1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giải mã ý định thực sự của Triều Tiên khi tham gia Thế vận hội

(Dân trí) - Đối với Triều Tiên, Thế vận hội mùa Đông do Hàn Quốc đăng cai tổ chức không chỉ là đơn thuần là một sự kiện thể thao mà hơn hết đó là cách để Bình Nhưỡng nâng cao hình ảnh cả ở trong nước lẫn quốc tế.

Đội cổ vũ Triều Tiên xuất hiện rạng rỡ tại Hàn Quốc


Hai vận động viên trượt băng Ryom Tae-ok và Kim Ju-sik của Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Hai vận động viên trượt băng Ryom Tae-ok và Kim Ju-sik của Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Đối với Triều Tiên, thể thao luôn gắn liền với mục đích chính trị và Thế vận hội mùa Đông do Hàn Quốc đăng cai năm nay cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Theo chuyên gia về ngoại giao thể thao Jung Woo Lee, Triều Tiên bước vào Thế vận hội 2018 với mong muốn “đánh bóng” hình ảnh, ít nhất là trong mắt người dân nước này.

Thế vận hội mùa Đông đã bắt đầu diễn ra và mối quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên đang “phủ sóng” khắp các tin tức liên quan tới sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế này. Đây được xem là một thắng lợi dành cho Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã vận dụng thể thao làm công cụ tuyên truyền tích cực hơn hẳn so với thế hệ cha và ông nội. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông Kim Jong-un sử dụng chính thông điệp năm mới để mở ra triển vọng cho đoàn vận động viên Triều Tiên tham dự Thế vận hội tại Hàn Quốc năm nay.

Đây được xem là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh căng thẳng quân sự và chính trị leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, theo chuyên gia Jung Woo Lee, động thái hòa hoãn này của Bình Nhưỡng không hoàn toàn là “miễn phí”.

Bằng cách đàm phán với Hàn Quốc và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), Triều Tiên đã có được điều họ muốn. Ban đầu, chỉ hai vận động viên Triều Tiên đủ điều kiện tham gia thi đấu tại Thế vận hội là cặp đôi trượt băng nghệ thuật Ryom Tae-Ok và Kim Ju-Sik. Tuy nhiên, Ủy ban Olympic quốc gia Triều Tiên đã bỏ lỡ thời hạn đăng ký theo quy định. Sau đó, IOC đã quyết định gia hạn đăng ký và tạo cơ hội cho các vận động viên Triều Tiên tham gia Thế vận hội tại Hàn Quốc.

Không chỉ dừng lại ở đó, sau một loạt cuộc hội đàm được sắp xếp khẩn trương giữa quan chức hai nước, 22 vận động viên Triều Tiên đã được phép tham gia Thế vận hội tại Hàn Quốc. Ngoài việc thành lập chung một đội khúc côn cầu nữ để thi đấu tại Thế vận hội, các vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc cũng nhất trí sẽ diễu hành chung dưới một lá cờ thống nhất của bán đảo Triều Tiên. Tính đến nay, Bình Nhưỡng đã gửi phái đoàn đông đảo nhất tới Hàn Quốc, bao gồm các vận động viên, huấn luyện viên, đội cổ vũ, các quan chức và đoàn nghệ thuật.

Suy tính của Triều Tiên


Đội khúc côn cầu Triều Tiên và Hàn Quốc cùng luyện tập trước khi thi đấu chung tại Thế vận hội mùa Đông 2018 (Ảnh: Getty)

Đội khúc côn cầu Triều Tiên và Hàn Quốc cùng luyện tập trước khi thi đấu chung tại Thế vận hội mùa Đông 2018 (Ảnh: Getty)

Theo chuyên gia Lee, các vận động viên tới Hàn Quốc được xem là “chìa khóa” cho hoạt động tuyên truyền của Triều Tiên. Khi giành chiến thắng tại các sự kiện quốc tế, các vận động viên Triều Tiên từng nhiều lần bày tỏ sự ca ngợi của họ dành cho lãnh đạo tối cao Kim Jong-un. Truyền thông nhà nước cũng thường xuyên chiếu những khoảnh khắc xúc động khi các vận động viên trở về quê nhà vì đây chính là minh chứng cho thấy Triều Tiên đã giành chiến thắng trên trường quốc tế.

Cũng liên quan tới hoạt động thể thao, Triều Tiên từng khai trương khu trượt tuyết Masikryong quy mô lớn hồi tháng 12/2013 sau một thời gian xây dựng với tốc độ “chóng mặt”. Khu nghỉ dưỡng này đã trở thành biểu tượng cho niềm tự hào dân tộc và là công cụ tuyên truyền mạnh mẽ của Triều Tiên. Sau đó, “tốc độ Masikryong” đã trở thành khẩu hiệu tượng trưng cho tinh thần vượt qua gian khó tại Triều Tiên.

Tuy vậy, chuyên gia Lee nhận định sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc năm nay không hoàn toàn xuất phát từ ý định tuyên truyền. Các hoạt động thể thao trong trường hợp này đóng vai trò như điểm tiếp xúc ban đầu giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, từ đó cho phép hai nước mở lại kênh ngoại giao sau gần hai năm “đóng băng” quan hệ.

Việc Triều Tiên và Hàn Quốc cùng bắt tay hợp tác và thể hiện sự thống nhất tại Thế vận hội có thể mở đường cho các chương trình trao đổi văn hóa và nhân đạo giữa hai nước trong tương lai.


Đội cổ động Triều Tiên vẫy cờ tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông ngày 9/2 (Ảnh: Reuters)

Đội cổ động Triều Tiên vẫy cờ tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông ngày 9/2 (Ảnh: Reuters)

Phái đoàn cấp cao gồm 22 người của Triều Tiên hôm nay 9/2 đã đặt chân tới Hàn Quốc, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam và bà Kim Yo-jong - em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un đồng thời là quan chức cấp cao của Bộ Chính trị Triều Tiên. Việc cử phái đoàn cấp cao tới Hàn Quốc cho thấy sự sẵn lòng của Triều Tiên trong việc cải thiện quan hệ với quốc gia láng giềng.

Ngoài ra, đường dây nóng kết nối Triều Tiên và Hàn Quốc cũng đã được mở lại xuyên suốt thời gian diễn ra Thế vận hội và đây tiếp tục được xem là một tín hiệu tích cực nữa cho quan hệ liên Triều.

Ông Kim Jong-un có thể vận dụng Thế vận hội như một hình thức tuyên truyền để giữ hình ảnh của chính quyền Triều Tiên, nhưng đồng thời sự kiện thể thao này cũng là cơ hội “có một không hai” cho cả hai bên để hàn gắn mối quan hệ căng thẳng từ nhiều năm nay.

Ai có thể biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu Thế vận hội mùa Đông không diễn ra tại Hàn Quốc? Chỉ biết rằng ở thời điểm hiện tại, Triều Tiên đã thành công trong việc đưa các vận động viên tới tranh tài ở một đấu trường quốc tế. Ngoài ra Bình Nhưỡng cũng trở thành tâm điểm chú ý của công chúng và đặc biệt đã nối lại tình hữu nghị tạm thời với Seoul.

Thành viên đầu tiên của gia đình ông Kim Jong-un tới Hàn Quốc

Thành Đạt

Theo BBC