1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyện những người bị “quỷ ám” giữa đảo thiên đường

Nằm không xa những bãi biển tuyệt đẹp của Bali (Indonesia), những người tâm thần lại đang bị nhốt trong những chiếc cũi nhỏ, bị xiềng xích chân tay. Họ bị giam cầm và thậm chí là ngược đãi giữa chốn thiên đường, đơn giản bởi người dân địa phương không biết phải làm gì với họ.

    "Hiệp sĩ" giải cứu bệnh nhân tâm thần
    Hiệp sĩ cứu vớt các bệnh nhân tâm thần - bà Suryani.

    "Hiệp sĩ" cứu vớt các bệnh nhân tâm thần - bà Suryani.
    Trước khi Luh Ketut Suryani rời khỏi nhà, bà ngắm mình qua gương rồi tô son lên môi. Suryani muốn mình trông thật đẹp khi chuẩn bị phải đối diện với những câu chuyện kinh dị bà sẽ bắt gặp trong ngày.

    Rồi bà lấy chiếc iPad ra khỏi ghế hành khách và dành vài phút để chuẩn bị. Bà lướt nhẹ ngón tay trên màn hình, xem lịch sử bệnh lý của các bệnh nhân, tên tuổi của họ, họ đã bị nhốt trong bao lâu, được chẩn đoán ra sao. Một số vụ dài tới cả 30 trang hồ sơ.

    Suryani, 68 tuổi, có 6 đứa con và 17 đứa cháu, là một người phụ nữ viên mãn với khuôn mặt tròn như trăng rằm. Bà là bác sĩ tâm lý ở đảo Bali - thiên đường du lịch thực sự với một số người, nhưng lại là địa ngục với không ít kẻ khác.

    Các bệnh nhân của bà không ở viện tâm thần. Họ nằm co gần những cái cây, trong những căn phòng nhỏ, bị lạm dụng và đôi khi bị lãng quên. Có 350 trường hợp như thế ở Bali và khoảng 40.000 người tâm thần trên khắp đất nước Indonesia. Người Bali gọi họ là "pasung", có nghĩa "bị xích". Nhiệm vụ của Suryani là giải phóng họ khỏi xiềng xích.

    Trong một buổi sáng bình thường, Suryani chạy xe tới phía bắc Bali. Con đường chạy lòng vòng như hình xoắn trên vỏ ốc. Các cây dừa chìm trong sương, đượm trong mùi đất ngai ngái. Khi bà tới đích là ngôi làng ở cạnh bãi biển Lovina, mặt trời đã lên cao.

    Có 6 gia đình sống ở đây và họ có nuôi lợn, gà. Ở cùng với họ là Komang - người có cổ tay bị gắn vào một sợi xích dài 1 mét rưỡi trong 8 năm qua. Đầu kia của sợi xích gắn vào một cái cột, dựng cạnh một căn phòng nhỏ đặt bên chuồng bò.

    Komang 26 tuổi, hoàn toàn trần truồng, đang trốn trong căn phòng. Cô hát một ca khúc nào đó với giọng the thé. Cô đấm tay vào tường. Có thể cô đang cố xua đuổi âm thanh vang lên trong đầu mình.

    Cô cũng cố tìm cách đuổi Suryani - người đang đứng trước cửa nhà với một hộp thuốc ở bên cạnh. Suryani đứng yên hồi lâu, trước khi nói khẽ: "Ngoan nào con của ta, rồi sẽ ổn thôi".

    Căn phòng không có cửa sổ, rộng khoảng 2m2, được xây bằng bêtông. Có vài thứ để ở trên sàn: Một tấm thảm màu hồng, hai chiếc quần lót, một cái cày gỗ, một bàn chải răng, một chiếc lược, một cái thước dây, một lọ dầu và một cái bàn chải móng chân. Ngoài ra, còn một tổ ong treo trên trần căn phòng và một đàn kiến chạy vơ vẩn dưới sàn.

    Komang đã không tắm rửa suốt 2 tháng qua. Cô không thể nói ra những gì mình đang suy nghĩ hay nhu cầu của bản thân. Khi Suryani nhìn vào gương mặt Komang, cô đã nhìn lại vô cảm.

    "Komang lúc nào cũng trần truồng như thế" - anh trai của Komang nói. Anh và cô em gái đã từng chơi cùng nhau bên những con sông, chơi trốn tìm trên các cánh đồng và khi Komang sợ hãi, anh thường nắm chặt tay em gái; nhưng anh cũng chính là người đã xích tay em mình lại khi cô chạy ra khỏi nhà trong cảnh khỏa thân.

    Một linh hồn bị quỷ ám

    Anh của Komang là một nông dân. Anh trồng lúa và đậu tương, nuôi dưỡng mẹ già, người em gái tật nguyền, người em trai cũng bị tâm thần và Komang. Tài sản của gia đình anh là hai túp lều làm từ tre nứa. Một bữa ăn gồm gạo và rau đang được nấu trên bếp. Gia đình anh rất nghèo. Chi tiêu của cả nhà chỉ tương đương gần 2USD mỗi ngày.

    "Komang đã từng là một đứa trẻ bình thường" - mẹ Komang kể - "Nhưng khi nó lên 12 tuổi, linh hồn của nó đã bị quỷ ám". Người chị dâu thì nói rằng: "Em chồng tôi kết hôn năm 18 tuổi. Chồng cô ấy đã đưa cô ấy về nhà mẹ đẻ và giữ lại đứa con. Cô ấy đã không ngừng la hét kể từ khi đó".

    Komang - người đã bị gia đình xích lại suốt 8 năm qua.

    Komang - người đã bị gia đình xích lại suốt 8 năm qua.


    Suryani lấy một chiếc ghế. Bà thường dành nhiều giờ để nói chuyện với các gia đình trước khi bắt đầu việc chữa trị tâm thần. Bà hỏi về triệu chứng của bệnh nhân, tuổi thơ của họ, liệu họ có gặp ác mộng hay không.

    Nhưng người dân ở Bali, giống nhiều người ở các vùng đất khác tại Indonesia, người không biết rõ vì sao thành viên gia đình họ bị tâm thần. Họ chỉ nhận thấy rằng có một thành viên trong nhà bỗng dưng tách rời khỏi cuộc sống bình thường.

    Khi điều đó xảy ra, gia đình không có thời gian để đương đầu với các vấn đề nảy sinh. Cũng chẳng có ai tới giúp họ. Họ cố tự bảo vệ mình khỏi người bị tâm thần - nhân vật mà họ xem là bị quỷ ám. Họ cũng muốn bảo vệ người thân bị bệnh khỏi sự tức giận vô lý của cộng đồng. Đó là lý do vì sao những người tâm thần bị xiềng xích.

    Châu Á không phải là nơi duy nhất việc xiềng xích người tâm thần tồn tại. Thói quen này còn có ở Somalia, Nigeria và Sudan, các nước đang diễn ra nội chiến hoặc bị khủng bố hoành hành và có cơ sở hạ tầng rất tồi. Tại những nơi này, người ta vẫn tin nhiều vào tâm linh. Ở những nơi thiếu cả tiền và kiến thức như thế, người bị tâm thần thường bị đối xử giống như ung nhọt của hệ thống đã tạo ra họ.

    Nhưng có rất ít nơi du khách và những người tâm thần bị xiềng xích lại ở gần nhau tới thế - như ở Bali. Mỗi năm có 3 triệu du khách ghé thăm hòn đảo - nơi họ chơi trò lướt sóng biển, lặn, mátxa vào ban ngày và tiệc tùng vào ban đêm. Du khách không hề biết họ đang ở rất gần những người tâm thần đang sống cảnh đau khổ trên hòn đảo tuyệt đẹp này.

    Mất hy vọng hồi phục

    Sứ mạng của Suryani nhằm giải phóng các bệnh nhân tâm thần bị xiềng xích bắt đầu khi vài quả bom phát nổ tại làng Kuta ở Bali vào năm 2002 và 2005. Khi đó, Suryani đang là Trưởng khoa Tâm lý tại Đại học Udayana ở thủ phủ Denpasar của Bali. Bà có nghe tin rằng các vụ tự sát đã tăng lên tại một số ngôi làng sau các vụ đánh bom, nên đã tới những nơi này để tìm kiếm nguyên nhân.

    Dù không thành công trong việc tìm hiểu các vụ đánh bom, bà lại để ý tới một người tâm thần bị nhốt gần một chuồng gà. Chưa từng nhìn thấy điều như thế, bà đã rất ngạc nhiên. Khi tìm hiểu, bà mới biết rằng, người dân xem việc nhà có người bị tâm thần giống như họ vừa bị quỷ dữ cướp đi một người thân. Rồi họ dần mất đi hy vọng cứu người thân ấy. Họ nghĩ rằng xích lại là giải pháp tốt nhất.

    Kinh hoảng trước những cảnh đời bị xiềng xích, Suryani đã thành lập Viện Nghiên cứu Suryani ở Denpasar. Sử dụng những đồng tiền khó khăn mới kiếm được, bà thuê 7 nhân công và gửi họ tới 2/9 quận của Bali, một nằm ở phía bắc và một tại phía đông, cũng là những nơi nghèo nhất.

    Nhiệm vụ của họ là tìm kiếm những người tâm thần bị xiềng xích. Khi nào họ tìm thấy ai đó bị xích, họ sẽ gọi cho Suryani và bà sẽ tới. Bằng cách ấy, bà tìm thấy Komang vào năm 2008.

    Suryani tin rằng Komang đã bị chấn thương tâm lý, nhưng bà không biết điều gì đã gây ra chấn thương đó. Bà phải lắp ghép các manh mối, giống như trong một trò chơi xếp hình. Có thể bệnh nhân bị tấn công tình dục, hoặc bị khiếm khuyết về gene.

    Gia đình Komang đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau. Họ nói rằng cô gái đã ăn phải đồ ăn có độc. Mẹ của cô gái thì đưa ra một lời giải thích duy tâm hơn: "Komang không yêu chồng và Thượng đế đã trừng phạt nó".

    Suryani giúp đỡ những người như Komang bằng cách mang cho họ thuốc. Bà kê cho Komang vài loại thuốc gồm: 1,5mg fluphenazine, 2mg trihexyphenidyl và sakaneuron - một loại thuốc an thần chống ảo giác - bên cạnh một loại thuốc khác chống rối loạn vận động và vitamin B.

    Một mũi tiêm thuốc an thần, với khả năng chống bệnh tâm thần, có giá lên tới gần 10USD ở Bali, tức lớn hơn nhiều khả năng chi trả của nhiều gia đình ở đây. Để giảm bớt chi phí, Suryani đã tự mua sắm bơm kim tiêm và đôi khi còn nhận thuốc quyên tặng. Chính quyền từng viện trợ cho bà 500.000USD hồi năm 2009 để chống bệnh tâm thần. Thế nhưng chỉ một năm sau, chính quyền đã hủy bỏ việc viện trợ, do không thấy công việc của bà mang lại hiệu quả tức thì.

    Thay vì thế, nhà chức trách đã chi số tiền đó để xây những căn phòng một tầng, với chấn song ở cửa sổ, để các gia đình đưa bệnh nhân tâm thần vào ở bên trong. Komang đã luôn sống ở trong một căn phòng như thế.

    Cứ mỗi 4 tới 8 tuần, Suryani lại đi tiêm thuốc cho các bệnh nhân. Đây là bước đầu tiên trong nỗ lực giải phóng họ khỏi xiềng xích. Bà muốn người thân của các bệnh nhân cần phải thật tin tưởng để có thể tháo bỏ xiềng xích ngay khi bệnh nhân đã ổn định. Komang đã từng có lần thoát khỏi xiềng xích trong vài tháng.

    Cô đã khá hơn và gia đình còn đưa cô đi làm việc tại một nông trại. Nhưng rồi chủ lao động trả cô về nhà, nói rằng cô chỉ nhìn chằm chằm vào tường thay vì tuốt hạt ra khỏi những quả ớt. Người anh trai đã xích cô lại thêm một lần nữa.

    Bị bỏ rơi

    Theo Suryani, vấn đề nằm ở chỗ xã hội Indonesia chỉ nhận thấy vấn đề bệnh tâm thần khi nó gây ảnh hưởng tới họ. Ngay khi bệnh tình thuyên giảm, gia đình lại quên cho bệnh nhân uống thuốc.

    Suryani hoàn toàn có thể gọi cảnh sát mỗi khi bà tìm thấy ai đó bị xích. Đây là điều bị cấm ở Indonesia. Chính quyền đã thông qua một chương trình trong đó hướng tới mục tiêu loại bỏ việc này vào năm 2014. Nhưng Suryani thấy lệnh cấm này là vô giá trị. Và bà cũng đặt dấu hỏi với nhà chức trách: "Cảnh sát sẽ mang bệnh nhân đi đâu sau khi giải cứu họ?".

    Chính quyền Indonesia bị cáo buộc làm quá ít cho bệnh nhân tâm thần. Hiện chỉ có 48 bệnh viện tâm thần với 7.700 giường bệnh trên toàn quốc. Điều đó có nghĩa chỉ 1 giường bệnh/32.000 dân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 85% tất cả các bệnh nhân bị tâm thần đều không được chữa trị tại các nước đang phát triển.

    Bali chỉ có 1 bệnh viện chữa bệnh tâm thần do chính quyền điều hành. Bệnh viện này nằm ở Bangli, giữa hòn đảo. Hoạt động điều trị ở đây miễn phí và phần lớn bệnh nhân của Suryani đã từng tới đó. 2 bác sĩ tâm lý, 10 bác sĩ và y tá phải chăm sóc cho nhu cầu của 400 bệnh nhân.

    Tuy nhiên, Bệnh viện Bangli trông giống như một nhà tù, dù rằng nó là một trong những cơ sở điều trị tâm thần tốt nhất ở Indonesia. Trong bệnh viện không có xiềng xích, tuy nhiên khoảng 30 bệnh nhân vẫn bị nhốt lại cùng nhau trong một căn phòng với các chấn song như trong tù. Đàn ông và phụ nữ được nhốt riêng và mỗi bệnh nhân có một giường bệnh riêng.

    Một số nằm nghiêng người sang bên. Số khác đi lòng vòng trong phòng hoặc ngồi nhìn chằm chằm vào tường. Có những cái đệm bẩn thỉu nằm ở hành lang và mọi thứ đều bốc mùi nước tiểu khai nồng.

    Khi một bác sĩ được hỏi rằng bệnh nhân của anh ta thiếu gì, người này đáp lại: "Thuốc an thần". Khi được hỏi các bác sĩ dùng liệu pháp gì để chữa cho bệnh nhân, anh nói rằng đôi khi các bác sĩ dành thời gian trò chuyện với họ. Nhưng những việc như thế hẳn đã diễn ra không nhiều.

    Các bệnh nhân thường chỉ ở trong bệnh xá từ 1 tới 2 tháng, nhưng rồi họ phải ra đi. Nếu không có ai tới đón bệnh nhân, các nhân viên từ Bangli sẽ chở họ về tận nhà. Nhiều người sẽ bị xích lại ngay khi trở về.

    Ketut - một trong các bệnh nhân của Suryani - là một trong số đó. Ketut đã sống trong cảnh xiềng xích suốt 19 năm qua. Đã có lúc Ketut từng tìm cách giết anh trai.

    Ông đã được đưa tới Bangli rất nhiều lần và lần nào các bác sĩ cũng còng tay ông. Khi ông trở về, người em rể lập tức xích ông lại. Gia đình sợ hãi Ketut. Họ đứng từ xa, ném thức ăn, đồ uống và thuốc lá cho ông, giống như ông là một con thú dữ dằn. Dù sao Ketut còn may vì ông vẫn khỏe mạnh về thể xác. Sự trừng phạt của Thượng đế?

    Buổi chiều đó, Suryani lần đầu bước chân vào phần sân trước một ngôi nhà nơi Kadek và gia đình cô sống ở gần Singaraya tại phía bắc Bali. Đây là lần đầu tiên bà tới đây. Cha của Kadek là một nông dân trồng lúa và em trai của cô thường dẫn du khách đi ngắm cá heo. Nhưng Kadek, 42 tuổi, đang hấp hối.

    Cha của cô đặt con gái lên ghế sofa. Có một biểu tượng tâm linh nằm tại bức tường ở sau cô. Ông đặt tay lên chân con, vốn đã teo nhỏ lại như một cái cán chổi. Kadek chẳng nói và cũng chẳng cử động. Cha đẻ nói rằng bụng của cô đã đầy dòi. Suryani bật thiết bị ghi âm để nghe câu chuyện của Kadek.

    Khi Kadek còn trẻ, cô thích học toán. Cô nói ít và hay viết các con số vào một cuốn sổ mỗi ngày. Khi mẹ đẻ qua đời, Kadek đã xé bỏ cuốn sổ và cô cũng ngừng nói. Cô vẽ tranh chân dung mẹ từ phòng ngủ và ngày nào cũng chăm chăm nhìn vào nó.

    Sau đó, cô lấy trộm xe của chú và lái đi. Rồi cô mang một con dao ra phố. Cô cởi bỏ quần áo và nhảy xuống một con sông bẩn thỉu. Cô bôi phân lên tường, xé rách quần áo và rồi có một ngày đã liên tục đấm vào gương cho tới khi đôi tay chảy đầy máu.

    "Con tôi đã dính ma thuật hắc ám" - ông bố rầu rĩ nói về nguyên nhân khiến con mình phát điên. Gia đình đã tiêu một số tiền không nhỏ để chữa cho Kadek. "Chúng tôi đã từng có quá nhiều thứ. Đây là sự trừng phạt mà chúng tôi phải nhận" - ông nói.

    Giống phần lớn người Bali, Kadek và gia đình theo Hindu giáo. Họ tin rằng bệnh tâm thần là do các con quỷ dữ gây ra và có thể là bị tiền nhân nguyền rủa. Cha của Kadek nói rằng ông đã đưa con gái đi gặp tới 57 thầy pháp balian ở Bali trong 24 năm qua.

    Với dân Bali, các thầy pháp là những người có tiếng nói quyết định về việc ai đó bị điên là kết quả của bệnh tật hay bị Thượng đế nguyền rủa. Dựa vào lời của các thầy pháp, gia đình sẽ điều trị cho bệnh nhân sử dụng thuốc Tây hoặc các bài thuốc mang tính thần bí mà thầy pháp cung cấp.

    Trong phần lớn các trường hợp, các thầy pháp đều chọn các nghi thức thần bí. Kadek đã trải qua rất nhiều nghi thức như thế, trong đó gia đình ngồi tại ngôi đền của làng và cầu nguyện, thành viên bị tâm thần ngồi ở giữa vòng tròn người thân.

    Thầy pháp thường trộn hoa, tinh dầu và nước vào với nhau. Khi ông vẩy nước vào người, bệnh nhân thường giãy lên, mắt họ lộ vẻ điên dại hoặc họ sẽ giãy giụa trên sàn. Nghi lễ trông như một màn trục quỷ. Theo truyền thống, một người bị quỷ ám phải thực sự trong trắng, vô tội mới có thể được trừ tà để trở lại bình thường. Cha Kadek nói rằng, con ông không thể trừ tà được.

    Cha Kadek đã treo đủ loại bùa chú lên khắp nhà, tạo ra gần như một ngôi đền nhỏ để bảo vệ Kadek. "Chẳng có tác dụng gì cả" - ông nói. Rồi ông chỉ cho xem căn phòng con gái mình. Đó là một căn phòng trống trải với cửa sổ và một bộ bài đặt trên bàn. Suryani nhanh chóng ghi chú với dòng chữ "tâm thần phân liệt" và đề vào mục trọng lượng của Kadek là hơn 30kg.

    Suryani trở lại xe, tới bệnh xá của làng và nói rằng có người đang hấp hối cách bệnh xá có 500 mét. Tuy nhiên viên giám đốc bệnh xá nói rằng người ta chẳng làm được gì cả. Ông ta tuyên bố chừng nào còn bệnh lao phổi, sốt rét và trẻ sơ sinh chết yểu, bệnh tâm thần phân liệt là tai họa do Thượng đế
    giáng xuống!

    Bực dọc, Suryani trở lại nhà Kadek mà không thông báo trước. Hóa ra ông bố đã nói dối. Căn phòng ông ta cho bà xem không phải phòng của Kadek. Thay vì thế, cô nằm trong một căn phòng tạm xây ở đằng sau căn nhà chính. Gạch lát nền căn phòng đã đổi sang màu nâu vì phân do cô thải ra dính bết dưới sàn. Tường căn phòng đã bong ra từng mảng và có một cái bát chứa cơm đã ôi thiu. Kadek nằm đó trần truồng và đôi mắt cô đang khép dần. Đôi chân cô bắt chéo vào nhau và chiếc chân phải đang giật giật liên hồi, trong cơn hấp hối.

    Theo Lao động/Der Spiegel