1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia: Y bác sĩ Trung Quốc “trả giá quá đắt” trong cuộc chiến corona

(Dân trí) - Giới chuyên gia cảnh báo rằng các nhân viên y tế tại Trung Quốc đang phải trả “một cái giá quá đắt” trong cuộc chiến chống dịch viêm phối cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra.

Chuyên gia: Y bác sĩ Trung Quốc “trả giá quá đắt” trong cuộc chiến corona - 1

Các nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân trong bệnh viện ở Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

 

Ngày 14/2, chính quyền Trung Quốc xác nhận có tổng cộng 1.716 nhân viên y tế nhiễm virus COVID-19. Con số này cao hơn nhiều so với thời điểm năm 2003, khi hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát tại Trung Quốc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Zeng Yixin phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua rằng, số nhân viên y tế nhiễm virus COVID-19 chiếm 3,8% trong tổng số ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục, trong đó có 1.502 người từ tỉnh Hồ Bắc và riêng tại thành phố Vũ Hán là 1.102 người.

Ông Zeng xác nhận 6 nhân viên y tế đã tử vong vì virus corona, tính đến ngày 11/2.

Hồi đầu tuần, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng từng đưa tin có ít nhất 500 trường hợp nhiễm và 600 trường hợp nghi nhiễm virus COVID-19 trong số đội ngũ nhân viên y tế tham gia chống dịch. Tuy nhiên, chính những người trong cuộc lại nói rằng họ bị cấm công bố số liệu.

Nhiều nhân viên y tế đã bị nhiễm virus corona từ hồi tháng 1, khi các nhà chức trách vẫn khẳng định có rất ít trường hợp lây nhiễm từ người sang người. Nhiều y bác sĩ làm việc trong khi không có đủ đồ bảo hộ do nguồn cung thiếu thốn.

Vào tháng 5/2003, khi đại dịch SARS bùng phát, giới chức Trung Quốc xác nhận có 963 nhân viên y tế bị nhiễm virus trong tổng số 5.309 trường hợp nhiễm bệnh. Số ca nhiễm SARS tại Trung Quốc đại lục cuối cùng tăng lên 5.237 trường hợp, trong đó có 349 người thiệt mạng.

Theo báo cáo được các nhà nghiên cứu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hai viện nghiên cứu công bố năm ngoái, Hội chứng hô hấp Trung Đông (Mers) cũng lây nhiễm cho 415 nhân viên y tế trong tổng số 2.223 ca nhiễm bệnh trong khoảng thời gian từ tháng 9/2012 - 6/2018.

Lý do lây nhiễm

“Cuộc chiến” bên trong bệnh viện chống dịch corona tại Trung Quốc

Cai Haodong, chuyên gia về dịch bệnh lây nhiễm tại Bệnh viện Ditan ở Bắc Kinh, cho biết lý do khiến số nhân viên y tế nhiễm virus corona chủng mới hiện nay cao hơn nhiều so với dịch SARS bởi có nhiều bệnh nhân không phát bất kỳ triệu chứng nào trong thời gian đầu.

“Kẻ thù (virus corona) ở trong bóng tối. Trong khi nhận thức của các bác sĩ về dịch bệnh không lây nhiễm vẫn chưa cao. Họ có thể đã mất cảnh giác khi bệnh nhân không cho thấy bất kỳ triệu chứng nào”, chuyên gia Cai nhận định.

Ngoài ra, chuyên gia Cai cho biết các nhân viên y tế buộc phải làm việc nơi tuyến đầu chống dịch, trong khi họ chưa được trang bị khẩu trang và đồ bảo hộ đầy đủ.

“Các bác sĩ ở Vũ Hán chưa có đủ vật dụng bảo hộ, nhưng họ vẫn phải ra tuyến đầu. Cái giá phải trả quá cao”, bà Cai nói.

Số lượng lớn nhân viên y tế bị nhiễm virus corona cũng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong các bệnh viện.

“Khi bác sĩ bị nhiễm virus, họ có thể lây cho các bệnh nhân và gây ra tình trạng lây nhiễm chéo. Đó là lý do Mỹ yêu cầu các bác sĩ phải dùng vắc xin chống cúm để họ không lây sang cho bệnh nhân”, chuyên gia Cai nói thêm.

Theo Giáo sư Joseph Lau Tak-fai tại Trường Chăm sóc Sức khỏe và Y tế Cộng đồng JC thuộc Đại học Hong Kong Trung Quốc, hơn 1.500 ca nhiễm virus corona trong đội ngũ nhân viên y tế là “con số lớn”.

Ông Lau cho biết trong giai đoạn mới bùng phát dịch, nhiều bệnh nhân không phát bất kỳ triệu chứng nào và các bác sĩ cũng không biết có nguy cơ lây nhiễm.

“Trong giai đoạn thứ hai, mặc dù các nhân viên y tế đã nhận thức được về nguy cơ lây nhiễm từ người sang người, song họ vẫn phải ra tuyến đầu làm việc ngay cả khi chưa có đủ vật dụng bảo hộ”, chuyên gia Lau nói.

Hiện vẫn chưa rõ quy mô lây nhiễm chéo giữa các nhân viên y tế bị nhiễm virus corona.

Ông Huang Chaolin là phó giám đốc Bệnh viện Jinyintan Vũ Hán và là người từng công bố báo cáo trên tạp chí The Lancet về các triệu chứng lâm sàng của virus COVID-19. Ông bắt đầu có những triệu chứng nhiễm virus từ ngày 17/1, trước khi được xác nhận nhiễm virus corona 5 ngày sau đó.

Ông Huang nói với China Newsweek rằng, ông tin ông bị nhiễm virus từ hai bệnh nhân, dù hai người này không có bất kỳ triệu chứng nào khi ông gặp họ hôm 10/1.

Ông Huang ban đầu chỉ đơn giản nghĩ rằng ông bị cảm lạnh và vẫn tiếp tục làm việc tại bệnh viện. Thậm chí, ông còn đón các chuyên gia từ Bắc Kinh tới thăm bệnh viện và tổ chức họp báo vào ngày 19/1.

Bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về virus corona khi mọi người vẫn chưa có nhiều thông tin về dịch bệnh, đã qua đời hôm 6/2 sau một thời gian chống chọi với virus này. Trước đó, bác sĩ Lý là người đã điều trị cho các bệnh nhân và phát hiện 7 ca nhập viện ở bệnh viện trung ương Vũ Hán có triệu chứng giống như dịch SARS vào cuối tháng 12/2019.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận rằng, tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện là một mối lo ngại.

“Một điều rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe là các nhân viên y tế phải đủ khả năng bảo vệ họ khỏi bị lây nhiễm. Lây nhiễm trong bệnh viện là một mối lo ngại đối với tất cả các nước đang ứng phó với virus COVID-19”, WHO cảnh báo.

Thành Đạt

Theo SCMP