Chuyên gia lý giải nguyên nhân các ca tái nhiễm Covid-19 sau khi xuất viện
(Dân trí) - Các chuyên gia y tế và dịch tễ học đã đưa ra lý giải về sự xuất hiện của nhiều trường hợp tái nhiễm virus Covid-19 ở Trung Quốc sau khi xuất viện.
Theo SCMP, Trung Quốc trong thời gian qua đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân được chữa khỏi Covid-19 bị tái nhiễm. Hồi đầu tuần, 2 người ở Thiên Tân đã phải nhập viện trở lại vì dương tính với Covid-19 một tuần sau khi họ được thông báo đã hồi phục và được ra viện.
Ở Quảng Đông, 14% các bệnh nhân nhiễm virus corona được xuất viện sau khi trị khỏi đã bị tái nhiễm, quan chức y tế tỉnh cho biết hồi tuần trước. Những vụ việc tương tự được phát hiện ở các khu vực khác tại Trung Quốc gồm Giang Tô và Tứ Xuyên.
Chuyên gia virus học Jin Dong-yan từ đại học Hong Kong đã bác bỏ lo ngại rằng những người bệnh trên bị nhiễm virus lần 2.
Ông Jin cho rằng có thể các thử nghiệm đã không được thực hiện chuẩn xác ngay từ đầu. Theo chuyên gia này, có nhiều yếu tố tác động tới tính chính xác của kết quả xét nghiệm, bao gồm chất lượng của bộ xét nghiệm và cách thu thập, lưu trữ các mẫu thử từ người bệnh.
Theo quy định xét nghiệm của Trung Quốc, một người có thể ra viện nếu nhiệt độ cơ thể của họ bình thường trong 3 ngày, không có vấn đề về hô hấp, và hình chụp cắt lớp vi tính phần ngực cho thấy các tổn thương được cải thiện đáng kể. Họ cũng phải cho ra kết quả âm tính trong 2 lần xét nghiệm phản ứng tổng hợp chuỗi phiên mã ngược (PCR) liên tiếp cách nhau ít nhất 24 giờ.
Ông Wang Chen, người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học Y khoa Trung Quốc, cho biết hồi tháng trước rằng chỉ có 30-50% các trường hợp bị xác nhận Covid-19 có kết quả dương tính trong các xét nghiệm PCR, và mẫu xét nghiệm lấy từ gạc họng bệnh nhân có thể đưa ra nhiều kết quả âm tính giả.
Vì vậy, cơ quan y tế Trung Quốc đã khuyến nghị việc kết hợp giữa lịch sử dịch tễ học, các biểu hiện lâm sàng và hình chụp cắt lớp cùng với xét nghiệm PCR trong chẩn đoán Covid-19 với người bệnh.
Giáo sư Greg Gray từ đại học Duke (Mỹ) nhận định rằng các thiết bị xét nghiệm sai không phải là nguyên nhân dẫn đến kết quả âm tính giả. Ông Gray cho rằng kết quả bị sai có thể được lý giải bởi các mẫu thử có chất lượng không tốt (không phải là một miếng gạc họng hay gạc mũi lấy dịch ở sâu bên trong người bệnh), hoặc miếng gạc thu được quá ít virus trong mẫu thử.
Trong khi đó, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết họ chưa phát hiện ra trường hợp bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 lây bệnh cho người khác. “Những bệnh nhân này không lây nhiễm cho người khác và một số có kết quả âm tính trong các xét nghiệm sau đó”, quan chức NHC Guo Yanhong lý giải.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng dù chưa có trường hợp nào được ghi nhận, nhưng những người mang virus tức là họ là nguồn bệnh và cần có sự theo dõi chặt chẽ để mầm bệnh không lây lan.
Bác sĩ Zhang Zhan, một chuyên gia hô hấp tại bệnh viện Nhân dân thuộc Đại học Vũ Hán, cho rằng các bệnh nhân nên phải được xét nghiệm PCR 3 lần âm tính với Covid-19 thay vì 2 lần như hiện tại để được xuất viện.
Theo bà Zhang, trong 44 ca đạt đủ tiêu chuẩn xuất viện của Trung Quốc mà bà nghiên cứu, có 26 ca cho kết quả dương tính trong lần thử thứ 3.
“Tuy nhiên, tỉ lệ cho ra kết quả dương tính ở lần thử thứ 4 cho những người đã xét nghiệm PCR âm tính 3 lần là rất thấp”, bà Zhang nói.
Tại Thượng Hải, ngoài các tiêu chuẩn của NHC, các bác sĩ còn yêu cầu bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện phải có kết quả xét nghiệm âm tính với mẫu thử lấy từ hậu môn, để đảm bảo virus không còn trong đường tiêu hóa của họ.
Đức Hoàng
Theo SCMP