1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Mỹ dự đoán đỉnh dịch do biến chủng Delta

Minh Phương

(Dân trí) - Dựa vào mô hình phân tích, các nhà khoa học Mỹ đã đưa ra dự đoán về đỉnh dịch do biến chủng Delta gây ra và cảnh báo Mỹ có thể ghi nhận đến 200.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Chuyên gia Mỹ dự đoán đỉnh dịch do biến chủng Delta - 1

Mỹ đang đối phó với làn sóng Covid-19 mới do Delta gây ra (Ảnh: Getty).

Đỉnh dịch ở Mỹ có thể vào tháng 10 hoặc 11

Biến chủng Delta đang kéo theo đợt bùng phát Covid-19 mới tại Mỹ và Delta hiện là biến chủng trội ở Mỹ, chiếm đến 90% số ca nhiễm mới. Hiện trung bình số ca mắc 7 ngày qua ở Mỹ khoảng 130.000 người/ngày.

Trả lời phỏng vấn Fox News hôm 15/8, Tiến sĩ Francis Collins của Viện Y tế Quốc gia Mỹ cảnh báo, số người nhiễm mới trong ngày tại Mỹ có thể sớm quay trở lại mức 200.000 ca/ngày.

Bình luận về khi nào làn sóng bùng phát do Delta có thể đạt đỉnh, ông Benjamin Linas, Giáo sư tại Đại học Boston, cho biết: "Rất khó để nói và có thể nhiều người sẽ nghi ngờ khi đưa ra bất cứ dự đoán thời điểm chính xác Delta sẽ đạt đỉnh. Tuy nhiên, nếu nói chung chung, thì câu trả lời nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta".

Chuyên gia này nhấn mạnh, nếu tiếp tục quyết liệt trong chương trình tiêm chủng và thực hiện các biện pháp phòng dịch khác như đeo khẩu trang ở nơi công cộng, trong không gian khép kín, Mỹ có thể chấm dứt đại dịch này nhanh hơn. Ngược lại, nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp hạn chế và kiểm soát dịch, dịch sẽ tiếp tục bùng phát và tạo ra những điều kiện dẫn đến các biến chủng mới.

Trong khi đó, ông Jagpreet Chhatwal, Phó giám đốc Viện Đánh giá Công nghệ của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Phó giáo sư trường Y Harvard, cho biết các dự báo mô hình hóa từ dự án Mô phỏng Covid-19 cho thấy, làn sóng Covid-19 do Delta gây ra ở Mỹ có thể đạt đỉnh vào khoảng tháng 10, tháng 11 tùy vào từng bang.

"Rõ ràng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của làn sóng COVID-19 mới vì sự xuất hiện của biến thể Delta. Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi tiến triển tốt hơn vào cuối năm", ông Chhatwal nói.

Theo ông, số người chết mỗi ngày vì Covid-19 ở Mỹ rất có thể sẽ cao hơn mức đỉnh điểm hồi đầu năm nay tại các bang như Idaho, Maine, Montana, Nebraska, North Carolina, Oregon, West Virginia và Washington nếu người dân không tuân thủ các quy định giãn cách xã hội và tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục ở mức thấp.

Miễn dịch cộng đồng là bất khả thi với Delta?

Chuyên gia Mỹ dự đoán đỉnh dịch do biến chủng Delta - 2

Miễn dịch cộng đồng khó đạt được do sự xuất hiện của Delta (Ảnh minh họa: NYTimes).

Sự xuất hiện của Delta đang gây ra thách thức mới với cuộc chiến ứng phó đại dịch của thế giới khi các nước tìm cách đạt miễn dịch cộng đồng. Giới chuyên gia ban đầu cho rằng, để đạt miễn dịch cộng đồng với SARS-CoV-2, cần 60%-70% cộng đồng có miễn dịch nhờ vắc xin hoặc từng nhiễm bệnh trước đó.

Delta xuất hiện đã làm thay đổi những tính toán đó. Trong tháng này, Viện truyền nhiễm quốc gia Mỹ ước tính, Delta đã đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên 80% hoặc thậm chí 90%.

Thậm chí một số chuyên gia cho rằng, miễn dịch cộng đồng với Delta là điều "bất khả thi".

"Chúng ta sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng? Không, rất có thể là không", Tiến sĩ Greg Poland, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vắc xin ở Minnesota, nhận định.
Theo ông, thế giới khó đạt được tỷ lệ tiêm chủng trên 90%. "Đó thực sự là một cuộc chạy đua giữa tốc độ tiêm chủng với sự hình thành của các biến chủng ngày càng dễ lây lan hơn hoặc dễ né miễn dịch hơn", ông Poland nói.

Giáo sư Andrew Pollard, người đứng đầu Nhóm vaccine Oxford, cũng cho rằng: "Virus SARS-CoV-2 không phải bệnh sởi. Nếu 95% dân số đã được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, thì virus sẽ không thể lây lan trong cộng đồng. Trong khi đó, Delta vẫn có thể lây nhiễm cho những người đã được tiêm chủng. Chúng ta không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm của virus".

Mặc dù vậy, các vắc xin hiện tại được chứng minh có hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng bệnh nặng và nguy cơ tử vong do Covid-19 và được coi là công cụ hiệu quả nhất hiện nay để giúp thế giới sống chung với đại dịch.