Chuyện ít biết về nữ điệp viên "nóng bỏng" nhất mọi thời đại
(Dân trí) - Nữ điệp viên huyền thoại Mata Hari đã đi vào lịch sử thế giới không chỉ bởi vẻ đẹp quyến rũ, nóng bỏng, mà còn bởi bà bị nghi ngờ là điệp viên hai mang. Trong một thế kỷ kể từ khi Hari bị hành hình, nhiều câu chuyện về bà vẫn còn là một bí ẩn.
Vũ nữ trở thành điệp viên
Mata Hari là nghệ danh của vũ nữ Margaretha Geertruida Zelle Aka.Bà sinh năm 1876 tại Hà Lan trong một gia đình gồm 4 người con. Năm 18 tuổi, Mata Hari làm quen sau với một sĩ quan quân đội Hà Lan và quyết định đính hôn chỉ sau 6 ngày quen biết. Họ kết hôn vào năm 1895, nhưng cuộc hôn nhân này nhanh chóng đổ vỡ vào năm 1902.
Sau đổ vỡ hôn nhân, cuộc đời của Mata gắn liền với những chuyến đi nay đây mai đó.
Bà đến Paris hành nghề vũ nữ với nghệ danh Mata Hari và tự xưng là người gốc Ấn. Ngoài các điệu múa truyền thống phương Đông học được khi sống cùng chồng ở Indonesia, bà còn biểu diễn các màn múa thoát y. Tên tuổi của Mata cũng được nhiều người biết đến kể từ đó.
Cô không thiếu gì những người tình có quyền thế trong xã hội, các quý tộc, các sĩ quan quân đội, các chính khách cấp cao, những người giúp cô có được một cuộc sống xa hoa. Cùng với các mối quan hệ rộng rãi, việc lưu diễn ở nhiều nơi trên thế giới cũng giúp Mata sử dụng được nhiều ngôn ngữ khác nhau. Điều này nhanh chóng giúp Mata “lọt vào tầm ngắm” của giới tình báo.
Những màn múa thoát y của Mata được coi là vẫn mang đậm tính văn hóa thay vì dung tục. (Ảnh: Buzzfreed)
Số phận bi thảm của điệp viên hai mang
Năm 1914, khi Thế chiến I nổ ra, bà tới Berlin (Đức) để lưu diễn. Tại đây bà đã nhận lời làm gián điệp cho Cục tình báo Đức với mật hiệu H21 với nhiệm vụ thu thập tin tức hoạt động của quân đội Pháp.
Tuy nhiên chính Elsa Shragmuyller người phụ trách trực tiếp H21 cho rằng toàn bộ những tin tức mà H.21 cung cấp không bao giờ được sử dụng cả vì chúng không có ý nghĩa gì về mặt kinh tế, chính trị lẫn quân sự.
Một điều ngang trái là, vào tháng 8/1916, sau khi gặp gỡ Đại úy Ladou, sĩ quan của Cục Phản gián Pháp, bà lại nhận lời hợp tác với Cơ quan tình báo Pháp với nhiệm vụ đến Brussels để thu thập tin tức cho người Pháp.
Hành động hai mang của bà đã nhanh chóng bị phát hiện. Khi đang trên đường tới Bỉ làm nhiệm vụ, bà bị cảnh sát Anh bắt giữ và thẩm vấn. Sau khi thả Mata, cảnh sát Anh đã báo cho Pháp biết thân phận thực sự của bà.
Do đó, ngay khi trở về Paris, giới chức Pháp đã cho bắt giữ bà với cáo buộc điệp viên hai mang khiến khoảng 50.000 lính Pháp thiệt mạng.
Vẻ đẹp đài các của bà Mata (Ảnh: Kul News)
Vào sáng ngày 15/10/1917, trước khi bị tử hình, bà Mata từ chối bịt mắt, trói tay, thay vào đó vẫn mỉm cười vẫy chào những người chứng kiến. Bà bị xử bắn sau đó bởi 12 thành viên đội tử hình của Pháp.
Cái chết của bà Mata đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Thậm chí 30 năm sau khi bà Mata bị tử hình, nhiều công tố viên thừa nhận rằng không có đủ bằng chứng để kết bà tội hai mang.
Câu chuyện về nữ vũ công trở thành một điệp viên đến nay vẫn thu hút sự tò mò. Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, tại sao bà Mata đồng ý làm điệp viên cùng lúc cho cả Đức và Pháp mặc dù biết rằng sớm hay muộn “kim trong bọc cũng lòi ra”. Một số người cho rằng, tuy đã là điệp viên của Đức, nhưng từ lâu bà Mata vẫn mang trong mình mong muốn làm điệp viên cho quân đội Pháp.
Minh Phương
Tổng hợp