1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia nhận định hướng giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - TS. Lại Thái Bình, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, cho rằng việc các bên nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ giảm thiểu các mâu thuẫn trong tiến trình giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông.

Chuyên gia nhận định hướng giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông - 1

TS Lại Thái Bình (ngoài cùng bên phải, phía trên) dự hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 (Ảnh: NVCC).

Trao đổi với Dân trí bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 diễn ra tại Hà Nội từ 18-19/11, TS. Lại Thái Bình, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, cho rằng việc các quốc gia đạt được đồng thuận trong các vấn đề liên quan Biển Đông là rất quan trọng song đây cũng là điều không dễ dàng.

Thứ nhất, mặc dù các quốc gia trong khu vực đã rất nỗ lực giải quyết những bất đồng nhưng nhiều vấn đề liên quan Biển Đông vẫn còn tồn tại, điều này cho thấy việc tìm tiếng nói chung và đạt được các thỏa thuận là không hề dễ dàng. Mặc dù các bên đều công nhận vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), là cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông nhưng trên thực tế, các bên có cách hiểu, diễn giải và áp dụng khác biệt.

Thứ hai, lợi ích của các bên liên quan tới Biển Đông rất khác nhau, đặt ra thách thức lớn cho việc đi đến các thỏa thuận chung trong khu vực.

Thứ ba, cách tiếp cận giải quyết vấn đề của các bên có lợi ích ở Biển Đông cũng có nhiều khác biệt, vốn bị chi phối bởi nhiều nhân tố khác như các mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế, các vấn đề phức tạp trong khu vực, những khó khăn trong chính trị nội bộ của các nước. "Tóm lại, chúng ta phải giải quyết cùng lúc rất nhiều thứ và đó chính là thách thức lớn", ông nói.

Tôn trọng luật pháp quốc tế

Liên quan tới vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông, TS. Lại Thái Bình cho rằng đây là một chủ đề kinh điển.

Nếu nhìn nhận luật pháp quốc tế là cơ sở để điều chỉnh hành vi, là ý chí chung của các chủ thể tham gia quan hệ quốc tế thì nó sẽ mang tính khách quan, phản ánh ý chí chung, lợi ích chung của tất cả các nước. Do đó, nếu các bên nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp quốc tế thì mọi việc sẽ rõ ràng hơn rất nhiều, từ đó giảm thiểu các mâu thuẫn qua lại.

Tuy nhiên, đây là một quá trình còn gian nan bởi lẽ nhiều quốc gia diễn giải và áp dụng luật pháp quốc tế theo hướng phù hợp với lợi ích riêng. Điều này tạo ra những "điểm khó" trong quá trình tiến tới những thỏa thuận chung.

"Xét theo xu hướng lâu dài, các quốc gia sẽ đều hướng đến luật pháp quốc tế, và theo cách có hiệu quả hơn, thực chất hơn", ông Bình nhận định.

Theo ông Bình, để đảm bảo việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các bất đồng liên quan Biển Đông, cần tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu, thảo luận và thống nhất nhận thức chung về luật pháp quốc tế trước khi áp dụng vào thực tiễn. Luật pháp quốc tế phải luôn đóng vai trò cơ sở định hướng giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông, chứ không phải được diễn giải theo ý chí chủ quan của một hoặc một số chủ thể nhất định. Sự phát triển của luật pháp quốc tế theo thời gian cũng cần dựa trên sự thấu hiểu, nhận thức và thống nhất chung của cộng đồng quốc tế.

Cách tiếp cận của Việt Nam

TS. Bình cho biết, việc giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông luôn được Việt Nam quan tâm cao, không chỉ vì lợi ích của Việt Nam mà còn vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế. Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam rất chú trọng cách tiếp cận việc này từ nhiều góc độ.

Thứ nhất, liên quan luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn xem UNCLOS là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các vấn đề trên biển, để các bên tôn trọng và thực thi các nghĩa vụ theo quy định, để hợp tác tích cực và đóng góp thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, tự do và an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, trật tự ở Biển Đông.

Thứ hai, Việt Nam luôn coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN và luôn song hành cùng ASEAN trong các câu chuyện liên quan đến Biển Đông.

Thứ ba, bản thân Việt Nam khi xử lý các vấn đề cũng rất thận trọng, luôn đề cao chủ trương thúc đẩy lòng tin, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thúc đẩy việc tìm kiếm hợp tác mới trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ… trong đó có thể đề cập đến việc áp dụng các công nghệ giám sát để theo dõi hoạt động của tàu thuyền trên biển, đảm bảo cho các hoạt động trên biển trở nên minh bạch và rõ ràng hơn, qua đó góp phần thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các bên.

Nỗ lực đa phương

Đánh giá về nỗ lực đa phương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông, TS. Bình cho rằng bản thân đa phương là cơ chế quan trọng trong việc gắn kết các chủ thể quốc tế và hướng tới giải pháp chung. Giải pháp đa phương luôn khó vì nó đòi hỏi sự thống nhất của các chủ thể. Nhưng một khi đã làm được, tính hiệu quả của nó trong giải quyết các tranh chấp và điều chỉnh hành vi của các bên tham gia quan hệ quốc tế sẽ bền vững và lâu dài hơn.

Liên quan tới vai trò của các quốc gia bên ngoài khu vực trong việc giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông, ông Bình cho rằng không gian biển nói chung và Biển Đông nói riêng liên quan đến lợi ích của tất cả các quốc gia chứ không chỉ các quốc gia có biển hay các bên ven Biển Đông. Biển Đông không đơn giản chỉ là câu chuyện về chủ quyền lãnh thổ, về quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển mà còn gắn với nhiều lợi ích khác. Nếu tình hình Biển Đông gây mất ổn định tại khu vực, tất cả các bên đều không được lợi, kể cả các quốc gia trong và ngoài khu vực.

Theo ông Bình, nhiều quốc gia tiếp tục ý thức hơn về các lợi ích dù trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến Biển Đông đối với sự phát triển của họ và đây là lý do các quốc gia ngày càng quan tâm và tham gia trực tiếp hơn vào câu chuyện Biển Đông. Cho dù cách thức giải quyết của các bên có thể sẽ còn nhiều điểm khác biệt, có những điểm hiệu quả và cả những điểm chưa hiệu quả, nhưng nhìn chung việc tăng cường sự quan tâm đến Biển Đông tiếp tục là xu hướng dài hạn.

Trong phiên thảo luận chiều ngày 19/11, bà Anastasia Telesetsky, từ Đại học Bách khoa California (Mỹ), đề xuất các quốc gia ven Biển Đông có thể thực hiện viễn chinh chung để nghiên cứu khoa học dựa trên mô hình của Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS), và nên do bên thứ 3 điều phối để đảm bảo tính khách quan.

Ông Marcus Winsley, Phó đại sứ tại Anh tại Việt Nam, kêu gọi tất cả các bên tham gia giải quyết các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu, xử lý rác thải biển và môi trường biển.

Tiến sĩ Allen Chen, từ Học viện Sinica, Đài Loan cho rằng việc tăng cường hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực khoa học biển sẽ là nhiệm vụ quan trọng nếu muốn gìn giữ bền vững sinh học tại Biển Đông.