1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia: Mỹ "loay hoay" thống nhất chiến lược đối phó Triều Tiên

(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là vẫn chưa thống nhất được chiến lược nhằm đối phó với Bình Nhưỡng, trong bối cảnh thách thức từ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không ngừng gia tăng, Yonhap trích lời hai chuyên gia nhận định.

Quân đội Triều Tiên trong lễ duyệt binh. (Ảnh minh họa: KCNA)
Quân đội Triều Tiên trong lễ duyệt binh. (Ảnh minh họa: KCNA)

Yonhap trích phát ngôn của ông Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cao cấp từ quỹ Heritage (Mỹ) cho rằng nội bộ chính quyền Mỹ đang không tìm được tiếng nói chung với những thông điệp mà họ đưa ra. Trong tuần qua, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Mỹ sẵn sàng đàm phá vô điều kiện với Triều Tiên, thì ngay sau đó Nhà Trắng lên tiếng bác bỏ phát biểu của ông Tillerson.

“Tôi nhận thấy chính quyền Mỹ đang thực sự có vấn đề về việc đưa ra thông điệp. Một số người nói đây có thể là chiến lược “vừa đánh vừa xoa” nhưng tôi không cảm thấy như vậy. Tôi cảm thấy không có sự phối hợp nhịp nhàng ở đây”, ông Klingner chia sẻ.

Ông Klingner, cưu phó giám đốc CIA tại Hàn Quốc nhận định sự “xa cách” trong chính phủ Mỹ vượt qua mọi tiêu chuẩn từ các chính phủ trước đó.

“Trong 24 năm làm việc với các vấn đề liên quan tới Đông Bắc Á, tôi chưa từng bao giờ cảm thấy bối rối về chính sách của Mỹ với vấn đề Triều Tiên và tôi cũng không nhận được nhiều câu hỏi từ phía Hàn Quốc và Nhật Bản rằng chính sách của Mỹ thật sự là gì như lúc này”, ông Klingner chia sẻ.

Đồng quan điểm với ông, chuyên gia Sue Mi Terry từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng, chính quyền Mỹ đang thiếu hợp tác dẫn tới sự không thống nhất trong chiến lược. Bà Terry cho rằng trong tình hình hiện tại khi Triều Tiên đang ngày càng tiến bộ với chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể tấn công tới lãnh thổ Mỹ, sự phối hợp chính sách trong chính phủ Mỹ đóng vai trò quan trọng hơn cả.

“Tôi cảm thấy đáng tiếc vì sự thiếu hợp tác của chính quyền Mỹ vì trong tình hình khủng hoảng như vậy cần phải có một thông điệp có tính nhất quán, có thể là cứng rắn, mạnh mẽ, mềm mỏng hoặc phương án khác”, bà Terry cho biết.

Căng thẳng từ cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi hai phía Mỹ và Triều Tiên liên tục công kích và chỉ trích lẫn nhau. Trong khi, chính quyền ông Trump muốn cô lập hoàn toàn Triều Tiên về ngoại giao và kinh tế nhằm khiến Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân thì Triều Tiên kiên quyết theo đuổi con đường này tới cùng.

Đức Hoàng

Theo Yonhap