1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia Nga phân tích thẳng mâu thuẫn Mỹ - Trung

Xin giới thiệu với bạn đọc bài báo của Gevor Mirzaian về những động thái trong mối quan hệ tay ba Nga -Mỹ - Trung thời gian gần đây.

LTS: Xin giới thiệu với bạn đọc bài báo của Gevor Mirzaian, phóng viên đặc biệt Tạp chí “Expert” (Nga), Phó giáo sư chính trị học Trường Đại học tài chính trực thuộc chính phủ Liên Bang Nga về những động thái trong mối quan hệ tay ba Nga -Mỹ - Trung thời gian gần đây đăng trên “Bình luận quân sự“ (Nga) ngày 7/7/2017.

Ngày 3/7/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm Matxcova. Rõ ràng là hai bên phải tiến hành các cuộc đàm phán không hề dễ dàng về sự tham gia của Nga trong tương lai vào dự án Trung Quốc “Một vành đai – một con đường” và về mức độ đầu tư của nước này (Trung Quốc) vào nền kinh tế Nga.

Cách đây không lâu, trong các cuộc đàm phán tương tự phía Trung Quốc luôn sở hữu những con bài tủ rất mạnh.

Mối quan hệ của Liên Bang Nga với Phương Tây bị đầu độc, Chiến lược “xoay trục sang hướng Đông” (của Nga) trên thực tế đã trở thành “công cuộc xoay trục thuần túy sang phía Trung Quốc” và người Trung Quốc đã lợi dụng tối đa chính sách (những điểm yếu) này của Nga (và họ làm điều đó là hoàn toàn có lý) để ép Nga phải chấp nhận những điều kiện hợp tác (bất lợi cho Nga) của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh lần này sẽ không diễn ra trong bối cảnh như vậy – có lẽ dây gần như đây là lần đầu tiên trong suốt thời gian diễn ra cuộc xung đột Nga – Phương Tây, vị thế của Trung Quốc có vẻ yếu hơn so với vị thế của Nga (trong các cuộc đàm phán song phương).

Phía Matxcova phải rất cảm ơn D.Trump vì một cục diện như vậy.

Chuyên gia Nga phân tích thẳng mâu thuẫn Mỹ - Trung - 1

Ngoại giao không hiệu quả

Sau chuyến thăm Mỹ tương đối thành công của Tập Cận Bình vào tháng 4/2017, sau khi ông Tập vẫn nhún nhường ăn hết chiếc bánh gato socola trong khi D. Trump ra tuyên bố về việc tiến hành đòn tấn công đường không vào Syria thì nhiều chuyên gia đã đã thở phào nhẹ nhõm và gác những tuyên bố về “cuộc xung đột Mỹ- Trung” sang một bên.

Ngay chính bản thân D.Trump cũng đột ngột hạ giọng trong các tuyên bố của mình liên quan đến mối quan hệ với Trung Quốc và những phát biểu gay gắt (của ông) kiểu như: “chúng ta sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp tục cưỡng ép nền kinh tế của chúng ta” có vẻ như đã trở thành tài sản của quá khứ.

Còn Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tin tưởng rằng các bên cần phải xây dựng một: “mối quan hệ mới giữa các siêu cường” trên cơ sở tôn trọng những quyền lợi chính đáng của nhau.

Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy là D.Trump có cách nhìn hơi khác về mối quan hệ này (Mỹ- Trung).

Tổng thống Mỹ đổi giọng từ cứng rắn sang mềm mại với Bắc Kinh hoàn toàn chỉ để hợp tác với Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề nổi cộm của chính nước Mỹ.

Trong các vấn đề đó có vấn đề thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc, chương trình hạt nhân – tên lửa của Bắc Triều Tiên. Đối với D. Trump thì cả hai vấn đê này có liên quan chặt chẽ với nhau, ông nói:

“Tôi đã giải thích cho Chủ tịch Trung Quốc hiểu rằng quan hệ thương mại với Mỹ sẽ đem lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích hơn nhiều nếu như họ (Trung Quốc) có thể giải quyết được vấn đề Bắc Triều Tiên”.

Nhưng đã không có một sự hợp tác nào như cả hai bên mong muốn (ít nhất là trên lời nói). Vì những nguyên nhân rất dễ hiểu, Bắc Kinh đã từ chối chấp nhận những đòi hỏi của phía Mỹ (trong các vấn đề thương mại), còn đối với việc giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, những khả năng của Trung Quốc có lẽ đã được đánh giá quá cao so với thực tế.

Bản thân giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng rất muốn giải quyết toàn bộ chương trình hạt nhân – tên lửa Bắc Triều Tiên chỉ bằng một cú điện thoại (bởi vì sau khi vấn đề Bắc Triều Tiên được giải quyết) lúc đó Mỹ sẽ không còn bất kỳ lý do gì để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường ở Nam Triều Tiên (THAAD) và sự tồn tại của các căn cứ quân sự Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản sẽ trở nên vô nghĩa).

Tuy nhiên Bắc Kinh đã không thể làm điều này, đơn giản bởi vì Kim Jong-un đã bác bỏ mọi yêu sách của Bắc Kinh.

Gây sức ép trực tiếp (lên giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên) trong trường hợp này cũng không đem lại một hiệu quả tích cực nào, bởi vì kết quả chỉ có thể hoặc là Bắc Triều Tiên sẽ trở nên cực đoan hơn, hoặc là chế độ hiện hành ở nước này sẽ sụp đổ - cả hai phương án trên đều hết sức bất lợi cho Trung Quốc.

Chính vì vậy mà giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đang gây sức ép (lên chế độ Kim Jong un) một cách hết sức thận trọng, không công khai. Dĩ nhiên, D.Trump không hài lòng trước một nhịp độ chậm chạp như vậy.

“Chúng tôi muốn Trung Quốc có một sự trợ giúp lớn hơn nữa trong (việc giải quyết) vấn đề Bắc Triều Tiên, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết đó”, Tổng thống Mỹ D.Trump đánh giá.

Có thể nói trên thực tế, chính quyền Mỹ đã đổ hết tội cho Trung Quốc vì tất cả những gì Bắc Triều Tiên đã và đang làm.

“Trung Quốc có trách nhiệm gây sức ép kinh tế và ngoại giao mạnh hơn nữa lên chế độ (Bắc Triều Tiên), nếu như họ (Trung Quốc) muốn tránh một sự leo thang căng thẳng trong khu vực“, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tellerson cũng đưa ra chính kiến trên trong một phát biểu mới đây.

Ra đòn

Kết quả là đến cuối tháng 6/2017, Nhà Trắng cho tái khởi động cỗ máy “bài Trung”. Tờ Daily Beast nhận xét rằng Tổng thống Trump chỉ cần 4 ngày để “gột sạch” chính sách mà Mỹ áp dụng trong mối quan hệ với Trung Quốc trong suốt hai, thậm chí là cả trong bốn thập kỷ vừa qua.

Ngày thứ nhất (bước đi đầu tiên) - là cuộc gặp ngày 26/6 giữa TT D.Trump và Narendra Mody (Thủ tướng Ấn Độ), sau cuộc gặp này Tổng thống Mỹ tuyên bố là: “mối quan hệ Mỹ- Ấn chưa bao giờ ở trong một trạng thái tuyệt vời như hiện nay”.

Và hai bên đã có động thái củng cố mối quan hệ “tuyệt vời” đó bằng một thỏa thuận Mỹ bán cho Ấn Độ 22 máy bay không người lái trinh sát trị giá 2 tỷ đôla để Delhy có thể giám sát mọi hành động của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương (thực ra, giới lãnh đạo Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về việc cung cấp lô hàng này từ mùa hè năm ngoái - 2016).

Ngoài ra, Mỹ cũng tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung trên biển với các “nước bạn bè” truyền thống của Trung Quốc - Ấn Độ và Nhật Bản.

Sau đó, ngày thứ ba, 27/6, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố danh sách các nước có tệ nạn buôn bán người phát triển nhất và Trung Quôc được xếp đứng hàng thứ ba trong “giỏ” những nước có “thành tích tệ nhất” từ dưới lên trên.

Đến mức người phát ngôn Bộ ngoại giao nước này Lục Khảng không thể không lên tiếng: “Trung Quốc kiên quyết bác bỏ những tuyên bố vô trách nhiêm của Mỹ liên quan đến cuộc chiến chống tệ nạn buôn bán người – với những cáo buộc được xây dựng bằng những số liệu thu thập trên cơ sở những đặc thù của luật pháp Mỹ”.

Ngày thứ tư, 28/6/2017, Mỹ chuẩn bị lực lượng và đến thứ 5 ngày 30/6 đã tiến hành cùng một lúc 2 đòn tấn công (vào Trung Quốc).

Đòn thứ nhất, Bộ Tài chính Mỹ áp dụng các biện pháp cấm vận chống các công ty Trung Quốc hợp tác với Bắc Triều Tiên và như vậy, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, đó là một thông điệp rất rõ ràng gửi tới Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ tiếp tục trừng phạt Trung Quốc vì nước này hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng.

(xin nhắc lại, Trung Quốc không thể chấm dứt hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên, bởi vì, nếu như vậy, sẽ là sự chấm hết của chế độ Bắc Triều Tiên và sau đó một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi trên bán đảo).

Và cuối cùng, cũng ngay trong ngày hôm đó, (30/6) Nhà Trắng đã ra tuyên bố về ý định cung cấp gói vũ khí cho Đài Loan trị giá 1,42 tỷ đô la nhằm “duy trì khả năng phòng thủ“ của Đài Loan.

Đấy là hợp đồng cung cấp vũ khí đầu tiên cho Đài Loan dưới thời Chính quyền D. Trump, và điểm đặc biệt gây chú ý của thỏa thuận cung cấp vũ khí lần này là nhà nữ lãnh đạo Thái Anh Văn của Đài Loan vốn là người ủng hộ độc lập cho hòn đảo này và có cách nhìn hết sức tiêu cực đối với bất kỳ dự án xích lại gần nhau nào với Trung Hoa lục địa (trừ các dự án kinh tế).

Kết quả là Quốc hội Mỹ hài lòng, Đài Loan hài lòng, còn Trung Quốc thì cáu giận. Và (có vẻ như) để cho Trung Quốc thêm điên tiết, Thượng viện Mỹ ủng hộ dự luật về việc các tàu Mỹ có thể ghé thăm các cảng của Đài Loan (các chuyến cập cảng Đài Loan của tàu Mỹ) đã chấm dứt từ năm 1979, từ khi Mỹ chấp nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”. Vì những nguyên nhân cũng rất dễ hiểu, rất khó có khả năng D.Trump sẽ không phê chuẩn dự luật này.

Và cuối cùng – chỉ một ngày đêm trước chuyến thăm Nga của nhà Lãnh đạo Trung Quốc – tàu khu trục mang tên lửa của Mỹ đã đi qua sát một trong những hòn đảo đang có tranh chấp trên Biển Đông.

Mỹ gọi động thái là “chiến dịch thiết lập tự do hàng hải” và chiến dịch này đã là chiến dịch thứ hai kể từ khi D. Trump lên nắm quyền tại Nhà Trắng (chiến dịch đầu tiên diễn ra vào tháng 5/2017, khi đó tàu Mỹ đã đi qua sát một hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc chiếm giữ trái phép trên Biển Đông).

Và như vậy, đối với D. Trump, các quyền lợi của nước Mỹ được coi trọng hơn rất nhiều so với “mối tình hữu nghị” với Trung Quốc. Cách tiếp cận như vậy (của Mỹ) có phù hợp với lợi ích của Nga hay không?

Dĩ nhiên là có, bởi vì mức độ căng thẳng trong xung đột Mỹ- Trung càng cao (dĩ nhiên, chỉ đến một mức độ hợp lý nào đó), thì Matxcova càng dễ dàng hơn khi đàm phán với cả Trung Quốc lẫn Mỹ, vì các nước này buộc phải tính tới lợi ích của Nga để không đẩy Nga vào vòng tay của đối phương.

Điều quan trọng nhất (đối với Nga) – phải giữ được sự cân bằng và không được đứng về phía nào trong cuộc xung đột này, cũng như tuyệt đối tránh đưa ra các tuyên bố chính trị hấp tấp (kiểu như tuyên bố của Ngoại trưởng X. Lavrov rằng Matxcova ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh liên quan đến.....).

Nếu chúng ta chọn Trung Quốc, chúng ta tự đặt mình vào thế phải xung đột với toàn bộ thế giới Phương Tây và trở thành đàn em của Trung Quốc.

Còn nếu chúng ta chọn Mỹ, sẽ phải đối đầu với cường quốc Phương Đông lớn nhất và không có gì đảm bảo là người Mỹ vào một lúc nào đó sẽ không bán đứng chúng ta (Washington thường hay xử sự như vậy).

Việc cần làm đơn giản là phải tận dụng tình huống và làm đối tác của tất cả các nước.

Theo Lê Hùng - Nguyễn Hoàng

Báo Đất việt