1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chuyên gia: Covid-19 không dừng lại cho tới khi 70% dân số Mỹ bị nhiễm

(Dân trí) - Chuyên gia hàng đầu về dịch bệnh truyền nhiễm cảnh báo Covid-19 vẫn đang ở giai đoạn đầu tấn công thế giới, do vậy việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ khiến nhiều người Mỹ gặp nguy hiểm.

Chuyên gia: Covid-19 không dừng lại cho tới khi 70% dân số Mỹ bị nhiễm - 1

Tiến sĩ Michael Osterholm (Ảnh: Star Tribune)

Tiến sĩ Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, cho biết làn sóng bùng phát Covid-19 ban đầu tại các thành phố như New York (Mỹ), nơi cứ 5 người có 1 người bị nhiễm, mới chỉ là một phần nhỏ của dịch bệnh và số người chết sẽ còn tiếp tục tăng lên.

“Virus này sẽ tiếp tục phát triển cho tới khi nó lây nhiễm cho nhiều người nhất có thể. Virus sẽ không phát triển chậm lại cho tới khi 60-70% dân số bị nhiễm, con số này sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng và chấm dứt sự lây lan của virus”, chuyên gia Osterholm cho biết.

Ngay cả khi số ca nhiễm mới bắt đầu giảm xuống vào mùa hè, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Covid-19 sẽ trở thành dịch bệnh theo mùa, tương tự dịch cúm.

Trong dịch cúm năm 1918 khiến 1/3 dân số thế giới bị nhiễm bệnh, New York và Chicago là 2 thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng bùng phát dịch đầu tiên, trong khi các thành phố khác tại Mỹ như Boston, Detroit, Minneapolis và Philadelphia không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, làn sóng bùng phát dịch thứ hai đã ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới toàn bộ nước Mỹ.

Nếu dịch Covid-19 giảm xuống vào mùa hè trước khi bùng phát trở lại vào mùa thu, số ca nhiễm có thể lên đến đỉnh điểm và các bệnh viện quá tải sẽ phải đối phó với cả các ca nhiễm cúm và nhiễm virus corona.

Theo ông Osterholm, các nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore, vốn được ca ngợi về các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ và xét nghiệm nhanh, có thể tránh được thiệt hại trong làn sóng bùng phát dịch đầu tiên, nhưng có thể dễ bị tổn thương trong làn sóng bùng phát dịch lần hai.

Dịch Covid-19 và dịch cúm thông thường có một số điểm khác biệt quan trọng. Theo Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm, thời gian ủ bệnh trung bình của Covid-19 là 5 ngày, trong khi cúm thông thường là 2 ngày. Thời gian ủ bệnh lâu hơn và tỷ lệ truyền nhiễm cao hơn cho thấy Covid-19 dễ lây lan hơn cúm thông thường.

Hiện Mỹ ghi nhận hơn 80.000 ca tử vong và hơn 1,3 triệu ca mắc Covid-19. New York là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 26.000 người chết. Xét nghiệm kháng thể ban đầu cho thấy khoảng 20% người dân tại thành phố New York bị nhiễm bệnh.

Trên toàn thế giới, Covid-19 khiến ít nhất 286.000 người tử vong và hơn 4,1 triệu người nhiễm.

Chuyên gia Osterholm cho rằng chỉ một loại vắc xin hiệu quả mới có thể làm chậm sự lây lan của virus, trước khi một bộ phận dân số đủ lớn bị lây nhiễm để tự tạo ra miễn dịch. Ông Osterholm cũng cho rằng ngay cả khi vắc xin hoạt động hiệu quả, hiện vẫn chưa rõ vắc xin này có thể giúp bảo vệ con người trước virus corona chủng mới trong thời gian bao lâu.

Hầu hết các bang tại Mỹ đã bắt đầu nới lỏng yêu cầu buộc người dân phải ở trong nhà. Tuy nhiên, cách thức triển khai khác nhau trong từng bang. Trong khi Georgia bắt đầu mở cửa từ cuối tháng 4, cho phép các phòng xăm, tiệm cắt tóc, làm móng mở cửa trở lại, California thực hiện cách tiếp cận chậm hơn và theo từng giai đoạn, cho phép các hãng bán lẻ và nhà sản xuất cân nhắc nối lại hoạt động.

Thống đốc các bang lo ngại những tổn hại về kinh tế do các biện pháp giãn cách xã hội gây ra, khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ tăng lên. Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn nước Mỹ đã lên tới gần 15% và một cố vấn kinh tế trong chính quyền Tổng thống Trump thậm chí dự báo con số này có thể lên tới 20%.

Chuyên gia Osterholm thừa nhận rằng Mỹ “không thể phong tỏa tới 18 tháng”, do vậy các lãnh đạo chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp cần tìm cách để nối lại các hoạt động, trong khi vẫn thích nghi với một loại virus mà không thể tự biến mất sớm.

“Chúng ta đều phải đối mặt với thực tế rằng, không có viên đạn thần kỳ nào, trừ khi có vắc xin, có thể khiến dịch bệnh biến mất. Chúng ta sẽ phải sống chung với nó và chuyện đó không cần phải bàn luận thêm”, ông Osterholm cho biết.

Thành Đạt

Theo USA Today