1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyên gia Nga: Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là phi lý

Chuyên gia Mosyakov cho rằng, hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông là không đúng với chuẩn mực, luật pháp quốc tế.

Ngày 21/3, tại Moscow, LB Nga, ba đơn vị có uy tín về luật là Học viện tư pháp trực thuộc Tòa án tối cao LB Nga, Khoa Luật Hiến pháp và Luật Quốc tế của trường Tổng hợp Tài chính trực thuộc chính phủ LB Nga và Ban Luật học của Viện thông tin khoa học xã hội thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga tổ chức cuộc hội thảo mang tên “Tranh chấp lãnh thổ và luật hòa bình trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay”.

Nhiều ý kiến, nhiều tham luận tại hội thảo lên án hành động của Trung Quốc thời gian gần đây trong việc cải tạo, xây dựng phi pháp các đảo trong vùng Biển Đông và nhiều việc làm phi lý khác. Bên lề Hội thảo, phóng viên Đài TNVN thường trú tại LB Nga phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Dmitri Mosyakov, phó Giám đốc Viện nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga xung quanh những nội dung này.

Giáo sư, Tiến sĩ Dmitri Mosyakov, phó Giám đốc Viện nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Giáo sư, Tiến sĩ Dmitri Mosyakov, phó Giám đốc Viện nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga phát biểu ý kiến tại hội thảo.

PV: Thưa ông, là người có khá nhiều công trình nghiên cứu về khu vực, đặc biệt là các vấn đề đang nổi lên gần đây. Trước những hành động của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông, ông có ý kiến gì?

Giáo sư Dmitri Mosyakov: Quân sự hóa Biển Đông làm gia tăng mối đe dọa chiến tranh xung đột, đó là một triển vọng xấu cho tất cả các nước trong khu vực. Thật đáng tiếc điều này hiện nay chứng minh rằng tình hình tại Biển Đông tiến triển tiêu cực. Có nghĩa là thay bằng việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử mới, xây dựng những quy tắc mới của con đường hợp tác hoặc thỏa hiệp trên tinh thần những thỏa thuận đạt được thì Trung Quốc trên thực tế đã chọn chính sách xây dựng những tàu sân bay không chìm, chính sách thiết lập những căn cứ quân sự mà dựa vào đó họ có thể kiểm soát được đường ranh giới mà họ tự vạch ra trên Biển Đông. Trong đó có việc đưa ra cái gọi là đường chữ U (đường lưỡi bò) chiếm tới hơn 2 triệu km2 trên biển, chiếm tới 80% Biển Đông.

Việc làm đó dẫn tới những tiến triển tiêu cực tình hình trên Biển Đông và thật đáng buồn, nó sẽ đẩy chúng ta đến gần tới xung đột nóng hơn là tìm kiếm biện pháp giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, mà theo tôi (và không chỉ quan điểm của tôi mà của cả cộng đồng thế giới), Công ước này cần phải là nền tảng để giải quyết xung đột trên Biển Đông.

PV: Vậy thưa ông, những hành động ấy gây nên những tác động thế nào đến tình hình an ninh chung?

Giáo sư Dmitri Mosyakov: Trong mọi trường hợp khi xung đột lên đến đỉnh điểm như xung đột tại Biển Đông thì thỏa thuận giữa các bên sẽ trở nên rất quan trọng, ví dụ như thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt được năm 2011 là các bên không được có hành động làm thay đổi nguyên trạng. Đây là một quyết định rất quan trọng, ít nhất đó là một cố gắng đầu tiên theo hướng hòa bình, đóng băng xung đột, để các nhà ngoại giao, luật gia có cơ hội tìm ra giải pháp.

Còn nếu một bên đơn phương tiến hành tạo nên những lãnh thổ mới trên biển, trong đó xuất hiện đe dọa chính, đó là từ những vùng đá hoặc là những đảo không đáng kể, khi thủy triều lên thì biến mất… bỗng nhiên biến thành những đảo lớn. Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu cộng đồng thế giới, các nước láng giềng phải công nhận vị thế của những đảo đá này, hoặc những vùng lãnh thổ trước kia còn không từng có biểu hiện là một đảo, không từng là đảo thuộc Trung Quốc. Rồi từ cơ sở đó, Trung Quốc đòi công nhận vùng đặc quyền 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý...

Ở đây xuất hiện một nguyên nhân xung đột mới, thậm chí đó không phải là xung đột về chủ quyền đảo mà một xung đột cụ thể gắn với vùng lãnh hải nhất định. Trung Quốc tuyên bố không được vào vùng lãnh hải này, vì Trung Quốc có chủ quyền - điều mà các quốc gia khác không thể chấp nhận. Vì thế ở đây luật quốc tế cần được áp dụng.

Chính hành động của Trung Quốc đang tạo nên những mâu thuẫn mới. Mâu thuẫn nằm ở chỗ là Mỹ và các nước khác vẫn đi vào vùng lãnh hải này vì họ không công nhận đó là của Trung Quốc, mà chẳng qua là Trung Quốc cố tình biến thành đảo. Bởi thế xung đột đã mang tính chất mới, mối đe dọa mới hiện thực hơn. Tình hình hiện nay diễn biến xấu hơn nhiều so với trước và đang ngày càng phức tạp.

PV: Vậy ông có thể nói gì về hành động này của Trung Quốc?

Giáo sư Dmitri Mosyakov: Tôi xin nhắc lại, hành động của Trung Quốc là những mắt xích nằm cùng trong một chuỗi các hành động khác và Trung Quốc đã hành động một cách đơn phương. Nhưng thực tiễn thế giới, nhất là hiện nay không cho phép điều này diễn ra. Tất cả đều phải có thỏa hiệp, tham vấn, công nhận lẫn nhau. Nên việc Trung Quốc tuyên bố về vùng 12 hải lý, 200 hải lý và các tàu thuyền, máy bay không được qua vùng trời, vùng biển này là rất phi lý và không đúng với chuẩn mực luật pháp quốc tế.

PV: Thưa ông, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử, tài liệu chi tiết cũng như cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước những hành động hiện nay của Trung Quốc thì Việt Nam cần phải làm gì?

Giáo sư Dmitri Mosyakov: Việt Nam cần tiến hành đường lối đối ngoại đa phương, giữ vững quan điểm lập trường, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hiệu quả... Bạn có hiểu là trên thế giới có rất nhiều ví dụ tưởng chừng không thể tìm ra được giải pháp, nhưng sau một thời gian sẽ xuất hiện và xung đột sẽ lại dần dần được giải quyết. Cho nên theo tôi Việt Nam một mặt phải giữ vững lập trường mang tính nguyên tắc: chúng tôi có đầy đủ quyền đối với các đảo này, mặt khác cần tranh thủ sự ủng hộ quốc tế và vẫn luôn sẵn sàng mời bên xung đột ngồi vào bàn đàm phán và cố gắng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Phải cố gắng đi đến cùng để giải quyết bằng biện pháp hòa bình bởi vì đối đầu quân sự vô cùng nguy hiểm. Giải pháp hòa bình đó là tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trên cơ sở luật pháp quốc tế và lập trường chính nghĩa. Đó là con đường cơ bản. Đồng thời giữ vững đường lối đối ngoại đa phương và tự chủ, Việt Nam tự chọn cho mình bạn bè, bạn hàng.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã khẳng định được uy tín của mình trên trường quốc tế, nhận được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực ở tất cả các hướng đông, tây, nam, bắc... Tôi tin sẽ dần giải quyết mọi vấn đề.

Xin cảm ơn ông!

Theo Điệp Anh/VOV-Moscow