1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia nói gì về năng lực tên lửa tầm xa Triều Tiên vừa phóng thử?

Minh Phương

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, tên lửa hành trình tầm xa mà Triều Tiên phóng thử cuối tuần qua có thể là vũ khí có khả năng mang hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng.

Chuyên gia nói gì về năng lực tên lửa tầm xa Triều Tiên vừa phóng thử? - 1

Triều Tiên phóng thử tên lửa hành trình tâm xa cuối tuần qua (Ảnh: KCNA/Reuters).

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đưa tin, nước này đã phóng thử thành công một loại tên lửa hành trình tầm xa mới vào ngày 11/9 và 12/9 sau 2 năm nghiên cứu.

KCNA mô tả đây là một loại "vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng", tên lửa này đã bay được quãng đường khoảng 1.500 km trước khi đánh trúng mục tiêu và rơi xuống vùng lãnh hải của nước này.

Phản ứng về thông tin trên, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nói: "Hoạt động này cho thấy Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình quân sự và những mối đe dọa gây ra cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế".

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cũng cho biết, Hàn Quốc đang phối hợp với các cơ quan tình báo Mỹ để phân tích kỹ lưỡng về đợt thử nghiệm tên lửa mới của Triều Tiên.

Chuyên gia nhận định

Một số chuyên gia đánh giá, đó có thể là tên lửa hành trình đầu tiên có năng lực hạt nhân của Triều Tiên.

"Đây sẽ là tên lửa hành trình đầu tiên của Triều Tiên được coi là có vai trò chiến lược. Đây là cách gọi thường để chỉ những vũ khí có năng lực hạt nhân", Ankit Panda, chuyên gia thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nhận định.

Hiện chưa rõ Bình Nhưỡng đã làm chủ được công nghệ chế tạo đầu đạn thu nhỏ có thể trang bị cho tên lửa hành trình hay chưa, song hồi đầu năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết, phát triển bom nhỏ hơn là mục tiêu hàng đầu của nước này.

Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình chống phổ biến hạt nhân Đông Á của Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, nhận định cho biết tên lửa hành trình tấn công đất liền tầm trung là một khả năng đáng chú ý của Triều Tiên. Theo ông, các tên lửa này được thiết kế để bay dưới hoặc vòng qua các radar phòng thủ tên lửa. "Các tên lửa hành trình có lợi thế đáng kể về tính chất bất ngờ, lọt qua hệ thống phòng thủ và mức độ chính xác", chuyên gia Lewis nói.

Vipin Narang, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts chuyên nghiên cứu về chiến lược hạt nhân, cho rằng việc Triều Tiên phát triển tên lửa hành trình tầm xa có thể là vấn đề đau đầu với Nhật Bản. "Các tên lửa này có thể bay dưới hoặc bay xung quanh mà hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa khó lòng đánh chặn", giáo sư Narang nói.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng, tên lửa vừa thử nghiệm của Triều Tiên có thể giống tên lửa Tomahawk của Mỹ hay Hyunmoo-3C của Hàn Quốc. Tuy tên lửa hành trình bay chậm hơn tên lửa đạn đạo nhưng chúng có thể bay ở tọa độ thấp và khó bị phát hiện.

Theo Hong Min, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Hàn Quốc, cho rằng Bình Nhưỡng có thể tiến tới triển khai tên lửa mới thử nghiệm trên tàu ngầm và khiến nó càng khó bị phát hiện hơn.