1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyên gia “giải mã” vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên muốn gửi thông điệp tới Mỹ sau vụ phóng tên lửa sáng nay trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai nước đang lâm vào bế tắc.

Chuyên gia “giải mã” vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên - 1

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên rời bệ phóng ngày 29/11/2017 (Ảnh: Reuters)

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo Triều Tiên đã phóng hàng loạt tên lửa tầm ngắn từ bờ biển phía đông nước này về phía biển Nhật Bản vào khoảng hơn 9h sáng nay. Phía Hàn Quốc cho biết tên lửa Triều Tiên bay xa từ 70 - 200 km trước khi rơi xuống biển.

Vụ phóng trên diễn ra chỉ vài tuần sau khi Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng thử một vũ khí chiến thuật dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên Bình Nhưỡng không tiết lộ chính xác đây là loại vũ khí gì.

Chương trình tên lửa của Triều Tiên phát triển nhanh chóng trong năm 2017 khi Bình Nhưỡng thông báo phóng thử thành công 3 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Vụ phóng ICBM gần đây nhất của Triều Tiên diễn ra vào tháng 11/2017 và Bình Nhưỡng khi đó tuyên bố tên lửa này có thể tấn công lục địa Mỹ.

Giới phân tích nhận định các tên lửa được Triều Tiên phóng đi sáng nay dường như nhỏ hơn nhiều so với tên lửa ICBM và không nằm trong nhóm vũ khí mà Bình Nhưỡng từng cam kết dừng thử nghiệm để mở đường cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.

“Vì Triều Tiên chưa bao giờ cam kết chấm dứt hoàn toàn các vụ thử tên lửa, mà họ chỉ hứa tạm dừng phóng các tên lửa tầm xa như ICBM có khả năng tấn công lục địa Mỹ, nên chúng tôi không bị sốc bởi vụ phóng tên lửa tầm ngắn hôm nay”, CNN dẫn lời Harry J. Kaziais, giám đốc nghiên cứu Hàn - Triều tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia có trụ sở ở Washington, cho biết.

Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa nước này với Mỹ đang rơi vào bế tắc sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh lần hai hồi tháng 2. Gần đây, Mỹ và Triều Tiên cũng tăng cường các tuyên bố chỉ trích lẫn nhau, bất chấp mọi nỗ lực đàm phán trong suốt hơn một năm qua.

“Rõ ràng, Triều Tiên đã thất vọng với kết quả của hội nghị thượng đỉnh gần đây với Mỹ tại Việt Nam khi hai bên không tạo ra được bất kỳ bước đột phá nào. Triều Tiên dường như tức giận vì sự thiếu linh hoạt trong lập trường của chính quyền Donald Trump về việc nới lỏng trừng phạt và duy trì chính sách “gây sức ép tối đa””, chuyên gia Kaziais nhận định.

Chuyên gia “giải mã” vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên - 2

Phái đoàn Mỹ - Triều do Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dẫn đầu đàm phán tại Việt Nam hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters)

Theo chuyên gia Kaziais, thông qua vụ phóng tên lửa, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như muốn “nhắc nhở thế giới, đặc biệt là Mỹ, rằng năng lực vũ khí của Triều Tiên vẫn phát triển từng ngày”.

“Nỗi lo sợ của tôi đó là chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu của quá trình quay trở lại những ngày sống trong đe dọa chiến tranh và xúc phạm cá nhân, một vòng xoáy nguy hiểm của căng thẳng leo thang mà chúng ta nên tránh bằng mọi giá”, chuyên gia Kaziais nói, nhắc lại cuộc khẩu chiến giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều trước đây khi căng thẳng gia tăng hồi năm 2017.

Theo Yong Uk, nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn An ninh Phòng vệ Hàn Quốc, vụ phóng tên lửa sáng nay là “biểu hiện cho sự thất vọng của Triều Tiên về các cuộc đàm phán bị đình trệ với Mỹ”.

“Đó là thông điệp nói rằng Triều Tiên có thể quay trở lại trạng thái đối đầu như trước đây nếu không có bước đột phá nào cho tình trạng bế tắc hiện nay”,  Reuters dẫn lời chuyên gia Yang Uk nhận định.

Một số nhà phân tích cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên không vi phạm cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Mỹ vì đó không phải là tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tuy vậy, các quan chức Mỹ chắc chắn vẫn sẽ quan ngại về động thái này của Bình Nhưỡng.

“Chúng ta nên nhớ rằng ông Kim Jong-un chỉ cam kết không thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa. Do vậy, vụ thử mới nhất về mặt kỹ thuật không vi phạm cam kết của ông Kim Jong-un, tuy nhiên nó sẽ đặt ra câu hỏi về việc liệu Tổng thống Trump sẽ chấp nhận ở mức nào và lòng tin của ông Trump đối với ông Kim Jong-un có thể kéo dài bao lâu”, Abraham Denmark, giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson ở Washington, cho biết.

Mặc dù Triều Tiên sáng nay phóng tên lửa về phía biển Nhật Bản, song đài NHK dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng vụ phóng này không ảnh hưởng trực tiếp tới Nhật Bản. Theo quan chức Nhật Bản, Bình Nhưỡng có thể sử dụng vụ phóng để gửi thông điệp tới Mỹ khi các cuộc đàm phán không đạt được tiến triển như kỳ vọng của các bên.

Một quan chức Nhật Bản khác cho rằng việc Triều Tiên chỉ phóng tên lửa tầm ngắn là dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa muốn phá vỡ các cuộc đàm phán với Mỹ. Thay vào đó nếu Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung hoặc tầm xa, điều đó có thể ảnh hưởng tới tình hình an ninh của Nhật Bản hoặc Mỹ. Quan chức này nhận định mục đích của ông Kim Jong-un là phá bỏ tình trạng bế tắc hiện nay trong quan hệ Mỹ - Triều.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã tiến hành họp khẩn sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, trong khi hai ngoại trưởng Mỹ - Hàn cũng đã điện đàm để trao đổi tình hình. Cả cơ quan an ninh Hàn Quốc và Lầu Năm Góc đều thông báo vẫn đang theo dõi sát sao tình hình tại Triều Tiên.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm