1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyện chưa kể trong vụ không tặc máy bay Pan Am năm 1986

Chuyến bay số hiệu 73 chở 360 hành khách và phi hành đoàn gồm 19 người của Hãng hàng không Mỹ Pan American World Airways, hay gọi tắt là Pan Am, hướng đến thành phố New York (Mỹ), bị 4 tên không tặc người Palestine thuộc nhóm khủng bố Tổ chức Abu Nidal (ANO) cướp ngày 5-9-1986 khi quá cảnh tại sân bay Jinnah thành phố Karachi, miền Nam Pakistan.

ANO là nhóm chống đối quyết liệt các chính sách của Mỹ và Israel về Trung Đông.

Thông tin về vụ cướp chiếc máy bay Boeing 747 của Hãng Pan Am khi quá cảnh tại sân bay Jinnah ở Karachi đã gây chấn động cả thế giới, nhưng những thành viên phi hành đoàn sống sót đều giữ im lặng cho đến tận hôm nay. Lần đầu tiên sau gần 30 năm, 6 người trong phi hành đoàn của chiếc máy bay mới chấp nhận tiết lộ chi tiết về vụ không tặc cho giới truyền thông.

Những hành động khôn ngoan trong khoảnh khắc kinh hoàng

Chuyến bay 73 Pan Am từ sân bay quốc tế Sahar ở thành phố Mumbai (Ấn Độ) quá cảnh ở Karachi và theo lịch trình sẽ bay tiếp đến sân bay Frankfurt tại Frankfurt am Main (CHLB Đức) trước khi chấm dứt hành trình tại sân bay John F. Kennedy ở New York (Mỹ).

Bên ngoài chiếc máy bay, 4 tay súng sử dụng chiếc xe tải giả dạng an ninh sân bay để tiếp cận. Sau khi lọt được vào chiếc máy bay, bọn chúng nổ súng bắn chỉ thiên.


Ảnh chụp 6 tiếp viên theo thứ tự từ trên xuống và trái qua phải: Sherene, Massey, Madhavi, Sunshine, Dilip và Nupoor.

Ảnh chụp 6 tiếp viên theo thứ tự từ trên xuống và trái qua phải: Sherene, Massey, Madhavi, Sunshine, Dilip và Nupoor.

Tiếp viên hàng không chuyến bay 73 của Hãng hàng không Pan Am lúc đó là Nupoor Abrol kể với hãng tin Anh BBC: “Bản năng đầu tiên của tôi là mở cửa thoát hiểm để thoát thân cùng với một số hành khách. Nhưng tôi nhận thức được rằng điều đó sẽ gây nguy hiểm cho những hành khách còn ngồi lại”.

Nupoor nhìn thấy chúng bắn xuống gần chân một đồng nghiệp, la hét buộc đóng cửa máy bay. Nữ tiếp viên Sherene Pavan, lúc đó đứng ngoài tầm mắt của bọn khủng bố, nhanh trí bước vào phòng liên lạc và quay số gọi khẩn cấp đến buồng lái giúp cho phi công kịp trốn thoát qua ô cửa trên nóc buồng lái.

Tiếp viên Sunshine Vesuwala cho biết: “Nhiều người chỉ trích các phi công đã thoát thân bỏ mặc số người còn lại đằng sau họ. Nhưng tôi cảm thấy yên tâm khi nhìn thấy họ thoát được ra ngoài bởi vì chúng tôi sẽ an toàn trên mặt đất hơn là trên không trung. Dù sao thì ít nhất 3 phi công được an toàn nghĩa là 3 mạng sống được cứu”.

Tiếp viên Dilip Bidichandani cũng nhận định sự thoát thân của các phi công đã giúp cứu được nhiều mạng sống hơn vì “Bọn khủng bố có thể ra lệnh cho máy bay đâm vào một tòa cao ốc hay thậm chí cho nó nổ tung giữa không trung”.

Theo tiếp viên Sunshine Vesuwala, có lẽ bọn không tặc không hiểu biết nhiều về máy bay cho nên bọn chúng không để ý đến ô cửa thoát thân trên nóc trong buồng lái. Kế hoạch của bọn không tặc là ép buộc tổ phi công lái máy bay đến Cyprus và Israel, nơi các thành viên của nhóm Abu Bidal đang bị giam giữ vì tội khủng bố.

Bên ngoài máy bay, Viraf Doroga, Giám đốc Pan Am ở Karachi, dùng loa thương lượng với 4 tên không tặc và thông báo ban lãnh đạo sân bay đang tìm kiếm phi công cho phép chúng bay đi theo hướng yêu cầu. Hành khách người Mỹ 29 tuổi Rajesh Kumar bị bọn chúng bắt quỳ gối trước những ô cửa mở và bị bắn vào đầu sau khi 1 giờ trôi qua mà chúng vẫn chưa được cung cấp phi công.

Trong thời gian 4 giờ chiếm máy bay, bọn không tặc cố gắng xác định số hành khách người Mỹ và ra lệnh thu thập hộ chiếu từng người song các tiếp viên khéo léo giấu biệt dưới ghế ngồi hay trong người họ những hộ chiếu của người Mỹ.

Về sau, hành khách có mặt trên chuyến bay lúc đó là Mike Thexton mô tả hành động của các tiếp viên trong cuốn sách “What Happened to The Hippy Man?” (tạm dịch: Điều gì xảy ra cho người đàn ông Mỹ) của mình là “cực kỳ dũng cảm, vị tha và thông minh”.

Sunshine Vesuwala và Sherene Pavan là hai tiếp viên có nhiều thời gian gần gũi nhất với Zaid hassan Abd Latif Safarini, tên cầm đầu nhóm không tặc. Safarini nhiều lần sử dụng 2 tiếp viên làm lá chắn người khi hắn muốn đến ô cửa sổ máy bay để quan sát tình hình bên ngoài. Trên máy bay, nhóm không tặc ra lệnh cho thợ cơ khí Meherjee Kharas (lúc đó 28 tuổi) trao đổi bằng radio với những người thương lượng bên ngoài.

Lúc đó, bọn chúng vẫn còn tin rằng sẽ có một phi công giúp chúng bay đến Israel. Quá sốt ruột vì chờ đợi lâu, Safarini đe dọa cứ mỗi 15 phút trôi qua, hắn sẽ bắn chết 1 hành khách. Nupoor cố gắng trấn an những hành khách, trong lúc đồng nghiệp Bidichandani phân phát bánh mì kẹp thịt còn Neerja cung cấp nước uống cho họ. Tiếp viên Massey Casper nhớ lại: “Hôm đó, tất cả chúng tôi gắn bó chặt chẽ với nhau thành một đội và mỗi người cố gắng hành động tốt nhất tùy theo khả năng của mình”.

Mặc dù trước đó bọn không tặc đã ra lệnh đóng kín hết mọi cánh cửa nhưng các máy lạnh và bóng đèn vẫn được bật. Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, nguồn cung cấp điện trên máy bay cũng bắt đầu yếu dần khiến cho ánh sáng mờ đi và không khí nóng dần lên.

Ảnh chụp chung phi hành đoàn trong chuyến bay 73 Pan Am định mệnh.
Ảnh chụp chung phi hành đoàn trong chuyến bay 73 Pan Am định mệnh.

Thợ cơ khí báo cho tên cầm đầu Safarini biết nguồn điện khẩn cấp chỉ kéo dài 15 phút trước khi chiếc máy bay chìm sâu vào bóng tối. Sherene cũng ngầm hiểu rằng, đó là thời khắc quý báu để mọi người trốn thoát khỏi máy bay. Khi ánh sáng tắt ngúm, toàn bộ tiếp viên và hành khách đều ở trong khoang giữa máy bay, trong khi các tay súng khủng bố đứng ở phía khác.

Sunshine kể lại: “Bọn chúng đã mất kiên nhẫn nên la hét đòi giết người và bắt đầu bắn xối xả vào đám đông tạo ra những lằn đạn lóe sáng trong bóng tối dày đặc. Những tiếng la thét vang lên ầm ĩ”. Sherene nhìn thấy thợ cơ khí Meherjee bị bắn chết.

Trong bầu không khí hỗn loạn cực độ, 3 cánh cửa bỗng nhiên được mở toang mà không biết ai làm điều đó. Cánh cửa gần cánh máy bay được mở bằng tay, nghĩa là cầu thang trượt khẩn cấp không được bơm phồng lên. Mọi người liền đổ dồn về cánh cửa này. Nupoor và Madhvi trượt nhanh ra ngoài và bị gãy xương khi chạm xuống mặt đường nhựa bên ngoài máy bay cách khoảng 6m bên dưới.

Sunshine và Dilip Bidichandani còn lò mò trong bóng tối và bất chợt nhìn thấy một cánh cửa khác mở tự động – nghĩa là cầu trượt khẩn cấp được bơm phồng một cách an toàn. Họ liền cùng với các đồng nghiệp khác cố hết sức hướng dẫn hành khách ra ngoài qua cầu trượt bơm phồng này.

Khi toàn bộ hành khách đã thoát được ra ngoài máy bay, các tiếp viên đã có hành động can đảm khác thường: Khi không nghe thấy tiếng súng nổ và cũng không biết bọn không tặc đang ở đâu, họ liền quay trở vào chiếc máy bay tối như mực để tìm kiếm những người sống sót.

Cái chết dũng cảm của Neerja

Sunshine nhìn thấy Neerja bị bắn vào hông, cô chảy máu rất nhiều nhưng có vẻ vẫn còn tỉnh táo. Sunshine gọi Dilip Bidichandani đến giúp đưa Neerja đến cầu trượt ra ngoài. Sherene và đồng nghiệp Ranee Vaswani là 2 con tin cuối cùng thoát khỏi chiếc máy bay.

Bọn không tặc đang tìm đường chạy trốn khỏi sân bay thì bị lực lượng an ninh kịp thời bắt giữ. Riêng tên cầm đầu Safarini vẫn còn ở trên máy bay khi lực lượng an ninh Pakistan ập vào. Các đồng nghiệp của Neerja cho biết, cô vẫn còn sống khi được chuyển đến Bệnh viện Jinnah ở Karachi.

Cầu trượt thoát hiểm trên chiếc máy bay.
Cầu trượt thoát hiểm trên chiếc máy bay.

Dilip Bidichandani nói: “Bệnh viện chỉ nằm cách sân bay chừng vài km. Neerja được đưa lên xe cứu thương mà không có cáng nằm. Mạng sống của Neerja có lẽ đã được cứu nếu như bệnh viện được trang bị tốt hơn”.

Sau thời gian ngắn tạm nghỉ sau vụ khủng bố, toàn bộ phi hành đoàn của Chuyến bay 73 đều quay trở lại Pan Am tiếp tục làm việc trong ít nhất vài năm. Đôi khi họ cùng làm việc trên cùng một chuyến bay và họp mặt nhau trong mỗi chặng dừng chân. Họ không nói gì về vụ không tặc khủng khiếp xảy ra trong quá khứ.


Những người bị thương được đưa đi cấp cứu.

Những người bị thương được đưa đi cấp cứu.

Mọi người đều có cách thích nghi riêng với nó. Ngày nay, trong cuộc phỏng vấn của Hãng tin BBC, họ không tự cho mình là anh hùng và mọi người đều có vai trò riêng quan trọng như nhau. Họ mong muốn những người còn sống sót trong vụ khủng bố ở Mỹ ngày 11-9-2001 cũng như trong vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris nước Pháp biết rằng, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Họ vô cùng thương tiếc 2 đồng nghiệp đã mất mạng- Neerja Bhanot và Meherjee Kharas.

Madhavi phát biểu: “Những người còn sống sót đang sống mỗi ngày với ký ức đau buồn. Hy vọng rằng “chúng ta vẫn có thể kết nối với nhau thông qua những câu chuyện sống sót của chính chúng ta”.

Bộ phim”Neerja”.
Bộ phim”Neerja”.

Tháng 9-2001, chính quyền Pakistan trả tự do cho Zaid Hassan Abd Latif Safarini nhưng hắn nhanh chóng bị chính quyền Mỹ bắt lại sau đó và lĩnh án tù 12 năm trong nhà tù Mỹ. Những tên không tặc còn lại được thả khỏi nhà tù Pakistan năm 2008 trái với ý muốn của Ấn Độ và Mỹ.

Vụ không tặc Chuyến bay 73 của Pan Am trở thành đề tài cho một bộ phim “Neerja” do Ram Madhvani làm đạo diễn và hãng phim Mỹ Fox Star Stutios sản xuất, vừa được công chiếu ngày 19-2-2016.

Tất cả có 22 người bị giết chết và khoảng 150 người bị thương trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Pakistan và nhóm không tặc. Nữ tiếp viên Neerja Bhanot (lúc đó 22 tuổi), chính là người đầu tiên mở cánh cửa thoát hiểm khẩn cấp cho hành khách và đã dũng cảm che chắn làn đạn của không tặc để cho các hành khách và 3 đứa trẻ thoát ra ngoài

Phi hành đoàn Pan Am từng nhận được các giải thưởng cho lòng can đảm từ hãng hàng không năm 1986, từ Bộ Tư pháp Mỹ năm 2005 và từ Bộ trưởng Tư pháp Mỹ năm 2006. Riêng Neerja Bhanot là tiếp viên duy nhất được chính quyền Ấn Độ truy tặng huân chương Ashok Chakra vì sự hy sinh.

Theo Duy Minh (tổng hợp)

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm