1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia nêu lý do Mỹ cấp "hỏa thần" HIMARS cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Ngoài việc hỗ trợ tăng cường năng lực tác chiến cho Ukraine, việc Mỹ viện trợ các tổ hợp pháo HIMARS có thể là cách Washington làm "phép thử" với năng lực của phòng của Nga.

Chuyên gia nêu lý do Mỹ cấp hỏa thần HIMARS cho Ukraine - 1

Ukraine kỳ vọng pháo phản lực HIMARS do Mỹ cung cấp có thể xoay chuyển cục diện chiến sự với Nga (Ảnh: Getty).

Pháo phản lực cơ động cao HIMARS do Mỹ cung cấp những ngày qua cho thấy hiệu quả trên chiến trường, giúp Ukraine thực hiện các cuộc phản công, làm chậm đà tiến công của Nga. Giới chức Ukraine cho biết, với sự hỗ trợ của các tổ hợp pháo của phương Tây, trong đó có HIMARS, quân đội nước này đã phá hủy khoảng 30 kho đạn dược, nhiên liệu, trung tâm chỉ huy quân sự ở các vùng do Nga kiểm soát.

Mỹ bắt đầu cung cấp HIMARS cho Ukraine từ tháng 6, và đến nay đã bàn giao tổng cộng 12 tổ hợp. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đầu tuần này cam kết sẽ cấp thêm cho Kiev khí tài này.

HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270 MLRS. Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 70-80km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 300 km. Khi được trang bị hệ thống pháo HIMARS, quân đội Ukraine có thể tấn công vượt các phòng tuyến của Nga, hơn nữa, tác chiến ở khoảng cách xa hơn cũng giúp Kiev hạn chế thương vong từ các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa của Moscow.

Nhận định lý do Mỹ lựa chọn cung cấp "hỏa thần" HIMARS cho Ukraine, chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov tin rằng, mục đích thực sự của Washington là nhằm nghiên cứu hoạt động của các hệ thống phòng không Nga.

"Khi HIMARS hoạt động và chúng tôi đánh chặn tên lửa bằng hệ thống phòng không của mình, các vệ tinh do thám của Mỹ sẽ nghiên cứu nguyên lý hoạt động của chúng", chuyên gia Leonkov nói. Theo ông Leonkov, Mỹ đặc biệt quan tâm đến các tổ hợp Tor và Buk của Nga.

Ukraine công bố video "hỏa thần" HIMARS phá hủy kho vũ khí Nga

Nga phát triển tổ hợp phòng không Tor từ năm 1975 với các yêu cầu cao về khả năng cơ động, tầm bắn để tránh bị phát hiện bởi mục tiêu bay của đối phương. Mỗi tổ hợp Tor-M2 mang theo 16 rocket có tỷ lệ đánh trúng mục tiêu chính xác tới 97% và đạt tốc độ bay tới 1000m/s.

Do có phương thức phóng thẳng đứng và hiệu quả tác chiến cao, tương tự như tổ hợp tên lửa S-300, Tor đã được đặt biệt danh là "S-300 mini" và nhanh chóng được biên chế cho quân đội Nga và "thử lửa" ở Syria. Tor được đánh giá là dòng vũ khí phòng không hiệu quả nhất để đối phó với máy bay không người lái trong tác chiến.

Trong khi đó, tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M3 của Nga có thể theo dõi cùng lúc 36 mục tiêu, di chuyển với tốc độ 3km/giây và xác suất hạ mục tiêu được công bố đạt 99%, cao hơn nhiều so với tổ hợp tên lửa S-300.

Xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine được cho là một cuộc "đọ sức" về pháo binh. Trong chuyến thị sát các đơn vị chiến đấu ở Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đầu tuần này chỉ thị tập trung phá hủy các tên lửa, pháo tầm xa của Ukraine. Moscow tuyên bố đã phá hủy một số tổ hợp HIMARS của Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ thông tin này.

Theo Pravda, Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine