Chuyên gia chỉ ra điểm hạn chế trên tên lửa "không thể đánh chặn" của Nga
(Dân trí) - Một chuyên gia đã chỉ ra điểm hạn chế trên tên lửa siêu vượt âm Zircon mà Nga thường mô tả là "không thể bị đánh chặn".
Tên lửa siêu thanh Zircon của Nga có thể làm được 2 việc: Thứ nhất, việc bay với tốc độ khoảng 11.000km/h khiến nó rất khó bị bắn hạ. Thứ 2, nó có thể bắn trúng một con tàu đang di chuyển. Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Sidharth Kaushal từ viện RUSI (Anh), nó không thể làm được cả 2 việc cùng lúc và đây là điểm hạn chế trên dòng tên lửa siêu vượt âm mà Nga tuyên bố là không thể đánh chặn này.
"Việc Zircon được triển khai là một bước phát triển quan trọng, nhưng không nên phóng đại điều này", ông Kaushal nhận định.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết, tên lửa 3M22 Zircon có thể di chuyển với tốc độ Mach 9, tức là gấp 9 lần tốc độ âm thanh. Tốc độ này quá nhanh so với các hệ thống phòng không hiện tại, Nga tuyên bố.
Tuy nhiên, ông Kaushal cho rằng, những tuyên bố từ Nga không thể thay đổi quy tắc vật lý. Các vật thể di chuyển ở tốc độ siêu vượt âm (nhanh gấp tối thiểu 5 lần tốc độ xung quanh) làm ion hóa không khí xung quanh chúng, tạo ra một lớp vỏ plasma bao quanh vật thể và lớp vỏ này có thể chặn tín hiệu radar.
Radar là thiết bị đảm bảo cho tên lửa sẽ được dẫn đường để đánh trúng vào mục tiêu. Khi tên lửa đến gần mục tiêu được chỉ định, một radar tìm kiếm chủ động ở mũi sẽ bật, quét khu vực và khóa mục tiêu.
Ông Kaushal viết: "Vì lớp plasma của tên lửa ngăn cản việc sử dụng radar chủ động và các cảm biến khác trên tên lửa để theo dõi tàu mục tiêu trong giai đoạn cuối, nên tên lửa có khả năng phải giảm tốc độ gần bằng tốc độ siêu thanh (từ Mach 1 tới dưới Mach 5) để có thể truy vết các mục tiêu đang chuyển động".
Nếu Zircon phóng vào mục tiêu cố định như tòa nhà, nó sẽ không cần phải giảm tốc, nhưng nếu để tấn công vào tàu chiến, Zircon có thể sẽ phải giảm tốc độ để dùng được radar khóa mục tiêu. Trong kịch bản này, Zircon dường như sẽ không khác gì các tên lửa chống hạm đời cũ của Nga là P-800 Oniks với tốc độ khoảng Mach 2,5 (gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh).
Các tên lửa bay ở tốc độ siêu thanh có thể bị các hệ thống phòng thủ trên tàu chiến bắn rơi, ví dụ như hệ thống SeaRAM của Mỹ.
Ngoài ra, khi Zircon được phóng ra, một tên lửa sẽ đẩy nó lên độ cao lớn và tốc độ siêu thanh, điều cần thiết để động cơ phản lực của Zircon kích hoạt để đạt vận tốc siêu vượt âm (trên Mach 5). Không giống như các tên lửa chống hạm siêu thanh có thể lướt ngay trên mặt nước để tránh bị radar đối thủ phát hiện, Zircon sẽ phải ở duy trì ở độ cao 19km cho đến khi nó tiếp cận tương đối gần mục tiêu. Bay cao hơn trong thời gian dài hơn khiến nó dễ bị radar phát hiện hơn.
Tuy nhiên, ông Kaushaul cho rằng, không nên đánh giá thấp uy lực của Zircon. Ví dụ, một tàu khu trục có thể không phát hiện ra tên lửa cho đến khi nó bay được trong phạm vi khoảng 34km, theo ông Kaushal. "Từ thời điểm này, giả sử tên lửa là Zircon bay ở tốc độ Mach 5-6, con tàu sẽ chỉ có 15 giây để phản ứng", ông phân tích.
Zircon sẽ cung cấp cho Nga khả năng tấn công siêu vượt âm. Loại vũ khí này không quá lớn nên nó có thể được tích hợp vào các tàu chiến cỡ nhỏ như tàu hộ vệ lớp Đô đốc Gorshkov và tàu ngầm như tàu lớp Yasen. Đây là điều khiến giới chức NATO lo ngại trong thời gian qua.