụ Thư ký thuộc Bộ Ngoại giao Nga Aleksei Fedorov, người đã 13 năm lãnh đạo ban dịch nói tại đây, cho biết, sẽ không có bất cứ sự “trừng phạt” nào đối với người phạm lỗi.

 

Tổng thống Putin đánh giá cao công việc của đội ngũ phiên dịch và đối xử với họ rất tế nhị. Hiện nay phiên dịch viên làm việc khó hơn, ví dụ, so với thời ông Brejnev. Khi đó các cuộc hội đàm thường tiến hành một cách nghiêm ngặt theo văn bản viết trên giấy. Bây giờ phiên dịch viên thường phải dịch trực tiếp, dưới ống kính truyền hình, ở chế độ giao tiếp căng thẳng giữa các “nhân vật hàng đầu”. Bởi vậy đòi hỏi có sự tập trung tối đa cả trí óc lẫn thể lực, và không ai có thể đảm bảo sẽ không phạm sai sót.

 

Thời Xôviết cũng đã xảy ra những tình huống “gay cấn” trong công tác phiên dịch cho các nguyên thủ. Tại hội nghị Yalta năm 1945, Thủ tướng Anh Churchill, trong một cuộc gặp với Stalin, đã uống hơi nhiều rượu cônhắc Armenia mà ông rất thích và tiến hành hội đàm trong trạng thái quá phấn khích. Ngày hôm sau ông tế nhị hỏi “bác Jo” (cách gọi thân mật Stalin): "Hình như ngày hôm qua tôi có nói gì đó thừa?”. “Đừng lo”, Stalin bông đùa trả lời - người phiên dịch đã bị xử bắn”.

 

Trong cuộc gặp giữa Tổng bí thư Liên Xô Khrushev với Tổng thống Mỹ Kennedy, nhà lãnh đạo Mỹ đã nói với người đồng cấp Xôviết: “Thưa ngài Khrushev, ông đang "nói chuyện" vào mặt trăng?”. Trong tiếng Anh, thành ngữ hiếm gặp này có nghĩa “nói về những vấn đề xa vời, tránh những câu trả lời trực tiếp”. Tuy nhiên, người phiên dịch nổi tiếng Viktor Sukhodrev lại dịch câu này đúng từng chữ. Khrushev vô cùng giận dữ. Tuy nhiên, người ta đã nhanh chóng phân giải được “sự vô tình” trong tình huống này.

 

Một lần, tại St.Peterburg, Tổng thống Putin, khi nói về hệ tư tưởng của các phiến quân, đã đưa ra một trong những khẩu hiệu của chúng làm ví dụ: “Trên chúng ta là Chúa trời, dưới chúng ta là những con dê!”. Tuy nhiên, trong phiên bản tiếng Anh từ “con dê” không có nghĩa chửi hay lăng nhục. Các chuyên gia Anh vắt óc suy nghĩ rất lâu về nghĩa của từ đó, và cuối cùng 2 tuần sau, Bộ Ngoại giao Anh đã gửi thư tới Moskva để hỏi: "Cần phải hiểu chính xác như thế nào đằng sau tên gọi của động vật này?"

 

Theo Thành Nam - Hoàng Thương

An ninh thế giới/Luận chứng & Sự kiện, Sự thật Thanh niên