1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia UNDP: Khí hậu cực đoan, thách thức lớn đối với Việt Nam

(Dân trí) - Trao đổi với Dân Trí, ông Koos Neefjes, cố vấn chính sách về biển đổi khí hậu của UNDP tại Việt Nam, cho rằng sự gia tăng các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt, cực đoan là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong việc ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).

Bên lề của cuộc hội thảo về “Tăng cường năng lực đàm phán biến đổi khí hậu quốc tế cho đàm phán viên các nước ASEAN,” được khai mạc sáng nay tại Hà Nội, ông Neefjes đã có cuộc trao đổi ngắn với phóng viên Dân Trí.

Chuyên gia UNDP: Khí hậu cực đoan, thách thức lớn đối với Việt Nam

 Ông Koos Neefjes, cố vấn chính sách về biển đổi khí hậu của Chương trình phát triển LHQ (UNDP) trao đổi với Dân Trí

Theo ông Neefjes, so với một số quốc gia khác, Việt Nam có nhiều các chính sách và chương trình quốc gia về ứng phó BĐKH. Sau khi chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó BĐKH được phê duyệt vào năm 2008, Việt Nam còn ban hành các chiến lược về tăng trưởng xanh cùng các chương trình về giảm thiểu rủi ro do BĐKH gây ra cũng như các chương trình về sử dụng năng lượng hiệu quả.

“Tôi thấy, cho đến nay, Việt Nam đã ban hành đầy đủ chương trình và chính sách về ứng phó BĐKH. Theo tôi, về mặt chính sách, Việt Nam không cần thêm nữa mà việc quan trọng hiện nay là thực hiện các chính sách này,” ông Neefjes nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia UNDP nhận định rằng, sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt, cực đoan chính là thách thức lớn nhất với Việt Nam hiện nay trong việc ứng phó với BĐKH.

Ông nhấn mạnh: “Như các bạn thấy đó, các trận bão và các đợt hạn hán gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với Việt Nam. Mưa ở nhiều địa phương, cụ thể như ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cũng thường xuyên hơn và với lượng mưa nhiều hơn.”

Ông cho rằng, thách thức thứ hai của Việt Nam là làm thế nào để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường.

“Theo tôi, Việt Nam cần tăng giá điện để khuyến khích người sử dụng tiết kiệm năng lượng hơn và đồng thời cũng khuyến khích các công ty tham gia đầu tư vào thị trường điện Việt Nam và phát triển những nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường”, ông Neefjes đưa ra khuyến nghị.

Việt Nam cùng các nước ASEAN hướng tới thỏa thuận toàn cầu về BĐKH

Các đàm phán viên của Việt Nam và các nước ASEAN đã tham dự hội thảo về tăng cường năng lực đàm phán BĐKH quốc tế được khai mạc sáng ngày 19/8 tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Đại sứ quán Anh và Cơ quan Phát triển liên hợp quốc (UNDP) tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tại vòng đàm phán thứ 19 - Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) diễn ra ở Ba Lan năm 2013, các nước đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015 đạt được một thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu, một phần của thỏa thuận đạt được sẽ có hiệu lực vào năm 2020.

Các đàm phán viên chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Các đàm phán viên chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Tuy nhiên, quá trình đàm phán vẫn đang đặt ra rất nhiều thách thức bởi quan điểm của các nước phát triển và đang phát triển còn nhiều khác biệt. Ngay cả khi đạt được thỏa thuận vào năm 2015 thì việc triển khai và giám sát thực hiện cũng là một thách thức không nhỏ.

Để đạt được thỏa thuận mà các bên liên quan đều chấp nhận được, các đàm phán viên cũng như các nhà đàm phán cấp cao cần phải có kỹ năng đàm phán tốt, hiểu biết sâu sắc về biến đổi khí hậu, nắm được các thách thức đàm phán để có những hành động hiệu quả.

Vì vậy, hội thảo lần này sẽ góp phần giúp cho các đàm phán viên ASEAN tiếp cận với diễn tiến chính sách về biến đổi khí hậu quốc tế trong khuôn khổ UNFCCC; hiểu biết sâu hơn những vấn đề quan trọng cần đàm phán để có một tiếng nói chung tại các cuộc họp các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức vào năm 2015, tại Pháp, nhằm đạt được một thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Về các đàm phán viên về BĐKH của Việt Nam, ông
Neefjes nhận xét rằng có sự tiến bộ rất lớn về năng lực của họ trong khoảng 7 kỳ đàm phán vừa qua. Trước đây, kiến thức về BĐKH cũng như kỹ năng tiếng Anh của các đàm phán viên Việt Nam còn rất hạn chế, nhưng đến nay họ đã rất khác. Đó là một nhóm gồm nhiều thành viên đến từ các bộ ngành khác nhau và được thành lập do quyết định của Thủ tướng chính phủ. Tiếng Anh và hiểu biết của họ tốt hơn nhiều. Họ cởi mở và nhanh nhạy hơn.

Hội thảo dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 19-21/8 tại Hà Nội.

Nam Hằng