1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo hệ lụy từ việc phóng sinh

(Dân trí) - Phóng sinh dù là một hoạt động duy tâm truyền thống, tuy nhiên các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo rằng hoạt động này có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường.

anh 2.jpg

Những tín đồ Phật giáo thả cá về với tự nhiên (Ảnh: SCMP)

 

Trong một ngày đông giá rét, Li Huiyun lên một chiếc xe buýt di chuyển từ nội thành Bắc Kinh tới quận Phòng Sơn nằm ở phía nam thành phố. Tại đây, bà cùng hàng chục người khác, phần lớn trong số đó là Phật tử, đi tới 2 chiếc xe tải chở khoảng 5 tấn cá chép. Sau khi tụng kinh, nhóm người này sẽ xếp hàng sau đó thả tự do cho các con cá xuống nước.

Sau khi cá được thả ra, tiếng kinh bồ tát Địa Tạng vang lên, một người đàn ông sẽ cầu may mắn cho những chú cá vừa được thả đi. “Hành động phóng sinh này khiến cho mọi người cảm thấy an lòng”, bà Li lý giải.

Hoạt động phóng sinh là một trong những nét đẹp của Phật giáo, tôn vinh sự tha thứ và cảm thông của các tín đồ. Người ta tin rằng người phóng sinh cũng sẽ gặp may mắn khi phát tâm.

Tuy nhiên, các nhà môi trường học Trung Quốc cảnh báo rằng hoạt động tưởng chừng ý nghĩa lại có thể gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái tại quốc gia này.

Không có số liệu chính xác về hoạt động phóng sinh, tuy nhiên một khảo sát năm 2010 cho thấy có khoảng 281 đơn vị tổ chức hoạt động phóng sinh trên khắp các tỉnh thành, khu vực dọc khắp đất nước. Năm 2015, hiêp hội Phóng sinh Quảng Đông ước tính các hoạt động thả động vật về với tự nhiên diễn ra hàng ngày tại tỉnh này.

Theo SCMP, những sự kiện này được coi là ngành kinh doanh kiếm lời. Ngoài việc thu tiền của những người tham gia, các loài động vật như cá, thỏ, rắn, rùa thường được bán ở gần những nơi tổ chức hoạt động.

Anh 1.jpg

Một phật tử chuẩn bị thả cá về với tự nhiên (Ảnh: SCMP)

 

Một số động vật được thả trong công viên như cáo, rắn có thể gây ra mối đe dọa cho du khách, nhưng điều mà các nhà môi trường học quan ngại chính là việc thả động vật một cách ngẫu nhiên có thể gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học.

“Việc thả động vật ra môi trường mà không có hướng dẫn khoa học cụ thể có thể tàn phá nghiêm trọng môi trường sinh thái”, ông Zhou Canying, giám đốc hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã thành phố Changsa, Hồ Nam, nói.

Ông Zhou muốn quản lý hoạt động thả cá, rùa, hoặc ngay cả cá sấu xuống sông Tương ở Hồ Nam.

“Một số loài được thả xuống là rùa tai đỏ, một trong những giống động vật có thể gây tác động nghiêm trọng tới hệ sinh thái. Chúng ăn mọi thứ từ động vật thân mềm, thực vật và cả cá”, ông Zhou giải thích.  

Ngay cả khi các tín đồ mua cá tại địa phương của họ rồi mang tới nơi khác để phóng sinh, chúng có thể làm ảnh hưởng tới nguồn gen của loài cá tại nơi thả.

Tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc đã cấm các hoạt động thả các loài cá có thể gây rối loạn tới hệ sinh thái. Ngoài ra, số lượng cá bản địa ở khu vực này cũng giảm nghiêm trọng, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng do hoạt động phóng sinh.

“Hãy tưởng tượng loài cá ở địa phương là "cừu", còn những loài cá lạ là "hổ". Nếu số lượng "hổ" gia tăng, chúng sẽ tiêu diệt giống cá bản địa và gây mất cân bằng sinh thái”, theo ông Tsering Tashi, giám đốc cơ quan nông nghiệp, chăn nuôi, khoa học và công nghệ Thanh Hải.

Chuyên gia môi trường Yang Fuquan khuyến nghị chính quyền địa phương nên có quy định cụ thể về chủng loại, sống lượng động vật được phép thả ra tự nhiên.

Ông Yang cho biết ông không phản đối việc phóng sinh, nhưng công chúng nên học cách phóng sinh đúng cách để giữ nguyên giá trị tốt đẹp của hoạt động này.

Đức Hoàng

Theo SCMP