1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyên gia Mỹ bàn cách đối phó với Trung Quốc

Các chuyên gia Mỹ đã đề nghị nhiều phản ứng khác nhau trước hoạt động tôn tạo các đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông của Trung Quốc.

Ảnh minh họa. (Nguồn:
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnamnet)
 
Trung Quốc tôn tạo các đảo nhân tạo nhằm ý đồ thiết lập chủ quyền lãnh thổ mới và điều đó đã đe dọa tự do hàng hải.

Hợp tác quân sự trong khu vực

GS James Kraska ở Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế (ĐH Chiến tranh hàng hải Mỹ) nhận định như trên trong bài viết trên trang web đài truyền hình CNN (Mỹ) ngày 2-6. Ông viện dẫn Điều 121 khoản 3 Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 để khẳng định Trung Quốc hoàn toàn không thể tuyên bố chủ quyền trên các đá ngầm hoặc đảo nhân tạo.

Để đối phó với Trung Quốc, ông đã đề nghị Mỹ nên tiếp tục các bước phản đối. Đầu tiên là yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ cái gọi là “đường chín đoạn” cùng tuyên bố chủ quyền “không ai được tranh chấp” trên 90% biển Đông. Hạm đội 7 cũng phải thường xuyên hiện diện ở biển Đông để tuần tra.

Kế đến, Mỹ nên hạn chế hoạt động quân sự của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Mỹ cũng nên tiếp tục đưa tàu chiến và máy bay vào tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc đã bồi đắp.

Ông nhận định ngay cả khi bãi đá Chữ Thập hình thành lãnh hải 12 hải lý thì Trung Quốc cũng không thể có chủ quyền với bãi này vì đá Chữ Thập nằm trên thềm lục địa của nước láng giềng Trung Quốc.

Ông cũng đề nghị Mỹ nên lập một chương trình đối tác quân sự với các nước trong khu vực, trong đó có Úc, Nhật, Ấn Độ. Đó là cách để bảo đảm trong tương lai Trung Quốc thôi tuyên bố chủ quyền và bảo đảm quyền tự do hàng hải trên biển Đông.

Làm rõ “đường chín đoạn”

Nhận định trên kênh truyền hình CBS News (Mỹ) ngày 3-6, nhà phân tích Juan Zarate thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng Trung Quốc đã tăng trưởng về kinh tế và quân sự nên bắt đầu “giương cánh, nhe nanh” và đây là biểu hiện cạnh tranh quyền lực không thể tránh khỏi giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông cho rằng Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Mỹ nên ông ủng hộ ý tưởng đối thoại mở về cách đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng lúc Trung Quốc cũng là đối thủ cạnh tranh của Mỹ.

Ông kết luận: “Theo một cách nào đó, Trung Quốc là kẻ thù… Quý vị hãy xem họ đã làm gì trong lĩnh vực mạng. Hoạt động do thám mạng-kinh tế của họ đã đạt đến mức tàn phá lĩnh vực nghiên cứu và phát triển ở Mỹ”.

Chuyên gia Ken Lieberthal ở Viện Brookings nhận định cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đã được dự báo từ lâu và vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông đã xảy ra hàng chục năm nay, thế nhưng trước đây Mỹ xử lý vấn đề hết sức mù mờ. Nay Mỹ mới có thông điệp rõ ràng rằng “ngừng xây dựng khả năng quân sự trên bất kỳ bãi đất nào quý vị tuyên bố chủ quyền”.

Ông nhận định Mỹ đang đi đúng hướng bằng cách yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ cái gọi là “đường chín đoạn” cùng tuyên bố chủ quyền trong khu vực đó. Ông còn cho rằng Mỹ đang tiến hành các bước đi thích hợp bằng cách tăng cường khả năng cảnh giác hàng hải cho các nước ở biển Đông.
 
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Biển Đông. (Ảnh:
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Biển Đông. (Ảnh: The Commentator)

Dùng chiêu đòn bẩy kinh tế

Trên trang web Defense One ngày 4-6, hai chuyên gia Robert A. Newson, sĩ quan lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ và Lauren Dickey thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Nhà Trắng) ghi nhận trước nay Mỹ quá chú trọng đến phản ứng quân sự trong khi phản ứng quân sự có thể dẫn đến tính toán sai lầm và xung đột.

Do đó họ đề nghị song song với duy trì sự hiện diện quân sự thường trực, Mỹ cần sử dụng đòn bẩy kinh tế. Khi sử dụng đòn bẩy kinh tế, Mỹ không nên chú trọng mặt hàng nào mà nên tập trung vào dòng tiền thương mại song phương.

Các công ty Mỹ đã đầu tư hơn 70 tỉ USD vào Trung Quốc. Trung Quốc đã nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trị giá 124 tỉ USD từ Mỹ trong khi Mỹ nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc trị giá 466 tỉ USD.

Khi sắp đạt được Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng Hiệp định Đầu tư song phương Mỹ-Trung (BIT), cấp độ thương mại hiện hữu sẽ tăng cao, tạo kích thích cần thiết cho kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.

Do đó các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên tìm đến cộng đồng doanh nghiệp để khai thác các phương án rút dòng tiền thương mại đổ vào Trung Quốc. Tác động đến quan hệ thương mại sẽ tác động lâu dài đến chiến thuật giành ưu thế trong khu vực của Trung Quốc.

Hiện vùng hạ lưu sông Mekong và Indonesia cũng đã mời gọi các dự án rẻ tiền hơn. TPP và BIT cũng có thể giúp các nước châu Á và Mỹ La tinh cạnh tranh với Trung Quốc để xuất khẩu qua Mỹ.

Chuyên gia phân tích Joshua Kurlantzick thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Nhà Trắng) đã đề nghị ba cách tăng cường quan hệ an ninh Việt-Mỹ:

- Mỹ đã hứa sớm tiến hành tập trận với Việt Nam và nên mở rộng thành tập trận ba bên Mỹ-Việt-Philippines nhằm cải thiện khả năng phối hợp chung giữa ba lực lượng quân sự, đồng thời củng cố quan hệ Việt-Philippines.

- Mỹ nên thúc đẩy dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Khác với Thái Lan và Myanmar, quân đội Việt Nam đã đạt trình độ chuyên nghiệp và dưới sự kiểm soát của dân sự.

- Mỹ nên xây dựng quan hệ đối tác thân cận hơn với Việt Nam. Để làm như thế, Mỹ nên mở khả năng cho tàu chiến Mỹ vào vịnh Cam Ranh cũng như tăng cường chương trình huấn luyện cho các sĩ quan cấp cao Việt Nam.

 
Theo Anh Thao
Pháp luật TPHCM