1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyện ít biết quanh vụ án Trần Hy Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc đầu tiên bị xét xử

Cách đây gần 20 năm, ngày 31/7/1998, Tòa án Bắc Kinh đã mở phiên tòa tuyên phạt Trần Hy Đồng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Bắc Kinh 16 năm tù vì các tội tham ô, xao lãng nhiệm vụ. Vụ án Trần Hy Đồng từng gây chấn động Trung Quốc một thời…

Đây là quan chức cấp cao nhất kể từ năm 1949 đến thời điểm đó bị đưa ra tòa xét xử vì phạm tội kinh tế; một lý do nữa là ông ta là người lãnh đạo cao nhất của chính quyền thành phố Bắc Kinh khi xảy ra “Sự kiện Thiên An Môn 1989”; mặt khác Trần Hy Đồng từ chức Bí thư thành ủy và bị xử lý kỷ luật từ 1995 nhưng mãi đến 1998 mới được đem ra xét xử cũng gây nên nhiều điều dị nghị…

Trần Hy Đồng không phục, chống án lên trên; ngày 20/8 cùng năm, Tòa án tối cao mở phiên phúc thẩm, ra phán quyết giữ nguyên mức án phạt. Ngày 31/5/2006, Trần Hy Đồng được phép bảo lãnh tại ngoại chữa bệnh, đến 2/6/2013 thì bị chết vì bệnh.

Trưởng thành từ cơ sở

Trần Hy Đồng sinh năm 1930 tại Tứ Xuyên, vào đảng năm 1949. Thời kỳ đầu giải phóng (sau 1949), ông công tác ở cơ sở, lần lượt là thành viên Tổ công tác dân phố ở quận Tây Đơn, Bắc Kinh, đồn phó công an…

Năm 1952 được điều lên Văn phòng thành ủy Bắc Kinh, năm 1953 trở thành thư ký của Bí thư thứ 2 thành ủy Bắc Kinh Lưu Nhân; sau đó được đưa xuống cơ sở giữ chức Bí thư chi bộ phân xưởng ở Nhà máy cơ khí số 1 Bắc Kinh rồi ở đó suốt 10 năm, trải qua các phong trào “chống phái Hữu”, “Đại nhảy vọt”…Năm 1963 được chuyển về huyện Xương Bình và giữ chức Phó Bí thư huyện ủy.


Trần Hy Đồng

Trần Hy Đồng

Năm 1967, sau khi “Cách mạng Văn hóa” bùng nổ, Trần Hy Đồng bị đưa đi “hạ phóng” lao động cải tạo dưới cơ sở vì có thời gian làm thư ký của Lưu Nhân – người bị kết tội “phái Hữu”. Năm 1971, Trần Hy Đồng được bầu làm Phó chủ nhiệm Ủy ban cách mạng công xã, rồi Bí thư công xã, sau đó dần dần leo trở lại giữ các chức Bí thư, Chủ nhiệm UBCM huyện Xương Bình.

Tháng 12/1979, Trần Hy Đồng được bầu làm Phó thị trưởng Bắc Kinh, 9/1981 vào Ủy ban thường vụ thành ủy; từ 1983 đến 1993 là Thị trưởng Bắc Kinh; từ 4/1988 đến 3/1993 kiêm nhiệm chức Ủy viên Quốc vụ (tương đương Phó Thủ tướng); từ 10/1992 đến 9/1995 là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Bắc Kinh. Ông là Ủy viên TW các khóa 12, 13, 14, UVBCT khóa 14.

Tội lỗi đầy mình

Ngày 27/4/1995, Trần Hy Đồng xin từ chức Bí thư Bắc Kinh. Ngày 4/7 cùng năm, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật TW Đảng Cộng sản Trung Quốc (UBKTKLTW) quyết định tiến hành thẩm tra vấn đề của Trần Hy Đồng. Sau đó, qua vụ ủy viên thường vụ thành ủy, Phó thị trưởng Bắc Kinh Vương Bảo Sâm tự sát (ngày 4/4/1995) đã bộc lộ việc Trần Hy Đồng tham ô nên bị bắt.

Tháng 9/1995, ông ta bị bãi bỏ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị và đại biểu Quốc hội khóa 8 vì “thôn tính các đồ vật quý giá, hủ hóa trụy lạc, mưu chiếm lợi ích phi pháp và thiếu trách nhiệm nghiêm trọng”, ông bị cáo buộc đã tham ô 24 triệu USD trong khi chỉ đạo xây dựng các công trình phục vụ ASIAD và mua nhiều nhà, chu cấp cho nhiều người tình; tổng số tiền liên quan đến vụ án lên tới 2 tỷ USD.

Ngày 29/8/1997 Trần Hy Đồng bị khai trừ đảng và cách bỏ mọi chức vụ trong, ngoài đảng. Ngày 27/2/1998, Trần Hy Đồng bị Viện Kiểm sát tối cao phát lệnh bắt giữ; ngày 31/7/1998, ông bị Tòa án Bắc Kinh đưa ra xét xử và tuyên phạt 16 năm tù về các tội “tham ô, lơ là trách nhiệm’. Trước đó, vào năm 1997, con trai ông là Trần Tiểu Đồng cũng bị phạt 12 năm tù vì tội nhận hối lộ.


Trần Hy Đồng khi trong tù

Trần Hy Đồng khi trong tù

Trần Hy Đồng không tuân phục, chống án lên trên, nhưng ngày 20/8 cùng năm Tòa án tối cao Trung Quốc mở phiên chung thẩm ra phán quyết bác bỏ kháng cáo của ông, giữ nguyên mức án phạt. Trong nhiều năm sau đó, Trần Hy Đồng vẫn kiên quyết không nhận tội, kiên trì chống án trong nhiều năm trời.

Trong suốt thời gian bị giam giữ tại nhà tù Tần Thành, Bắc Kinh, Trần Hy Đồng tự xưng “Lão Trần – Đệ nhất tham ô phạm Bắc Kinh” thường xuyên chống đối bằng cách không mặc quần áo tù, đòi ăn những món khác người, đòi ra ngoài hoạt động…

Năm 2004, Trần Hy Đồng được phép “bảo lãnh tại ngoại chữa bệnh”, ra tù về ở Viện điều dưỡng Tiểu Thang Sơn Bắc Kinh để chữa bệnh. Tại đây, ông chú tâm vào việc chụp ảnh nghệ thuật, được ăn, ở, chữa bệnh miễn phí.

Tháng 4/2009, do bị phát hiện mắc chứng ung thư giai đoạn cuối, ông được đưa vào khoa Cán bộ cao cấp, bệnh viện Bắc Kinh điều trị; theo phán quyết thì ông được chính thức hết hạn tù vào ngày 1/8/2013. Tuy nhiên, sáng ngày 2/6/2013, Trần Hy Đồng đã bị chết vì bệnh ở tuổi 83. Thi thể sau đó được hỏa thiêu tại Nhà hỏa táng quận Xương Bình vào ngày 11/6/2013.

Về tội trạng của Trần Hy Đồng, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát tối cao, trong thời gian giữ các chức Thị trưởng, Bí thư Bắc Kinh từ 7/1991 đến 11/1994, khi tham gia các hoạt động đối ngoại, Trần Hy Đồng đã nhận 22 quà tặng quý giá (trong đó có 8 đồ vật chế tác bằng vàng, bạc; 6 đồng hồ đeo tay, 4 bút viết, 3 máy ảnh, 1 máy quay phim) tổng trị giá hơn 555 ngàn NDT, nhưng không nộp cho cơ quan hữu quan theo quy định mà tự ý chiếm làm của riêng.

Theo đuổi cuộc sống xa hoa, trụy lạc, Trần Hy Đồng đã chỉ đạo, dung túng cho Vương Bảo Sâm sử dụng 35,21 triệu NDT tiền công xây dựng trái phép 2 biệt thự sang trọng ở Công viên Bát Đại Xứ và huyện Hoài Nhu để hai người hưởng dụng.

Từ 1/1993 đến 2/1995, Trần Hy Đồng thường xuyên đến 2 biệt thự này ăn chơi hưởng lạc, sử dụng tiền công để xây dựng, mua sắm thiết bị; lạm dụng chi 2,42 triệu NDT kinh phí quản lý dịch vụ, chi 1,05 triệu NDT tiền công vào các cuộc nhậu…

Sống xa hoa trụy lạc

Sau khi Trần Hy Đồng bị quật ngã, báo chí bắt đầu phanh phui những chuyện bên lề, những điều thị phi về cuộc sống của ông ta; như chuyện Trần Hy Đồng sống xa hoa trụy lạc và chi hàng tỷ tệ tiền công cho việc bao nuôi những cô người tình.

Tại huyện Thuận Nghĩa ở ngoại thành Bắc Kinh, ông ta cho xây một biệt thự 3 tầng cực kỳ xa hoa, ngoài những người thân tín ra, không ai được bén mảng đến. Trong nhà, tay nắm cửa, vòi nước, thậm chí tay giật bồn cầu đều đúc bằng vàng; đồ nội thất toàn hàng nhập khẩu đắt tiền.


 Vương Bảo Sâm

Vương Bảo Sâm

Những người đến tham quan kể lại: bên ngoài biệt thự nhìn không có gì đặc biệt, nhưng vào bên trong thì mới thấy cực kỳ hào hoa, sang trọng.

Để gặp gỡ nhiều phụ nữ trẻ xinh đẹp, Trần Hy Đồng đã sai Vương Bảo Sâm chi 35,21 triệu tệ xây dựng thêm 2 biệt thự nữa và đặt tên cho biệt thự của ông ta là “Dã vị trai” (Món chay). Rốt cục Trần Hy Đồng đã “xài” bao nhiêu phụ nữ thì chắc ông ta cũng không nhớ hết.

Theo lời khai của cô người mẫu Dương Mai bị bắt sau này, riêng tại biệt thự “Dã vị trai”, theo cô ta nhớ được thì ngoài bản thân cô, Trần Hy Đồng còn lợi dụng quyền thế để gian dâm với 15 cô gái khác.

Điều khiến người ta kinh ngạc nhất là phòng ngủ, nơi Trần Hy Đồng hành lạc cùng các ả người tình được trang trí thể hiện phong cách đồi trụy, tha hóa của ông ta. Theo lời kể của những người tham quan, trong phòng đặt một chiếc giường rất lớn, từ ga trải giường đến bộ sa-lon đều màu hồng phấn, trước giường là tấm gương lớn đồ nhập khẩu, đèn cũng là hàng nhập.

Xung quanh tường toàn là ảnh các phụ nữ trẻ khỏa thân khổ lớn chụp các tư thế khêu gợi; trong đó có 1 chiếc chụp một cô bồ của ông ta được in ở Hongkong mang về. Trần Hy Đồng và con trai có chung một người tình trẻ là một nữ nhà báo.

Theo các nhân viên điều tra, ông ta còn ghi hình lại những cuộc truy hoan với các cô người tình và cho ghi đĩa những ca khúc ông ta hát cùng các cô người tình kèm theo những hình ảnh khiêu dâm để “trợ hứng”…

Theo Lan Hương

Pháp luật Việt Nam