Chuyên gia: Nga có thể "ngắt một phần lưới điện hạt nhân của Mỹ"
(Dân trí) - Mỹ đang phụ thuộc vào Nga ở một mặt hàng chiến lược mà nếu thiếu nó, một phần mạng lưới điện hạt nhân của Mỹ có thể ngừng hoạt động, chuyên gia cảnh báo.
Trong bài phân tích trên The Hill, cựu Thứ trưởng Năng lượng Mỹ Paul Dabbar và nhà nghiên cứu thuộc đại học Columbia Matt Bowen cảnh báo rằng, nếu Nga quyết định dừng cung cấp uranium được làm giàu cho các công ty năng lượng của Mỹ, nhiều lò phản ứng hạt nhân của Washington có thể sẽ bị ngừng hoạt động trong vòng một năm.
Theo 2 chuyên gia, điều này có thể dẫn tới giá điện tăng vọt trong bối cảnh người dân Mỹ đang đối mặt với lạm phát cao kỷ lục. Trong kịch bản tồi tệ nhất, việc Nga ngừng cung cấp uranium làm giàu có thể khiến một số khu vực tại Mỹ không thể đáp ứng được nhu cầu về điện, dẫn tới mất điện.
Báo cáo chỉ ra rằng, năng lượng hạt nhân chiếm hơn 20% công suất phát điện của Mỹ. Gần một nửa lượng uranium được sử dụng bởi 56 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động của nước này được nhập khẩu từ Nga, Kazakhstan và Uzbekistan.
Hai chuyên gia cho biết, dù Nga chỉ khai thác 6% lượng uranium của thế giới, nhưng nước này kiểm soát khoảng 40% thị trường uranium chuyển đổi toàn cầu và 46% tổng công suất làm giàu uranium.
Một số quốc gia khác cũng phụ thuộc vào Nga để có nguyên liệu chạy nhà máy điện hạt nhân là Phần Lan, Séc, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai chuyên gia kêu gọi các lãnh đạo phương Tây "ngay lập tức xem xét mức độ liên quan của các nước này tới hoạt động xuất khẩu sản phẩm hạt nhân của Nga và thực hiện các bước để giảm bớt nó hoặc họ sẽ có thể phải đối mặt với một cú sốc năng lượng khác".
Hai ông đồng thời kêu gọi chính phủ Mỹ hỗ trợ và khuyến khích cho các cơ sở chuyển đổi và làm giàu uranium để xây dựng lại chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân vốn đã suy yếu của nước này.
Tuy nhiên, 2 tác giả không nêu rõ lý do vì sao Nga có thể sẽ chặn việc xuất khẩu nguyên liệu liên quan tới năng lượng hạt nhân cho Mỹ và châu Âu. Trong những tháng qua, dù cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang không ngừng, Nga vẫn tiếp tục cam kết thực hiện hợp đồng cung cấp năng lượng với các đối tác thương mại của phương Tây.
Hồi tháng 3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Moscow đang xem xét lệnh cấm xuất khẩu uranium sang Mỹ để đáp trả các lệnh trừng phạt của Washington, nhưng Nga chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 3 ký mệnh lệnh hành pháp cấm nhập năng lượng Nga, nhưng đưa uranium vào danh sách ngoại lệ vì lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng ngược tới Mỹ.
Trong thời gian qua, việc phương Tây quyết liệt cấm năng lượng Nga đã đẩy giá nhiên liệu toàn cầu tăng vọt, dẫn tới việc nhiều nước đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ và tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vài chục năm qua. Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng, phương Tây đang tự làm tổn thương chính họ khi ban hành lệnh cấm vận nhằm gây áp lực buộc Moscow từ bỏ chiến dịch quân sự ở Ukraine, vốn đã kéo dài trong hơn 100 ngày qua.