1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người Việt Nam ở Libăng

Chuyện những người ở lại

Hôm nay, đợt hai chiến dịch di tản người lao động VN rời Libăng được thực hiện. Nhưng không phải tất cả những người Việt đang sống và làm việc tại Libăng đều trở về. Vẫn còn đó 64 người ở lại vùng chiến sự nóng bỏng đầy nguy hiểm vì nhiều lý do khác nhau.

Vì miếng cơm manh áo

 

Chị Vũ Vân Anh (khoảng 30 tuổi, quê ở Hưng Yên) và Nguyễn Thị Vinh (Hà Tĩnh) đều đã sang Libăng hơn năm năm. Họ là hai người tình nguyện ở lại Beirut, bất chấp nguy hiểm đến từ bom đạn lúc nào cũng cận kề. Chúng tôi gặp chị Vân Anh và chị Vinh tại chỗ chị Thanh (một lao động đăng ký về đợt hai, nhà chủ của chị Thanh đã đi Mỹ).

 

“Kể từ khi chiến sự nổ ra, gia đình tôi ngày nào cũng gọi điện kêu khóc đòi tôi trở về, nhưng ý tôi đã quyết, tôi phải ở lại” - chị Vân Anh quả quyết. Chị đùa: “Chỗ tôi ở thuộc phía bắc Beirut, rất an toàn, có nghe tiếng bom cũng tưởng như tiếng pháo nổ thôi”.

 

Đùa xong, chị trầm giọng: “Nói cho vui vậy thôi chứ tôi cũng muốn về chứ, ai lại thích cảnh bom đạn chết chóc bao giờ đâu. Lý do chính khiến tôi ở lại là vấn đề kinh tế”. Nhà chị Vân Anh chẳng khá giả gì, lại có con nhỏ, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào từng đồng tiền chị kiếm được trên đất Libăng.

 

“Nhà chủ tôi đối xử với tôi rất tốt, cho phép tôi được ra ngoài làm thêm trong lúc thời gian rảnh rỗi, nên thu nhập cũng được”. Mỗi tháng tiền lương chị Vân Anh chỉ được 135 USD cộng với ăn ở, nhưng đi làm thêm ở nhà máy bánh kẹo, chị kiếm thêm được 200-300 USD. Bây giờ, khi chiến tranh nổ ra, nhà máy bị đóng cửa, nhưng chị vẫn quyết trụ lại.

 

Hôm nay, đợt người Việt thứ hai di tản khỏi Libăng

 

Hôm nay, ngày 8/8, Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) tổ chức đợt hai di tản người lao động VN tại Libăng sang Syria.

 

Cho đến tối 7/8, danh sách đoàn có khá nhiều biến động: chỉ có chín người chắc chắn sẽ ra về.

 

Đó là Bùi Văn Dũng, Vũ Thị An, Nguyễn Thị Lê, Đoàn Thị Hồng, Phan Thị Thành, Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Thị Hương, Đặng Thị Phượng và Trần Thị Thu Hương. Các trường hợp còn lại có tên trong danh sách là Trần Thị Hạnh, Đinh Thị Bình, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Bích Hợp và Đỗ Thị Mùi. Hiện tham tán Trần Việt Tú không thể liên lạc được với các chị Trần Thị Hạnh, Đinh Thị Bình, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Bích Hợp nên không chắc chắn họ có về được hay không. Còn hai trường hợp của chị Nguyễn Thị Thanh và Đỗ Thị Mùi thì chỉ ra về nếu như đòi được hết tiền lương chủ giữ.

 

7h sáng 8/8, đoàn người lao động VN sẽ tập trung tại khu Nahr Mot (nơi đoàn người Việt đầu tiên tập trung).

 

IOM sẽ đưa đoàn qua Syria theo con đường ven biển phía bắc, đi qua biên giới Al Arida, tức theo tuyến đường của đợt di tản trước. Shereen Soliman, chuyên viên điều phối IOM cho Tuổi Trẻ biết sau khi tuyến đường bị đánh phá, IOM đã di tản các lao động Sri Lanka và Philippines tới Syria an toàn qua tuyến đường này. Tuy nhiên, đường di tản có thể dài thêm 10km vì phải đi vòng qua những nơi bị đánh phá.

“Với lại, giờ về VN thì tôi hoàn toàn trắng tay” - chị kể. Chị Vân Anh không được may mắn, khi mới sang làm thuê cho một người chủ rất tệ, đối xử với chị không ra gì. Không chịu nổi, năm 2002 chị phá hợp đồng, phải bồi thường đến 4.000 USD.

 

Đến người chủ sau thì cũng chịu cảnh tiền mất tật mang. Lúc đó năm 2004, giấy tờ của chị hết hạn. Đưa 1.600 USD cho chủ đi làm giấy tờ, nhưng nhiều ngày sau mà giấy tờ đâu chẳng thấy.  “Vì thế, tôi phải quyết tâm kiếm lại số tiền đã mất, đồng thời còn dành dụm thêm gửi về xây nhà xây cửa nữa chứ”.

 

Còn chị Vinh, tuổi ngoài 30, giọng nói điềm đạm, đến Libăng năm năm trước và cũng hết sức vất vả. Người chủ đầu tiên thường xuyên quịt tiền của chị, khiến những năm đầu tốn công tốn sức mà kiếm được chẳng bao nhiêu. Giờ thì có khấm khá hơn. “Ở đây mỗi tháng tôi kiếm được 300 USD, cộng thêm tiền làm phục vụ bàn ngoài giờ được thêm chừng đó nữa” - chị cho biết.

 

Mấy ngày nay ở quê nhà bố mẹ, chồng và con trai 7 tuổi liên tục gọi điện đòi chị về. Em trai thì dọa là mẹ đang ốm nặng, phải quay về ngay lập tức. Nhưng, chị chùng giọng: “Ở đây còn kiếm được tiền mà gửi về nhà, chứ quay về thì tôi biết làm gì bây giờ”.

 

Chị Ngô Thị Bích Liễu, 26 tuổi, cũng quyết định ở lại Libăng làm việc. Trả lời chúng tôi qua điện thoại bằng giọng miền Nam nhỏ nhẹ (chị người Vũng Liêm, Vĩnh Long), chị nói thật thà: “Cha mẹ gọi kêu về nhưng tôi thấy trên này chưa có gì.

 

Ông bà chủ hứa nếu chiến tranh gắt quá thì sẽ đưa tôi và cả nhà sang Mỹ”. Ông chủ của chị Liễu làm bác sĩ và có một cuộc sống khá sung túc. Thỉnh thoảng, chị Liễu nghe tiếng bom vọng đến, nhưng chị không cảm thấy quá sợ hãi vì hiện nay chị và gia đình chủ nhà vẫn sống an toàn tại vùng núi phía bắc thủ đô Beirut.

 

Cũng như chị Liễu, chị Huỳnh Hoàng Lan, còn gọi là Tố Lan, cũng sẽ không về VN. Qua điện thoại, chị tâm sự hôm nay, 7/8, tròn sáu năm chị ở Libăng. Nhớ nhà, nhưng chị sẽ không về vì chủ nhà hứa sẽ đem chị đi theo nếu phải di tản, bởi vậy Tố Lan nói chị yên tâm ở lại.

 

Tố Lan thường xuyên liên lạc về nhà - nơi chị có một con trai 9 tuổi - để thông báo tình hình với gia đình và gia đình cũng đồng ý với quyết định của chị. Tố Lan nói do chiến tranh, gia chủ đã phải ngừng làm việc nhưng kinh tế gia đình vẫn rất ổn thỏa. Chị được trả lương đều đặn 300 USD/tháng.

 

Chủ nhật chị được nghỉ và ra ngoài làm việc kiếm thêm tiền gửi về nhà. Hơn nữa, giấy tờ của Tố Lan sẽ hết hạn vào cuối tháng mười này, gia chủ hứa sẽ làm thủ tục gia hạn giấy tờ cho Tố Lan vào tháng chín, tức là không còn bao lâu nữa. Vì giấy tờ sắp hết hạn, Tố Lan sợ rằng nếu về lại VN sẽ khó quay lại Libăng.

 

Mắc kẹt

 

Chị Vân Anh, Tố Lan cũng như khá nhiều người khác là những trường hợp tự nguyện ở lại. Còn có những người dù rất muốn về nhưng hoàn toàn bất lực.

 

Điển hình là trường hợp của chị Đỗ Thị Lan, sống tại thung lũng Bekka, một khu vực nhiều nguy hiểm. Chị Lan rất muốn về nhưng bị nhà chủ giữ hết giấy tờ hộ chiếu, cũng như khoản tiền lương 5.000 USD nhiều năm làm lụng vất vả của chị.

 

Tham tán Trần Việt Tú đã nhiều lần gọi điện (di động) đến cho người chủ của chị Lan nhưng người chủ không cho gặp chị và cũng từ chối nói chuyện. Gọi lại thì không ai nhấc máy.

 

Theo chị Hoàng Thị Tuyết, cũng sống tại thung lũng Bekka (giờ đã sang Syria lánh nạn cùng gia đình chủ), chị Lan bị chủ đối xử rất khắc nghiệt. Mỗi ngày chị phải làm việc từ 8g sáng đến 2g đêm, thỉnh thoảng còn bị chủ đánh đập. Nhà chủ có tới hai căn, hằng ngày chị phải chạy từ hết nhà này sang nhà kia làm việc. Biết tin có đợt di tản người Việt, chị liên lạc với chị Tuyết, bày tỏ mong muốn ra về. Nhưng giờ liên lạc đã bị cắt, không biết chị sẽ ra sao.

 

Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Bích Hợp, đã đăng ký xin được về đợt hai nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình chủ chị Hợp cũng không chịu tiếp chuyện bất cứ ai hỏi về chị, đồng thời khẳng định chị không hề muốn về. Nhưng trên thực tế, theo chị Đặng Thị Phượng, lao động VN làm cho gia đình người thân nhà chủ chị Hợp, bản thân chị Hợp rất nóng lòng muốn về nước.

 

“Hợp hiện đang chăm sóc người mẹ ông chủ cùng một cô gái Philippines. Nếu Hợp về, cô Philippines cũng sẽ về. Do đó, nhà chủ cương quyết không cho” - chị Phượng cho biết. Những ngày này, người nhà chị tại VN cũng liên tục gọi điện sang cho tham tán Trần Việt Tú nhờ giúp đỡ.

 

Về phía chị Phượng, chị được nhà chủ đồng ý cho về, nhưng “họ cấm tôi không được gọi điện cho Hợp nên tôi không có cách nào liên lạc được”. Tên chị Phượng có trong danh sách những người về đợt hai hôm nay 8/8, nhưng cơ hội của chị Hợp là rất nhỏ nhoi.

 

Ngoài ra, trong danh sách những người ở lại còn có những trường hợp mất hoàn toàn liên lạc, như các chị Hoàng Thị Nguyệt và Đặng Thị Hiền là họ hàng, quê Hà Tây, sang Libăng làm cùng trong một gia đình; Nguyễn Thị Thu Thảo, Trần Thị Nga… Những người này, hoặc không có số điện thoại, hoặc có số nhưng gọi đến không ai nhấc máy. Tuổi Trẻ đã nhiều lần thử bấm số nhưng đầu dây kia chỉ là những tiếng reo vô vọng…

 

Theo Hiếu Trung – Uyên Ly

Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Israel - Lebanon crisis