1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyện lấy vợ, lấy chồng của chiến binh IS

1. Nằm về phía đông Syria, thành phố Raqqa hiện được coi như "thủ đô" của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) với số dân ước khoảng 250.000 người.

Nếu không có những chiến binh râu ria xồm xoàm, súng AK hoặc B40, B41 khoác trên vai và những lá cờ đen cùng hàng chữ Arập màu trắng, hoặc những chiếc xe bán tải lắp giàn phóng tên lửa 40 nòng thì người ta rất dễ lầm tưởng Raqqa với những thành phố bình thường khác trên thế giới.

Raqqa cũng có những quán cà phê Internet, có cửa hàng bán nhiều loại nước hoa, quần áo thời trang theo phong cách Hồi giáo và các tiệm ăn, tiệm  điện thoại di động, bán phụ tùng và sửa chữa xe gắn máy.

Al Ali, một cư dân ở Raqqa cho biết: "IS cung cấp điện, nước, trả lương cho công nhân viên chức, điều hành hệ thống giao thông đường bộ, kiểm soát mọi thứ từ lò bánh mì, ngân hàng cho đến trường học, tòa án và nhà thờ Hồi giáo".

Cô gái Umm Haritha, lấy chồng là chiến binh IS cho biết thêm: "Chúng tôi được cấp nhà, hầu hết là nhà tịch thu của những người không phải thuộc dòng Sunni hay từ các nhân viên chính phủ Assad đã bỏ chạy. Ngoài ra, mỗi chiến binh còn được hưởng lương 400 hoặc 600 USD mỗi tháng tùy theo chức vụ. Với số tiền này, chúng tôi đủ sống".

Chuyện lấy vợ, lấy chồng của chiến binh IS - 1

Abu Ibrahim al-Suedi (bên phải) sau ngày cưới Umm Haritha.

Là công dân Canada, năm 2013, Umm Haritha - lúc ấy 20 tuổi, lên đường đi Thổ Nhĩ Kỳ với hành lý là một chiếc valy nhỏ và 1.500USD trong túi. Một tuần sau đó, cô có mặt tại "thủ đô" Raqqa. Cô nói: "Tôi đến đây để kết hôn với  Abu Ibrahim al-Suedi. Tôi quen anh ấy qua mạng Internet và chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi thật sự gắn bó với nhau"

Abu Ibrahim al-Suedi, 26 tuổi, là công dân Thụy Điển gốc Palestine, từ Stockholm sang Syria chiến đấu cho IS rồi nhanh chóng trở thành thủ lĩnh, phụ trách "thánh chiến" ở khu vực giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đám cưới của họ được tổ chức khá đơn giản. Cô dâu mặc quần áo màu đen, mặt đeo khăn niqab chỉ hở đôi mắt, còn chú rể xúng xính trong bộ quân phục mới tinh. Bao quanh họ là bạn bè và đồng thời cũng là những chiến binh IS.

Sau khi một giáo sĩ dòng Sunni đại diện cho "tòa án Hồi giáo" đọc một đoạn ngắn trong kinh Koran rồi chúc phúc cho đôi vợ chồng, họ được nhận ngay quà tặng của IS là 1.500USD để sắm sửa những vật dụng cần thiết trong nhà. Umm Haritha kể: "Chúng tôi cùng bạn bè kéo nhau đến một quán bán đồ nướng và kết thúc tiệc cưới tại một tiệm kem. Sau này tôi sinh con thì cứ mỗi đứa con, IS lại cấp thêm cho tôi 400USD nữa".

Tuần trăng mật của vợ chồng Abu Ibrahim al-Suedi và Umm Haritha kéo dài đúng 9 ngày. Trong những ngày này, Abu Ibrahim al-Suedi không phải ra trận. Trên trang mạng Twitter, Umm Haritha chia sẻ hình ảnh của chồng mình cùng dòng chữ: "Anh ấy thật tuyệt" nhưng cô lại không hề đưa lên hình ảnh của mình ngoại trừ bức hình chụp cô từ sau lưng khi đang đi cùng một phụ nữ khác trong bộ quần áo truyền thống Hồi giáo rộng thùng thình. Có lẽ Umm Haritha sợ những rắc rối có thể xảy đến với gia đình cô ở Canada.

Kết thúc tuần trăng mật, Abu Ibrahim al-Suedi lại lao đầu vào những trận đánh kinh hoàng, còn Umm Haritha thì chịu trách nhiệm quản lý một trang web, trong đó cô hướng dẫn cách thức cho những phụ nữ khác muốn đến Raqqa để lấy chồng là chiến binh IS. Cô viết: "Có chồng là Jihad, bạn sẽ trở thành thành viên của Vương quốc Hồi giáo Caliphate" - là nhà nước Hồi giáo theo Luật Sharia, đứng đầu là một Caliph - người tự coi là kế nhiệm nhà tiên tri Muhammad.

Cũng trong trang web, Umm Haritha chia sẻ hình ảnh chặt tay người trộm cắp, cảnh đánh đập dã man những người cả gan hút thuốc lá hoặc nghe nhạc bằng máy headphone, cảnh đóng đinh lên thập giá những người không chịu cải sang đạo Hồi, cảnh chặt đầu một người can tội cướp, hiếp. Haritha viết: "Tôi không cho rằng đó là bạo lực vì cách hành xử ấy sẽ làm giảm bớt tội phạm. Tôi thà thấy người ta chặt đầu một kẻ hiếp dâm còn hơn là phải chứng kiến những phụ nữ bị hiếp đi hiếp lại".

2. Umm Haritha không phải là phụ nữ đầu tiên đến Raqqa để kết hôn với những chiến binh IS. Theo phúc trình của "Trung tâm nghiên cứu quá trình cực đoan hóa quốc tế" (ICSR), tính đến cuối năm 2014, đã có khoảng 2.800 đàn ông phương Tây đến Syria để tham gia "thánh chiến" nhưng con số phụ nữ phương Tây đã sang đó để kết hôn với các chiến binh IS thì không sao nắm được. Một chuyên gia của ICSR cho biết: "Đến nay, chúng tôi mới chỉ xác định được 28 phụ nữ thông qua những gì họ công bố trên các trang mạng xã hội. Hơn một nửa trong số đó đến từ nước Pháp nhưng cũng có những trường hợp đến từ Canada như Umm Haritha".

Chuyện lấy vợ, lấy chồng của chiến binh IS - 2

Bức ảnh hiếm hoi chụp từ sau lưng của Umm Haritha.

Al Almar, một thiếu nữ người Arập cũng là một trường hợp tương tự. Trong khi đang theo học bậc trung học ở thủ đô Ryadh, Arập Xêút, Almar bỏ sang Syria để kết hôn với Abu Azaz, người Syria. Họ quen nhau từ 9 tháng trước qua một trang mạng xã hội.

Một ngày nọ, khi đang đi chơi cùng với nhóm bạn ở ngoại ô Ryadh, Almar nhận được điện thoại của mẹ: "Có vài người lạ mặt, ăn mặc thường phục, dường như là nhân viên an ninh đến tìm con".

Không chút ngạc nhiên bởi lẽ khi quen với Azaz, trên trang Twitter, Almar đã nhiều lần bày tỏ những suy nghĩ cực đoan của mình, rằng cô muốn "sống trong luật lệ Hồi giáo còn hơn là sống với cái gọi là luật pháp của những kẻ vô đạo", và rằng IS là nơi mà quyền con người được tôn trọng nhất (?!)".

Nhanh chóng tạm biệt lũ bạn, Al Almar đến một trạm ATM, rút hết số tiền tiết kiệm của mình rồi ngay tối hôm ấy, cô bay sang Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi liên lạc với Azaz bằng những tin nhắn trên Twitter rồi được Azaz hướng dẫn đường đi nước bước,  cô đến Raqqa. Đám cưới của cô với Azaz được tổ chức một tháng sau đó. Cô viết trong tài khoản cá nhân của mình trên trang mạng: "Các siêu thị ở Raqqa đầy ắp hàng hóa nhập từ nước ngoài. Do chồng tôi là chiến binh IS nên anh ấy được tự do mua những gì chúng tôi thích như sôcôla, hạt hạnh nhân, quả óc chó. Nếu bị đau ốm, chúng tôi không phải trả tiền khi vào bệnh viện. Cuộc sống nơi đây thật thanh bình, ít bị ảnh hưởng của chiến sự".

Cũng như những chiến binh IS khác, vợ chồng Azaz cũng được IS tặng quà cưới là 1.500USD cùng một căn nhà diện tích khoảng 60m2 có gắn máy điều hòa: "Nó khiến tôi không có cảm giác lạc lõng. Sau tuần trăng mật, chồng tôi lại tiếp tục lên đường chiến đấu. Thường thì anh ấy trở về nhà sau 3, 4 ngày nhưng cũng có khi lâu hơn. Thời gian này, tôi tham gia dạy tiếng Anh trong một trường mẫu giáo dành cho con em của những chiến binh IS nói tiếng Anh. Thỉnh thoảng tôi có đến một quán cà phê Internet để gửi tin nhắn về cho mẹ tôi và bạn bè".

Tuy nhiên, Al Almar lại không hề nhắc đến sự hà khắc của "luật Sharia" (luật Hồi giáo riêng do IS ban hành). Tại các ngã đường ở thành phố Raqqa, các "cảnh sát Hồi giáo" giám sát chặt chẽ tất cả mọi người để dò tìm những dấu hiệu vi phạm Luật Sharia: Hút thuốc lá, nghe nhạc bằng headphone là phạm luật, mặc quần jean là phạm luật và thậm chí để râu không đúng kiểu cũng là… phạm luật! Azaz cũng không hề nhắc đến những kiểu trừng phạt y như thời Trung cổ: chặt tay, treo cổ, đóng đinh lên thập ác hoặc ném đá cho tới chết.

3. Ngày 5/5/2014, Abu Ibrahim al-Suedi - là chồng của Umm Haritha đến dự một cuộc họp với các thành viên của phái Hồi giáo đối nghịch Jabhat al-Nusra ở thành phố Deir ez-Zor, nằm trong vùng kiểm soát của IS với dự định thảo luận và ký kết một hòa ước giữa IS và al-Nusra. Tuy nhiên, khi vừa bước ra từ ôtô thì bất ngờ có một chiến binh al-Nusra chạy xe máy lao thẳng vào ôtô của al-Suedi rồi kích nổ chiếc đai chứa bom buộc trong người.

Chuyện lấy vợ, lấy chồng của chiến binh IS - 3

Những hình ảnh thường ngày ở "thủ đô" Raqqa của IS.

Lúc đó, al-Suedi cũng mang đai bom. Sức nổ từ chiếc đai bom của kẻ tự sát đã làm đai bom của al-Suedi nổ theo khiến thân xác anh ta tan nát. Hai ngày sau, Umm Haritha lên mạng Twitter kể về cái chết của chồng rồi cầu khẩn: "Allah hãy hủy diệt những kẻ đã đâm sau lưng người anh em của mình và hồi sinh Abu Ibrahim al-Suedi từ những mảnh vụn thi thể".

Sau khi al-Suedi chết, Umm Haritha chuyển đến thành phố Manbij thuộc Syria với hơn 200.000 dân, cũng do IS kiểm soát, nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, cô ta sống chung nhà với nhiều góa phụ khác và thường lên mạng để kể về cuộc sống ở "New York của Syria". Cô viết: "Tôi được đi học trở lại và được nhận trợ cấp 50USD mỗi tháng", kèm theo đó là những bức hình chụp một đồn "cảnh sát Hồi giáo", một chiếc xe đi tuần trong thành phố với loa phóng thanh, nhắc nhở mọi người không được quên việc đọc kinh Koran mỗi ngày, một tòa án Hồi giáo hay một bức ảnh chụp một cửa hàng "quần áo thời trang Hồi giáo mới" dành cho phụ nữ. Haritha viết: "Thành phố rất đẹp nên chị em chúng tôi vẫn thường gọi nó là New York của Syria".

Một trường hợp nữa là Umm Abaid đến từ Pháp. Hành trình của cô là một chuỗi vòng vèo từ Paris sang Alger, thủ đô Algeria, rồi từ Alger sang Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng rõ tên thật của cô là gì nhưng khi vào được thành phố Raqqa, cô xuất hiện dưới cái tên Umm Abaid. Tại đây, cô trở thành nhân viên của "đội cảnh sát nữ giới Hồi giáo Al Khansa".

Ba tháng sau, cô kết hôn với một chiến binh IS cũng là người Pháp gốc Algeria, và cũng được hưởng mọi chế độ của IS dành cho các cặp vợ chồng chiến binh mới cưới. Cô cho biết việc thực thi luật pháp của Al Khansa có thể tiến hành bất cứ lúc nào, ngay cả khi không phải ca trực của cô: "Thí dụ như tôi đang đi trong xe hơi với chồng tôi, và tình cờ chồng tôi nhìn thấy một phụ nữ mang khăn choàng có thêu hình ảnh thì anh ấy sẽ dừng xe lại để tôi xử phạt cô ta ngay vì Luật Sharia không cho phép thêu lên khăn choàng đầu".

Khi chồng Umm Abaid thiệt mạng trong một vụ đánh bom tự sát, Umm Abaid buộc phải lấy một chiến binh IS khác người Thụy Sĩ gốc Syria theo như di chúc của chồng. Quá sợ hãi, cô trốn theo những người tị nạn vào Thổ Nhĩ Kỳ và không biết đời mình sẽ ra sao vì khi đến Raqqa, cô đã xé bỏ hộ chiếu Pháp..

Theo tờ Le Figaro số ra ngày 6/5/2015, có ít nhất 140 phụ nữ Pháp đã đến Syria để gia nhập IS trong tổng số 450 người Pháp tham gia "thánh chiến". Phần lớn trong số họ muốn tìm một cuộc sống hạnh phúc bên những ông chồng lực lưỡng và luôn tươi cười.

Tuy nhiên, khi nhận ra thực tế không toàn màu hồng như kỳ vọng, và phần lớn những đức lang quân của họ râu ria xồm xoàm, áo quần hôi hám, lắm ông lại hay bạo hành vợ con nhưng họ vẫn tự hào vì được "phục vụ lý tưởng".

Tiên liệu được tất cả, Tòa án Hồi giáo của IS đã đơn giản hóa thủ tục kết hôn, kể cả công nhận việc kết hôn qua mạng Internet. 6 tháng đầu năm nay, đã có 800 đám cưới được tổ chức. Một quỹ hỗ trợ - bao gồm tiền đi đường cho các cô gái từ những quốc gia khác đến "thủ đô" Raqqa và chi phí tổ chức lễ cưới đã được thành lập. Sau khi kết hôn, tất cả mọi cặp vợ chồng đều được phép đưa hình ảnh lễ cưới của họ lên mạng Internet nhằm quảng bá cho một cuộc sống mới, trong một thế giới mới.

Những kẻ cầm đầu IS tin rằng với những cặp vợ chồng hạt nhân này cùng với hàng trăm phụ nữ khác đang tìm đường đến Raqqa, một "quốc gia Hồi giáo thuần khiết" đang được hình thành…

Theo Cao Trí (tổng hợp)

An ninh Thế giới

Chuyện lấy vợ, lấy chồng của chiến binh IS - 4