1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia: Sức ép từ bẫy nợ của Trung Quốc

Những nước vay nợ dễ dàng rơi vào vòng ảnh hưởng và kiểm soát của Trung Quốc, đánh mất chủ quyền về kinh tế và đối ngoại.

Câu chuyện Sri Lanka

Gần đây ngày càng có nhiều quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Á rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, vì không trả được nợ mà phải nhượng đất nhượng biển, hoặc làm theo những yêu cầu chính trị và ngoại giao của Bắc Kinh.

Tháng 12/2017, Chính phủ Sri Lanka phải cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê hải cảng Hambantota trên bờ Ấn Độ Dương 99 năm để ''cấn trừ'' bớt khoản nợ 7 tỷ USD mà nước này đã vay.

Sau khi thuê được cảng Hambantota, Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp lớn ở bên cạnh, tạo thành một ''bàn đạp'' chính trong chương trình Con đường Tơ lụa trên biển vươn tới châu Phi và châu Âu.

Câu chuyện Hambantota ở Sri Lanka được nói tới nhiều như một bài học về hậu quả nợ nần sinh ra từ việc vay vốn của Trung Quốc. Nó đồng thời minh họa cho một chiến lược mới của Trung Quốc: cho các quốc gia nghèo vay những khoản nợ lớn theo những điều kiện có lợi cho Trung Quốc.


Trung Quốc thâu tóm cảng nước sâu Hambantota của Sri Lanka

Trung Quốc thâu tóm cảng nước sâu Hambantota của Sri Lanka

Bắc Kinh không quan tâm tới tình trạng của nước đi vay; thậm chí không đoái hoài tới tác động môi trường, tác động xã hội hoặc hiệu quả kinh tế của các dự án vay nợ; chỉ cần con nợ phải trả theo lãi suất thương mại, trả nợ bằng tài nguyên thiên nhiên, bằng cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp sở tại hoặc quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc phải do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện, bằng nguyên vật liệu và nhân công Trung Quốc.

Rất nhiều dự án như vậy - những con đường không dẫn tới đâu, những trụ sở chính quyền to lớn - sinh ra những núi nợ, lãi mẹ đẻ lãi con không thể nào trả nổi, khiến cho những nước vay nợ dễ dàng rơi vào vòng ảnh hưởng và kiểm soát của Trung Quốc, đánh mất chủ quyền về kinh tế và đối ngoại.

Khác với chuyện vay tiền của Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), những món vay từ Trung Quốc luôn phải được thế chấp bằng những tài sản quốc gia có tầm quan trọng chiến lược và có giá trị cao trong dài hạn, dù trước mắt có thể không sinh lợi; mỏ khoáng sản và cảng biển là hai loại tài sản thế chấp được ưa chuộng nhất.

Ngoại giao bẫy nợ

Chuyên gia Brahma Chellaney, nhà phân tích Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách New Delhi của Ấn Độ cho rằng, câu chuyện Sri Lanka không phải là trường hợp cá biệt.

Theo ông Chellaney, từ Argentina tới Namibia tới Lào, nhiều nước đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, buộc họ phải đối mặt với những sự lựa chọn đau đớn để tránh bị phá sản.

Món nợ từ Trung Quốc đang đe dọa buộc Kenya phải nhượng cho Bắc Kinh hải cảng sầm uất Mombasa - cánh cửa vào vùng Đông Phi rộng lớn - một trường hợp Hambantota ở châu Phi.

Năm ngoái, Djibouti - một nước nhỏ ở vùng Sừng châu Phi từng vay của Trung Quốc hàng tỉ đô la mà không trả nổi đã phải đồng ý cho Bắc Kinh thiết lập căn cứ hải quân trên lãnh thổ của mình - căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài.

Ông Chellaney ví chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc như một nắm đấm thép bọc nhung. Những trường hợp kể trên, mà tiêu biểu là Sri Lanka, là lời cảnh báo về nguy cơ rơi vào bẫy nợ, về tầm quan trọng của việc xem xét chi phí thực sự trong làm ăn với Trung Quốc.


Hải cảng Sri Lanka nằm trong chiến lược Chuỗi ngọc trai trên biển của Trung Quốc

Hải cảng Sri Lanka nằm trong chiến lược "Chuỗi ngọc trai trên biển" của Trung Quốc

Financial Times hồi đầu năm 2016 đăng tải thông tin, Campuchia đang trở thành đồng minh cả trên phương diện ngoại giao lẫn quân sự của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Điều này thể hiện rõ nhất qua các dự án quân sự mà Trung Quốc đổ vào Campuchia.

Trong đó, đáng chú ý là cảng nước sâu do Tập đoàn ở Thiên Tân là Tianjin Union Development Group (UDG) Trung Quốc xây dựng tại tỉnh Koh Kong của Campuchia.

Dự án cải tạo cảng này này có tên là Dara Sakor, bao gồm kế hoạch xây một sân bay quốc tế, các bệnh viện, trường quốc tế, khách sạn và khu nghỉ dưỡng 5 sao, đã được lãnh đạo quân sự của hai nước thông qua vào năm 2008, với thời hạn sử dụng là 99 năm.

Chuyên gia về các vấn đề châu Á của Đại học Quốc gia Australia (ANU) là ông Geoff Wade nhận định, cảng mới tại Campuchia có thể giữ vai trò quan trọng trong âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Ông cho rằng, đây chỉ là một phần trong kế hoạch đầu tư xây dựng cảng của Trung Quốc tại các quốc gia như: Cảng Hambantota ở Sri Lanka, Gwadar ở Pakistan, Kyaukpyu ở Myanmar và Chittagong ở Bangladesh, cũng như các cảng khác ở Thailand và Indonesia.

Việc đầu tư xây dựng các hải cảng ở nước ngoài là một phần trong chiến lược xây dựng "Chuỗi ngọc trai trên biển" của Trung Quốc. Đây là kế hoạch xây dựng vành đai căn cứ quân sự chạy từ Trung Quốc qua Đông Nam Á, sang Ấn Độ Dương và tới tận bờ biển châu Phi.

Theo Phương Bảo

Báo Đất việt