1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyện gì xảy ra nếu Nga xây đường hầm dưới biển nối Crimea?

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga được cho là đã đàm phán bí mật với phía Trung Quốc để xây dựng một đường hầm dưới biển đến bán đảo Crimea, nhưng công trình này dường như khó có thể giải quyết được các vấn đề của Moscow.

Chuyện gì xảy ra nếu Nga xây đường hầm dưới biển nối Crimea? - 1

Tàu quân sự Nga di chuyển cạnh cầu Crimea (Ảnh: Reuters).

Washington Post ngày 24/11 đưa tin, các cơ quan an ninh của Ukraine đã nắm được thông tin về các cuộc đàm phán giữa Nga và Trung Quốc hồi tháng 10 về việc xây dựng đường hầm dưới biển nối bán đảo Crimea với Nga, trong bối cảnh cây cầu Crimea bắc qua eo biển Kerch nhiều lần trở thành mục tiêu bị tấn công gần đây.

Cầu Kerch đóng vai trò là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Nga và là tuyến đường bộ duy nhất của Moscow nối với Crimea, bán đảo trên Biển Đen được Nga sáp nhập vào năm 2014.

Ukraine đã tấn công cây cầu đường bộ và đường sắt dài 19km này vào tháng 10 năm ngoái và tiếp tục tấn công một lần nữa vào tháng 7 năm nay. Cây cầu có đường bộ với 4 làn xe và đường sắt với 2 đường ray, đóng vai trò rất quan trọng để duy trì các cuộc tấn công quân sự của Nga ở miền nam Ukraine.

Các bức ảnh vệ tinh mà Newsweek thu được cho thấy tuyến đường sắt trên cầu Kerch bị hư hại sau cuộc tấn công thứ hai của Ukraine. Bộ Quốc phòng Anh đánh giá rằng vì lý do đó, cây cầu này đã trở thành "gánh nặng an ninh" đáng kể đối với Moscow.

Chuyện gì xảy ra nếu Nga xây đường hầm dưới biển nối Crimea? - 2

Bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine (Ảnh: BBC).

Theo Washington Post, các giám đốc điều hành doanh nghiệp Nga và Trung Quốc được cho là hy vọng rằng, việc xây dựng đường hầm nối với bán đảo Crimea sẽ thiết lập một tuyến đường vận chuyển mới và tránh được các cuộc tấn công của Ukraine.

Theo Newsweek, Tổng thống Vladimir Putin được cho là đã ra tín hiệu muốn xây đường hầm dưới biển nối lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea vào năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo này. Bộ trưởng Giao thông Nga Maxim Sokolov khi đó cho biết: "Phương án xây đường hầm dưới eo biển Kerch cũng sẽ được xem xét".

Tuy nhiên, trung tướng về hưu Ben Hodges nói với Newsweek rằng, đường hầm dưới biển "sẽ dễ bị tổn thương trong suốt quá trình xây dựng cũng như sau khi hoàn thành".

Ông Hodges nhận định Nga sẽ không dễ dàng xây dựng công trình này.

"Có những thử thách thực sự về mặt kỹ thuật liên quan đến ý tưởng xây dựng đường hầm này. Phần đáy Biển Đen/Azov ở khu vực đó không lý tưởng cho việc xây dựng ngay cả cây cầu Kerch, do vậy hoạt động địa chấn cũng sẽ là một vấn đề thực sự đối với đường hầm", ông Hodges nói.

Keir Giles, chuyên gia tư vấn cấp cao của chương trình Nga và Á - Âu tại tổ chức nghiên cứu Chatham House ở London, Anh, nói với Newsweek rằng đường hầm dưới biển vẫn sẽ đặt ra vấn đề cho Nga.

"Nếu đường hầm thực sự được xây dựng, đó sẽ là một tuyến đường an toàn hơn để di chuyển đến và đi từ bán đảo Crimea, nhưng vẫn là một nút thắt và một điểm dễ bị tổn thương, và chừng nào xung đột còn tiếp diễn, bất kỳ ai đi qua đường hầm này sẽ cảm thấy vô cùng lo lắng", chuyên gia Giles nói.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington hồi tháng 8 đã đánh giá rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở hạ tầng nối bán đảo Crimea với miền nam Ukraine và với đất liền Nga đang ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển nguồn lực của Moscow. Điều này cũng đang cản trở nỗ lực của Nga nhằm đối phó với cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine.

Gần đây, các vụ tập kích vào bán đảo Crimea có xu hướng gia tăng. Thành phố cảng Sevastopol, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen Nga ở Crimea, cũng bị tấn công bằng máy bay không người lái và xuồng cảm tử. Crimea hiện vẫn đóng vai trò như một căn cứ mà Nga triển khai máy bay và tàu chiến sát Ukraine.

Kiev nhận trách nhiệm trong một số vụ tấn công trên. Giới quan sát cho rằng Ukraine dường như đang tìm cách cắt đứt hành lang trên bộ của Nga từ Crimea đến các tỉnh miền Đông và miền Nam Ukraine.

Theo Newsweek

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm