1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Nga nói về quan hệ Việt-Mỹ

Ngày 26/5/2015, Tờ “Lenta.ru”, một trong những tờ báo có số lượng người đọc đông nhất ở Nga đã cho đăng bài với tiêu đề: “Những người Mỹ trầm lặng”.

Bài viết của chuyên gia Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế Anton Tsvetov (ông chắc đã đọc cuốn tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” của nhà văn Anh Graham Greene hoặc xem bộ phim cùng tên).

Lời đề dẫn cho bài viết của A.Tsetov là (nguyên văn): “Không thể khuất phục được Việt Nam bằng bom và napal, Mỹ quay trở lại Việt Nam với các dự án đầu tư và hỗ trợ quân sự”. (Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế được thành lập 2011 theo Sắc lệnh của Tổng thống Nga D.Medvedev chuyên nghiên cứu các vấn đề chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế -ND).

Xin lược dịch lại (cả ảnh của bài) để bạn đọc tham khảo thêm một cách nhìn của “người ngoài cuộc”. Người dịch đôi lúc mở ngoặc để làm rõ thêm ý của tác giả.

(Ảnh minh họa:
(Ảnh minh họa: Jack Kurtz / Zuma / Global Look

Năm 2015 này là năm kỷ niệm 40 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội đã có những thay đổi chóng mặt. Các cựu đối thù đã từng không từ một loại vũ khí nào (để tấn công nhau) trên chiến trường, giờ lại coi nhau là đồng minh.

Dĩ nhiên, sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc, một quốc gia mà cả Việt Nam lẫn Mỹ đều quan ngại đã “góp phần đáng kể” vào sự cải thiện mối quan hệ này. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố khác giúp quan hệ Việt Nam- Mỹ có được quy chế “quan hệ đối tác toàn diện” như hiện nay.

Ngày 26/10/1967, tên lửa phòng không Việt Nam đã bắn hạ chiếc máy bay ném bom Mỹ do thiếu tá phi công Hải quân J.McCain điều khiển. Khi nhảy dù ông này bị gãy cả hai tay và không thể đưa tay lên trên đầu được. Trong năm năm rưỡi sau đó ông là tù binh của Việt Nam, tóc bạc đi, hai lần định tự sát và đã ký nhiều tuyên bố chống chính quyền Mỹ.

20 năm sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam (1995) J.McCain cùng với một cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam khác là J.Kerry đã trở thành một trong những cha đẻ (nguyên văn -ND) của tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Hà Nội.

Lại sau 20 năm nữa, ngày 19/5/2015, tại một cuộc họp của Thượng viện cũng chính ông (J.McCain) đã phát biểu mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của những người nuôi cá da trơn Việt Nam, cương quyết phản đối những hoạt động lobby của (những nhà sản xuất cá da trơn) Miền Nam nước Mỹ.

Thật khó có thể hình dung là trong 40 năm đó Việt Nam và Mỹ, từ những đối thù đã từng không từ một phương tiện nào để hạ nhau cả trên chiến trường và cả trong các bức tường nhà tù đã biến thành một “cặp đôi” có lẽ là thú vị nhất ở Tây Thái Bình Dương.

Khi Liên Xô suy yếu và tan rã, và cùng với Liên Xô là cả Khối Đông Âu, Việt Nam đã nhận thức rằng nếu đứng đơn độc thì đất nước khó mà có thể tồn tại được.

Năm 1990, quan hệ ngoại giao với Trung Quốc được tái lập kể từ sau cuộc chiến biên giới (giữa hai nước) năm 1979, và vào năm 1995 đến lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Trong tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao này (Mỹ-Việt), các cuộc tiếp xúc các qua kênh khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh giữ một vai trò quan trọng: tìm kiếm hài cốt quân nhân thiệt mạng, thu thập và trao đổi thông tin về tù binh và những người mất tích trong chiến tranh.

Dù có điểm xuất phát thấp vào giữa những năm 90, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng và năng động, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Tiến trình xích lại gần nhau ổn định giữa Washington và Hà Nội không thể nào đúng lúc hơn được nữa, đặc biệt là đối với Hà Nội - tốc độ phát triển (kinh tế) nhanh và định hướng xuất khẩu của Việt Nam đòi hỏi phải tiếp cận được thị trường tiêu thụ, cần sự hỗ trợ phát triển và giúp đẩy nhanh tiến trình hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Nhưng những sự thay đổi về chất (trong mối quan hệ Việt- Mỹ) thì mới diễn ra trong 5 năm gần đây. Do quan ngại sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc, từ đầu những năm 2010 Mỹ bắt đầu điều chỉnh sự mất cân bằng trong chính sách đối ngoại, ngày càng quan tâm hơn đến khu vực Đông Nam Á.

Trong những điều kiện ngân sách hạn chế thì vai trò gần như quan trọng nhất trong tiến trình thực hiện chính sách này thuộc về các đối tác truyền thống và các đối tác mới của Mỹ. Hỗ trợ các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc cho phép (Mỹ) đỡ chọc tức Trung Quốc hơn là sự hiện diện quân sự trực tiếp, hơn nữa lại tiết kiệm được lực lượng và tiền bạc.

Không những thế, người bạn mới Việt Nam (của Mỹ) nếu so với hai người bạn cũ – Thái Lan và Philippin – thì hấp dẫn hơn nhiều.

Tại Philippin tình hình chính trị ổn định hơn, tuy nhiên do vị trí địa lý là một quốc đảo, năng lực phòng thủ thấp và Quân đội gần như không có một kinh nghiệm tác chiến nào nên ý nghĩa chiến lược của nước này đã giảm đi đáng kể. Cũng không nên quên một điều rất quan trọng là cả Manila và Băng Cốc hiện đang phải đau đầu và có vẻ như không đủ sức để giải quyết vấn đề chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ngay chính trên lãnh thổ của mình.

Trên một nền tương phản như vậy thì những ưu thế của Việt Nam tạo ra một ấn tượng mạnh. Một Quân đội nhiều kinh nghiệm chiến đấu (người Mỹ hiểu quá rõ điều này), được kiểm soát tốt. Vị trí địa lý trên lục địa sát ngay các khu vực phát triển nhất của Trung Quốc.

Bờ biển dài với các cảng nước sâu quay mặt ra biển, nơi có một nửa lượng hàng hóa thế giới đi qua. Tình hình chính trị và xã hội ổn định. Triển vọng phát triển kinh tế sáng sủa.

Dĩ nhiên Việt Nam đã bước vào một giai đoạn phát triển mà những thành tựu của tốc độ tăng trưởng nhanh cần phải được củng cố bằng những bước tiến về chất trong mô hình phát triển kinh tế để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Hơn nữa, cần phải đảm bảo sự gia tăng hài hòa (giữa phát triển kinh tế) với ảnh hưởng chính trị (của Việt Nam) tại khu vực và tự bảo vệ mình trước những yêu sách (chủ quyền) của người láng giềng lớn Phương Bắc.

Trong một hoàn cảnh như vậy, củng cố mối quan hệ với Mỹ rất có lợi cho Việt Nam và đặc biệt đáng quan tâm là sự xích lại gần nhau về quân sự - chính trị Mỹ-Việt. Cùng với Philippin thì Việt Nam là bên tham gia tích cực nhất trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại biển Đông.

Trong những năm gần đây Bắc Kinh, vốn tự coi vùng biển này là khu vực “lợi ích cốt lõi” của mình đã bắt đầu chứng minh quyền chủ quyền (đối với vùng biển này) không chỉ bằng các cử chỉ điệu bộ mà còn bằng cả các hành động khiêu khích đầy tai tiếng .

Lấy ví dụ như cấm đánh bắt cá, giao quyền cho Cảnh sát biển Trung Quốc phạt và bắt giữ các tàu đánh cá của bất kỳ quốc gia nào. Hoặc là đưa giàn khoan cùng một đội ngũ hùng hậu các tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong năm nay, dư luận (quốc tế) đặc biệt chú ý tới một phương pháp rất “mềm mại” (nguyên văn) đặc sắc Trung Quốc nhằm khẳng định ảnh hưởng của nước này trên Biển Đông: xây và bồi đắp các công trình nhân tạo trên các bãi đá ngầm và các đảo.

Các chuyên gia cho rằng, sau khi đã xây dựng xong các cơ sở hạ tầng cần thiết Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập khu vực nhận diện phòng không ( ADIZ) trên các cơ sở này như đã từng làm tại Biển Hoa Đông.

(Ảnh minh họa:
Đại diện Hải quân Mỹ đang nghiên cứu những số liệu liên quan đến việc Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa. (Ảnh: U.S. Navy) 

Trên thực tế không ai có thể nói chính xác Biển Đông có nhiều tài nguyên thiên nhiên đến mức nào, - luận chứng này ngày càng trở thành thứ yếu. Nhưng nếu nói về ý nghĩa dịch vụ hậu cần của vùng biển này thì ít ai có thể nghi ngờ. Chỉ có kẻ lười mới không chịu nhận thấy là có tới một nửa lượng hàng hóa thương mại quốc tế và 2/3 lượng nguồn năng lượng đi qua các tuyến hàng hải trên vùng biển này.

Chắc gì trong trường hợp nếu như có được “một chiến thắng giả định”, Trung Quốc lại đóng cửa vùng biển này ,- vì nói cho cùng, chính Bắc Kinh cần phần lớn nguồn cung cấp đi qua Biển Đông. Người Mỹ quan tâm đến cái khác.

Washington giải thích nguyên tắc tự do hàng hải là: bất cứ một tàu nào, kể cả tàu quân sự đều có quyền đi qua khu vực đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác. Bắc Kinh, do chưa có một hạm đội "đại đương” phát triển đúng nghĩa, cho nên, nói một cách nhẹ nhàng là không thích “chủ nghĩa yêu tự do” kiểu Mỹ này lắm.

Khả năng Mỹ có thể tiếp cận Biển Đông – đó là vấn đề mang tính nguyên tắc trong hệ thống kiềm chế Trung Quốc (của Mỹ) – nếu như đối với vùng Biển này Trung Quốc tự cho mình cái quyền coi là sân sau, thì đối với Việt Nam – đó là cánh cổng.

Sự tham gia tích cực của Washington trong vấn đề Biển Đông bắt đầu từ năm 2010, khi H.Clinton (Ngoại trưởng Mỹ lúc đó) tuyên bố là tự do hàng hải, cũng như sự ổn định và an ninh trong khu vực là lợi ích quốc gia của Mỹ. Thực ra, cần phải nói thêm một chút: Mỹ không ủng hộ một cách rõ ràng bất cứ bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Sự quan tâm có đi có lại của Mỹ và Việt Nam đã thúc đẩy tiến trình xích lại gần nhau giữa hai nước. Năm 2013, mối quan hệ này đã chính thức có được quy chế “đối tác toàn diện”. Có thể hiểu định nghĩa trên là không có bất cứ một lĩnh vực nào mà hai bên không thể phối hợp hành động.

Năm 2014, lại có một bước đột phá trong quan hệ hai nước trong những lĩnh vực mang tầm chiến lược: Mỹ bỏ một phần lệnh cấm bán một số loại vũ khí cho Việt Nam và Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết cho phép một số công ty Mỹ được bán cho Việt Nam các trang thiết bị dùng cho các nhà máy điện hạt nhân.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn khăng khăng đề nghị Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam, - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố là mối quan hệ giữa hai nước không thể gọi là bình thường nếu như lệnh cấm vận vẫn còn hiệu lực.

Theo Lê Hùng/Đất Việt