Chuyên gia nêu lý do Việt Nam là lựa chọn lý tưởng cho cuộc gặp Trump-Kim
(Dân trí) - Việc Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế thị trường và có chung đường biên giới với Trung Quốc được cho là hai lý do chính giúp Việt Nam trở thành một trong những địa điểm thích hợp để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo truyền thông Hàn Quốc và Nhật Bản, ngoài Việt Nam, các địa điểm khác cũng được cân nhắc cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai là Thái Lan, Singapore và Hawaii. Tuy nhiên, các nguồn tin Trung Quốc thạo tin về cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tuần trước cho biết, Việt Nam là lựa chọn hàng đầu. Báo Yomiuri của Nhật Bản ngày 13/1 cũng nói rằng, giới chức Mỹ cũng đang cân nhắc Việt Nam làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Giới quan sát cho rằng, Việt Nam có ý nghĩa biểu tượng quan trọng với cả Washington và Bình Nhưỡng do có quan hệ ngoại giao với cả hai nước này và được coi là một nước trung lập.
Năm 2006, cựu Tổng thống Mỹ George W Bush đã phát đi tín hiệu một sáng kiến mới về Triều Tiên tại một hội nghị ở Hà Nội. Điều này làm gia tăng triển vọng chính thức lần đầu tiên chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Koh Yu-hwan, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại đại học Dongguk ở Seoul, cho rằng việc Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc cũng là lý do để Việt Nam lọt vào nhóm các địa điểm được cân nhắc cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Chuyên gia này cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể dễ dàng tới điểm họp thông qua Trung Quốc. "Điều đó sẽ giúp Bình Nhưỡng cảm thấy bớt áp lực hơn trong việc đảm bảo an ninh cho ông Kim", ông Koh nói.
Năm ngoái, khi ông Kim Jong-un và ông Donald Trump gặp nhau ở Singapore, Trung Quốc đã hỗ trợ đảm bảo an ninh cho nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông Kim Jong-un đã sử dụng chuyên cơ do Trung Quốc cung cấp, máy bay cũng được sắp xếp di chuyển dọc các vùng duyên hải của Trung Quốc để đảm bảo an ninh tối đa cho ông.
Lee Yun-keol, một cựu vệ sĩ của gia đình nhà lãnh đạo Tiều Tiên và đã đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2005, trước đó từng nói rằng lộ trình di chuyển của ông Kim Jong-un là mối quan ngại lớn với giới chức Triều Tiên do lo ngại những âm mưu ám sát.
Zhao Tong, một chuyên gia tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, nhận định rằng Việt Nam "đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn cần thiết" để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh.
Chuyên gia này nhận xét, Việt Nam "đang ngày càng mở cửa và hội nhập quốc tế với tiềm năng tăng trưởng kinh tế lớn và có thể trở thành hình mẫu để Triều Tiên học tập". Ông cho rằng, Trung Quốc, một đồng minh lớn của Triều Tiên, sẽ "rất ủng hộ" hội nghị này.
"Giảm căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân Triều Tiên sẽ mở cửa để Trung Quốc tăng tầm ảnh hưởng kinh tế với Triều Tiên, đây là một mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng của Trung Quốc và có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực đông bắc Trung Quốc", ông Zhao nói.
Việt Nam bắt đầu chương trình cải cách kinh tế thị trường (hay còn gọi là Đổi Mới) từ năm 1986 với mục đích tạo ra một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chuyên gia Koh cũng cho rằng, triển vọng phát triển kinh tế nhanh chóng cũng giúp thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. "Mỹ có thể hình dung Triều Tiên áp dụng mô hình phát triển kinh tế như Việt Nam, một nước xã hội chủ nghĩa áp dụng dụng mô hình kinh tế thị trường. Qua hai hội nghị thượng đỉnh, Mỹ có thể muốn truyền đạt một thông điệp mang tính biểu tượng rằng Triều Tiên có thể chọn mô hình kinh tế của Singapore hoặc Việt Nam", chuyên gia Koh nói.
Tuy nhiên, Sean King, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là phó chủ tịch tổ chức chiến lược chính trị Park Strategies, chỉ ra rằng tình hình hiện nay ở Triều Tiên khác xa Việt Nam năm 1986. "Việt Nam có thể mở cửa kinh tế sau khi Nam-Bắc thống nhất hai miền. Nhưng Triều Tiên không thể liều lĩnh mở cửa kinh tế trong khi vẫn có một Hàn Quốc giàu có hơn ngay cạnh", ông King nói.
Các chuyên gia cũng hoài nghi về kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. "Một thỏa thuận hạn chế có vẻ thực tế hơn nhằm đóng băng và kiềm chế chương trình và năng lực tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên. Đó có thể là một bước quan trọng tiến tới kiềm chế mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, một kết quả đột phá để giải trừ hoàn toàn hạt nhân Triều Tiên dường như không thể", ông Zhao nói.
Minh Phương
Theo SCMP