1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chủ đề Biển Đông hâm nóng hội thảo khoa học tại Nga

Chủ đề Biển Đông thu hút sự quan tâm của nhiều người thông qua cuộc hội thảo Khoa học tại Nga.

Ngày 21/3, tại Moscow, Liên bang Nga, ba đơn vị có uy tín về luật là Học viện tư pháp trực thuộc Tòa án tối cao Liêng bang Nga, Khoa Luật Hiến pháp và Luật Quốc tế của trường Tổng hợp Tài chính trực thuộc chính phủ Liên bang Nga và Ban Luật học của Viện thông tin khoa học xã hội thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga tổ chức cuộc hội thảo về “Tranh chấp lãnh thổ và luật hòa bình trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay”.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Lấy chủ đề từ những vấn đề liên quan đến các vùng biển đang xảy ra tranh chấp như Biển Đông, biển Caspi, vùng Bắc Cực… cuộc hội thảo thu hút hàng chục nhà khoa học có tiếng, trong đó có nhiều nhà Việt Nam học, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực pháp lý thuộc các viện, trung tâm nghiên cứu lớn của Nga. Đó là các viện sỹ, luật gia công huân LB Nga, nhà hoạt động khoa học công huân, thẩm phán Liên bang, và rất nhiều Giáo sư, tiến sỹ luật học, sử học, các nhà nghiên cứu quốc tế, các chuyên gia hàng đầu về luật quốc tế và nghiên cứu quốc tế đến từ Học viện tư pháp - Tòa án tối cao, Học viện quan hệ quốc tế …

Nhiều đại biểu, đại diện chính quyền LB Nga, thành phố Moscow, các tỉnh, thành của Nga và các ngành hữu quan của Nga đã tham gia. Sinh viên Học viện Tư pháp cũng rất quan tâm đến nội dung hội thảo, đã tới dự khá đông.

Đích thân Hiệu trưởng Học viện tư pháp LB Nga, ông Valentin Ershov, đã phát biểu khai mạc Hội thảo. Phó Hiệu trưởng Victor Koriev cũng tham gia và điều hành phiên Hội thảo về vấn đề biển Đông.

Hiệu trưởng Học viện tư pháp LB Nga, ông Valentin Ershov, phát biểu khai mạc Hội thảo
Hiệu trưởng Học viện tư pháp LB Nga, ông Valentin Ershov, phát biểu khai mạc Hội thảo

Các chuyên gia của Nga và một số khách mời quốc tế đã dành nhiều bản tham luận để thuyết trình về vấn đề Biển Đông cùng những tranh chấp trong khu vực, đe dọa an ninh, hòa bình thế giới. Các tham luận đều tập trung nêu những diễn biến mới nhất liên quan tới các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông, từ việc tuyên bố cái gọi là “đường lưỡi bò”, rồi tiến hành xây dựng đảo nhân tạo, tổ chức bay thử nghiệm, lắp đặt hệ thống rađa, tên lửa đất đối không trên một số đảo tranh chấp… Các học giả cũng bày tỏ lo ngại, đưa ra một số nhận định về những hành động có thể có tiếp theo của Trung Quốc trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông và khuyến nghị biện pháp giải quyết vấn đề này.

Tiến sỹ Irina Umnova, Trưởng ban nghiên cứu Hiến pháp và Pháp luật thuộc Học viện Tư pháp Liên bang Nga với tham luận “Những nguyên tắc của luật pháp được công nhận: Lý thuyết và thực tiễn áp dụng để tháo gỡ những tranh chấp lãnh thổ trong điều kiện toàn cầu hóa”, đã nhấn mạnh, tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tiến sỹ Umnova với tham luận nêu giải pháp xử lý tranh chấp là phải tôn trọng luật pháp quốc tế
Tiến sỹ Umnova với tham luận nêu giải pháp xử lý tranh chấp là phải tôn trọng luật pháp quốc tế

Tiến sĩ Grigori Lokshin, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã bắt đầu tham luận của mình bằng việc giới thiệu một video clip về những hành động của Trung Quốc trong việc bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo, tiến hành nhiều hành động ngang nhiên vi phạm luật pháp ở Biển Đông và cả những biện pháp thô bạo chống lại ngư dân Việt Nam. Tiến sỹ Lokshin nói: “Tôi cho rằng, Trung Quốc sử dụng những biện pháp thô bạo chống lại ngư dân Việt Nam, cũng như việc một loạt lãnh đạo Trung Quốc, nhất là giới quân sự đã có những tuyên bố thù địch đăng tải trên các phương tiện truyền thông… đang đe dọa hòa bình, ổn định. Đảng Cộng sản Việt Nam đã sáng suốt và có trách nhiệm khi đưa ra tất cả các biện pháp có thể để giải quyết tình hình tại Biển Đông một cách hòa bình, thông qua các biện pháp ngoại giao.”

Tiến sĩ Marina Trigubenko, chuyên viên cao cấp thuộc Trung tâm Chiến lược Nga tại châu Á, lại phân tích rõ ý đồ của Trung Quốc khi đẩy mạnh chiếm đóng trái phép các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông thời gian gần đây và cho rằng đó vẫn là một chiến thuật truyền thống mà Trung Quốc vẫn từng thực hiện.

Tiến sĩ V. Mosyakov, phó giám đốc Viện nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bày tỏ lo ngại trước động thái xây dựng, cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc. Theo ông, Bắc Kinh có thể biến các đảo này thành căn cứ quân sự và đây là mối đe dọa bùng nổ xung đột trong khu vực.

Tiến sỹ Mosyakov
Tiến sỹ Mosyakov

Tiến sỹ Mosyakov nói: “Đã có sự lừa dối và phóng đại nghiêm trọng từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi tuyên bố rằng Trung Quốc xây dựng những đảo nhân tạo trên Biển Đông là trong giới hạn chủ quyền của Trung Quốc, cũng như các phát ngôn khác của đại diện chính thức chính quyền Trung Quốc nói Trung Quốc làm tất cả những điều này là vì dân sinh và mục đích hòa bình. Trung Quốc đã không tôn trọng và không thực hiện những thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam”.

Tham luận của ông Anton Tsvetov, chuyên gia phụ trách quan hệ với truyền thông và các tổ chức của chính phủ thuộc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, thì khẳng định các nước Đông Nam Á đã mất lòng tin đối với Trung Quốc. Ông cho rằng Trung Quốc không sẵn sàng tiếp nhận những nước này một cách bình đẳng, vì thế các quốc gia Đông Nam Á không thể hy vọng Bắc Kinh sẽ tôn trọng lợi ích của họ.

Từ những phân tích về hậu quả nghiêm trọng và nguy cơ bùng phát xung đột tại Biển Đông do những hành động phi pháp của Trung Quốc, các diễn giả đều cho rằng biện pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp là thông qua đàm phán, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Ngoài ra, các nước ASEAN cần sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử các bên tại Biển Đông để làm cơ sở pháp lý mang tính nguyên tắc nhằm giải quyết tranh chấp.

Từng là phóng viên thường trú của báo Tin Tức thời Liên Xô tại Việt Nam nhiều năm và hiện là Tổng biên tập tờ tạp chí “Thế giới đa cực”, ông Boris Vinogradov cho biết mục đích tham dự hội thảo:

“Đây là một vấn đề quan trọng mà tôi rất quan tâm. Tôi muốn làm sao để độc giả của chúng tôi hiểu được vấn đề phức tạp này, hiểu được vấn đề tác động mạnh tới đời sống toàn cầu, toàn nhân loại. Tình hình thực tế gần đây là rất đáng ngại và tôi nghĩ rằng, đã đến lúc phải nói một cách công khai, thẳng thắn chứ không thể im lặng mãi. Bởi những hành động quân sự mà Trung Quốc tiến hành sẽ đe dọa không chỉ an ninh ở Biển Đông mà còn là cả quyền lợi của nhiều quốc gia khác”.

Sách báo, tư liệu về Biển Đông với những chứng cứ lịch sử về chủ quyền của Việt Nam được trưng bày trong khuôn khổ Hội thảo
Sách báo, tư liệu về Biển Đông với những chứng cứ lịch sử về chủ quyền của Việt Nam được trưng bày trong khuôn khổ Hội thảo

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Việt Nam tại Hội thảo, bà Irina Umnova, Trưởng ban nghiên cứu Hiến pháp và Pháp luật thuộc Học viện Tư pháp Liên bang Nga đánh giá:

“Vấn đề đã trở nên rất nghiêm trọng, như các ý kiến tại Hội thảo thì đó là những lợi ích về kinh tế, xã hội, văn hóa tinh thần… đã bị đe dọa nghiêm trọng bởi hàng loạt những nguyên nhân. Bởi vậy, hội thảo cố gắng phát triển ý tưởng của chúng tôi là làm thế nào để thiết lập được luật hòa bình cho thế giới, cho biển Đông. Và đã xuất hiện ý tưởng là với kết quả của hội thảo này, chúng tôi sẽ gửi thư lên Đuma Quốc gia Nga (tức Hạ viện) và LHQ về giải pháp mà chúng tôi đề xuất. Điều này cũng sẽ được công bố trong tạp chí của chúng tôi. Thậm chí, chúng tôi đã có sự ủng hộ của Đuma Quốc gia thông qua bức thư vừa gửi chúc mừng Hội thảo của chúng tôi trong đó bày tỏ sẵn sàng đồng hành cùng các nhà khoa học chúng tôi và đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo này”.

Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều sách báo, tư liệu đề cập các thông tin pháp lý về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam cũng đã được trưng bày, giới thiệu với bạn bè Nga, bạn bè quốc tế và đông đảo sinh viên Nga./.

Theo Điệp Anh/VOV-Moscow

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm