1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

3 kịch bản có thể dẫn đến cuộc đối đầu Mỹ-Trung trên Biển Đông

(Dân trí) - Bắc Kinh và Washington đang cùng đứng trước lằn ranh của một cuộc đối đầu tiềm tàng do những bất đồng xung quanh vấn đề biển Đông. Giới phân tích chỉ ra rằng có 3 kịch bản của cuộc đối đầu này.

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Biển Đông. (Ảnh:

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Biển Đông. (Ảnh: The Commentator)

Vấn đề Biển Đông vốn trước kia chỉ thu hút sự chú ý của các chuyên gia nghiên cứu thì giờ đây đang được báo giới đặc biệt quan tâm. Gần đây nhất, một kênh truyền hình lớn của Mỹ thông báo về một máy bay giám sát P-8 của Hải quân Mỹ, đã bị Hải quân Trung Quốc cảnh cáo phải rời khỏi khu vực một số đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Mặc dù Bắc Kinh chưa tuyên bố về một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) chính thức tại khu vực Biển Đông, không giống như họ đã thiết lập tại một phần khu vực biển Hoa Đông năm 2013, nhưng với các hoạt động lấn chiếm đang tiếp tục cùng với việc chính quyền Tổng thống Obama đã quyết định đương đầu với những đòi hỏi của Trung Quốc, hai nước hiện đang tiến gần đến một nguy cơ đương đầu về quân sự hơn bất cứ thời điểm nào trong vòng 20 năm qua. Qua các phân tích, có 3 kịch bản có thể dẫn đến cuộc chiến Mỹ-Trung như sau:

Va chạm

Gần đây, Hải quân Mỹ tuyên bố đang cân nhắc việc đưa tàu vào trong khu vực 12 hải lý từ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng, như vậy tức là sẽ đi vào khu vực mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền.

Với đội tàu chiến của Trung quốc đang hiện diện tại khu vực thì sự đe dọa hoặc phiền nhiễu từ phía các tàu Mỹ có thể sẽ dẫn tới đụng độ cục bộ do sự phản ứng từ hai phía. Đây là cách mà Trung Quốc đã làm với tàu của các nước khác trong khu vực, và một va chạm như vậy sẽ khiến tình hình căng thẳng thêm.

Xét về phòng không, quần đảo Trường Sa nằm cách bờ biển Trung Quốc 800 dặm (khoảng 1.300km), tức là đã nằm trong bán kính của đội bay chiến đấu tiên tiến nhất Trung Quốc, dù hiện chưa có bằng chứng cho thấy đội chiến đấu cơ của Trung Quốc có thể đối chọi được với dàn máy bay của Mỹ.

Đáng lo lắng, Trung Quốc hiện đang xây dựng bãi đáp trên các đảo nhân tạo và nhiều bãi đáp này sẽ sớm có thể sử dụng để phục vụ máy bay chiến đấu. Tương tự như vậy, một khi tàu sân bay của Trung Quốc hoạt động tại khu vực này thì Bắc Kinh cũng sẽ dễ dàng thực hiện các hoạt động tuần tiễu trong khu vực. Bất cứ một tiến triển nào cũng sẽ làm gia tăng khả năng dẫn đến một cuộc va chạm trên không giống như đã xảy ra vào năm 2001 giữa một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay tuần tiễu của Hải quân Mỹ.

Hành động có chủ ý

Máy bay tuần tiễu P8-A của Hải quân Mỹ. (Ảnh:

Máy bay tuần tiễu P8-A của Hải quân Mỹ. (Ảnh: National Interest)

Bắc Kinh đã đặt cược vai trò địa chính trị của mình ở khu vực Đông Nam Á vào những yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Hiện Trung Quốc đã phủ kín được 2000 héc-ta đảo từ việc xây dựng các bãi đá ngầm trong khu vực. Trừ khi Trung Quốc chịu dừng các hành động lấn chiếm (mà điều này có thể khiến họ đối mặt với nguy suy giảm ảnh hưởng ở châu Á), thì việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định ngăn chặn Mỹ đi vào vào vùng biển mà họ mới đòi chủ quyền sẽ làm nguy cơ đối đầu Mỹ - Trung tăng cao.

Bên cạnh đó, khi mà máy bay của Trung Quốc đã yên vị trên các đảo nhân tạo mới thì họ có thể  đeo bám và ngăn chặn đội bay của Mỹ bay trên vùng trời “hạn chế bay”, và buộc Mỹ phải quyết định việc có nên đẩy sự việc tiến xa theo chiều hướng xấu hơn không. Vậy có nghĩa là Trung Quốc cố tình đẩy tình huống lên mức đối đầu để buộc chính quyền Obama phải lùi lại, nhằm tránh sa vào một đối đầu quân sự khác, trong khi Mỹ hiện đang lún sâu vào Trung Đông và Ukraine.

Đối đầu gián tiếp

Đánh giá kỹ vấn đề, Trung Quốc có thể thấy quá rủi ro để đối đầu trực tiếp với các đội tàu và máy bay chiến đấu của Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể làm điều tương tự với nước khác trong khu vực. Philipines từng lên án Trung Quốc đuổi máy bay tuần tiễu của họ ra khỏi khu vực và Trung Quốc cũng thường xuyên có các cuộc xung đột hàng hải nhỏ với Philipines và Việt Nam.

Nếu Trung Quốc quyết định không cho tàu thuyền nước ngoài đi qua vùng lãnh hải thuộc các “đảo” mà họ chiếm đóng hay bồi đắp trái phép, rất dễ có một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp trong khu vực. Việc Trung Quốc đụng độ với bất cứ quốc gia láng giềng nào cũng có thể là cơ hội để Mỹ vào Biển Đông với lý do  thực thi việc tuân thủ luật quốc tế (và trong trường hợp với Philipines là trợ giúp theo một hiệp ước đồng minh).

Tóm lại, đối với vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh và Washington đang cùng đứng trước lằn ranh của một cuộc đối đầu tiềm tàng. Nếu không có một cơ chế giảm căng thẳng thì với sự ngờ vực từ hai phía, việc Trung Quốc càng cố bảo vệ những đòi hỏi ngang ngược về lãnh thổ của họ, ngày càng có nhiều khả năng Mỹ phải đứng ra đối mặt với những đòi hỏi này.

Đây là lý do mỗi bên đang cố gắng xác định giới hạn của mình và đặt ra cách thức xử lý vấn đề sớm hơn bên kia. Chưa có gì chắc chắn là sẽ có một cuộc đối đầu về quân sự nhưng nguy cơ của một cuộc đối đầu này đang gia tăng. 

Uyên Châu
Theo Commentator